Bình Dương: Hiệu quả từ chiến lược thu hút vốn FDI thế hệ mới Bình Dương thu hút hơn 1,25 tỷ USD vốn FDI |
FDI cao hơn 43 tỉnh trên cả nước
Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, trong 6 tháng đầu năm 2022, huyện Bàu Bàng đã thu hút được 14 dự án đăng ký mới và 3 dự án đăng ký tăng thêm vốn là 26 triệu USD, nâng tổng số dự án trên địa bàn huyện đến nay là 1.257 dự án. Trong đó, đầu tư trong nước 1.042 dự án với tổng vốn đăng ký 40.450 tỷ 880 triệu đồng, đầu tư nước ngoài là 215 dự án với tổng vốn đăng ký 4 tỷ 646,8 triệu USD.
Theo số liệu thống kê lũy kế đến hết tháng 5/2022 từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính riêng FDI trên địa bàn huyện Bàu Bàng đã cao hơn 43 tỉnh trên cả nước.
Cụ thể, vốn FDI vào huyện Bàu Bàng lớn hơn nhiều tỉnh thành top đầu như: Bạc Liêu (4,551 tỷ USD), Khánh Hòa (4,395 tỷ USD), Thừa Thiên-Huế (4,066 tỷ USD), Bình Phước (3,845 tỷ USD), Bình Thuận (3,835 tỷ USD), Nam Định (3,673 tỷ USD), Tiền Giang (2,909 tỷ USD), Cần Thơ (2,054 tỷ USD), Phú Yên (2,035 tỷ USD), Quảng Ngãi (2,031 tỷ USD)…
Cũng theo số liệu thống kê, 43 tỉnh khác gồm Bạc Liêu, Khánh Hòa, Thừa Thiên-Huế, Bình Phước, Bình Thuận, Trà Vinh, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Sóc Trăng, Lâm Đồng, Cần Thơ… có vốn FDI lũy kế các dự án còn hiệu lực tính đến ngày 20.5.2022 ít hơn cả huyện Bàu Bàng.
Con số vốn FDI trên địa bàn huyện Bàu Bàng cũng lớn hơn tổng vốn FDI vào 19 tỉnh như Đắk Lắk, Lào Cai, Lâm Đồng, Yên Bái, Sóc Trăng, Đắk Nông, An Giang, Kon Tum, Lạng Sơn, Đồng Tháp, Tuyên Quang, Cà Mau, Sơn La, Gia Lai, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu cộng lại là 4,492 tỷ USD.
Đồng bộ cơ sở hạ tầng của thủ phủ công nghiệp huyện Bàu Bàng |
Từ vùng đất thuần nông thành “thủ phủ công nghiệp”
Theo đánh giá, huyện Bàu Bàng thu hút được nguồn vốn FDI ấn tượng như trên là nhờ chủ trương dịch chuyển các khu công nghiệp về phía bắc tỉnh Bình Dương, quy hoạch diện tích khu công nghiệp tăng mạnh.
Sau 8 năm tách ra từ huyện Bến Cát (cũ), huyện Bàu Bàng đã thay đổi mạnh mẽ, từ vùng đất thuần nông trở thành địa phương có nền kinh tế công nghiệp phát triển.
Ngay khi mới thành lập, địa phương này đã quy hoạch các hạng mục quan trọng nhằm tạo bước đột phá. Trong đó, dự án đầu tiên và quan trọng nhất là khu công nghiệp Bàu Bàng, với tổng diện tích hơn 2.100 ha (mở rộng thêm gần 1.000 ha) được hình thành vào năm 2016. Đặc biệt, huyện Bàu Bàng đã quy hoạch, xây dựng các khu công nghiệp có vị trí giao thông tiện lợi để làm nền tảng thu hút đầu tư vào công nghiệp. Với các giải pháp đồng bộ về hạ tầng, đến nay, huyện Bàu Bàng đã có các khu công nghiệp Bàu Bàng, Cây Trường, Lai Hưng, Tân Bình đã được đầu tư xây dựng hoàn thành và đi vào hoạt động.
Tính đến năm 2020, huyện Bàu Bàng có hơn 1.092 ha đất khu công nghiệp đang hoạt động. Theo quy hoạch đến 2030, địa phương này sẽ có thêm 10 khu công nghiệp với tổng diện tích đất là 6.796,8 ha, chiếm 50% tổng diện tích khu công nghiệp đang hoạt động. Việc quy hoạch này sẽ giúp huyện Bàu Bàng trở thành điểm sáng về phát triển công nghiệp trên cả nước.
Được biết, đã có rất nhiều tập đoàn lớn trên thế giới cũng đã đầu tư vào huyện Bàu Bàng. Cụ thể như: Tập đoàn Kolon Industries triển khai dự án nhà máy sản xuất bố lốp, túi khí ô tô, với vốn đầu tư lên tới 1 tỷ USD trên khu đất gần 42 ha; Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Đài Loan) ước tính tổng vốn đầu tư 2 giai đoạn ước tính hơn 1,3 tỷ USD; Công ty TNHH KyungBang Việt Nam đầu tư 179 triệu USD; Lacouer Craft Việt Nam đầu tư 98 triệu USD; Tập đoàn Kolon đầu tư 140 triệu USD…
Được biết, hoạt động của các khu công nghiệp đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế của huyện với giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015-2020 là 18 - 20%. Dự kiến, giai đoạn 2021-2025, giá trị sản xuất công nghiệp tại Bàu Bàng tăng trưởng đạt 22%/năm; tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 26,5%/năm và tốc độ tăng trưởng dân số đạt 9%/năm.