Hương trầm gọi Tết
Mới tới đầu làng, tôi đã lạc giữa ngan ngát mùi hương có vị dịu nhẹ lan trong không gian. Cái mùi hương đầm ấm, thú vị rất quen thuộc của ngày tết, tự nhiên lòng tôi lại thấy xốn xang khó tả. Biết bao nỗi niềm ùa về, lặng lẽ trong mùi hương trầm hư ảo ấy. Mùa xuân đang đến thật gần!
Khung cảnh nhộn nhịp từ ngoài ngõ vào sân, là một dây chuyền thủ công sản xuất hương. Lực lượng đảm nhiệm công việc này chủ yếu là phụ nữ và một số bé gái lúc rảnh rỗi cũng theo mẹ, theo bà làm hương. Để kịp phục vụ nhu cầu tết, những ngày này, từ người trẻ đến các cụ già trong làng đều tất bật với nghề. Những người thợ dùng bàn gỗ nhỏ để se khối nguyên liệu thành những cây hương nhỏ, thợ làm hương trầm trải dải giấy bản dài 50cm hoặc 1m lên bàn, đặt chân hương vào giữa rồi rải bột hương lên mới cuốn. Tuy được se thủ công nhưng những cây hương nhìn rất đều, tròn trịa, dẻo dai rất khó gãy. Để cây hương khi thắp sẽ cháy đến tận chân, người làm phải rất kỹ lưỡng để hương không bị cháy nửa chừng, tàn hương uốn cong đẹp mắt.
Nguyên liệu chủ yếu là rễ cây hương bài, hoa hồi, thảo quả, quế chi... |
Ông Đậu Công Hà - chủ cơ sở Hà Loan - thương hiệu hương trầm gia truyền nổi tiếng ở Tân Lạc - cho biết, từ bé, ông đã theo cha làm hương và gắn bó đến nay hơn nửa thế kỷ. Trước đây, người dân đi săn cây trầm hương trong rừng sâu, mang cả rễ cây này về. Do rễ trầm hương có mùi đặc biệt nên dân bản mới nghĩ cách pha chế để làm hương trầm. Nghề làm hương trầm nhìn đơn giản, nhưng cũng lắm công phu. Hương ở Quỳ Châu được chế từ ít nhất sáu nguyên liệu và pha trộn theo công thức nhất định. Bột rễ trầm hương là nguyên liệu chính được pha trộn một ít với nhiều loại nguyên liệu khác như thảo quả, hoa hồi, quế chi, trầm xơ trộn với bã mía hoặc mùn cưa mạt, cho dễ cháy và một vài thứ phụ gia đặc biệt khác, mới tạo được mùi hương đặc trưng. “Từ tháng 10 âm lịch, gia đình đã bắt đầu chuẩn bị sản xuất hương phục vụ mùa tết, tháng chạp là thời gian khách hàng đặt mua nhiều. Bình quân mỗi mùa tết, gia đình cung cấp cho thị trường khoảng 40 - 50 vạn que hương, thu về khoảng 3 tỷ đồng mỗi năm…” - ông Hà vui vẻ nói.
Làng nghề hương trầm tất bật vụ Tết |
Chị Trần Thị Hương - người làm hương lâu năm - chia sẻ, để có được một bó hương nhìn có vẻ đơn giản, phải mất rất nhiều thời gian để làm ra những nén hương trầm ưng ý lại mang hương vị đặc trưng của Quỳ Châu. Không chỉ quan trọng ở nguyên liệu, mà còn đòi hỏi người thợ phải có sự khéo léo, tỉ mỉ trong từng công đoạn. Đặc biệt, hương của làng không sử dụng hóa chất, chỉ dùng các loại hương liệu, nguyên liệu tự nhiên thân thiện với môi trường. Lúc đốt, hương sẽ cháy đến tận chân hương và tàn hương uốn cong rất đẹp. “Năm nay, do dịch, nên cả làng cũng thấy hồi hộp, nhưng rồi vì nghề truyền thống nên cứ làm. Tôi không ngờ, năm nay đơn hàng nhiều, thậm chí còn nhiều hơn cả năm ngoái nên chúng tôi đang làm ngày, làm đêm để kịp giao cho khách…” - chị Hương kể, đôi tay thoăn thoắt, dứt khoát trên bàn se. Sản phẩm hương trầm của Quỳ Châu ngày nay không chỉ phục vụ nhu cầu trong tỉnh mà còn có mặt ở các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và được bà con mang ra nước ngoài…
Nét đẹp ngày Tết cổ truyền
Mỗi dịp tết đến, xuân về, cùng với bánh chưng xanh, câu đối đỏ, chẳng thể thiếu đi nén hương trầm thơm ngát. Hương trầm đối với người xứ Nghệ nói riêng và người Việt nói chung không đơn thuần chỉ là một đồ vật bình thường, đó còn là một nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh.
Bà Trần Thị Loan - Chủ nhiệm Hợp tác xã Hương trầm Hà Loan - cho biết, hương trầm Quỳ Châu bây giờ không chỉ cung cấp người dân xứ Nghệ, mà còn mở rộng thị trường ra các địa phương khác. Hương thơm sâu lắng của hương trầm Quỳ Châu hôm nay đã len lỏi đến khắp các vùng miền. “Mỗi cây hương trầm được làm ra không chỉ chứa đựng mồ hôi, công sức của người làm, đó còn là một nét văn hóa nên đòi hỏi cần phải có cái tâm đối với nghề.
Nếu làm ra cây hương trầm chỉ vì mục đích lợi nhuận, không gửi gắm được cái tâm của mình vào đó, hương đốt lên mà tắt nửa chừng thì khó trụ nổi với nghề…” - bà Loan nói.
Ngày cuối năm, người dân làng hương Tân Lạc nỗ lực chạy đua với thời gian để mang phong vị tết cổ truyền đến từng nhà, làm cho không khí ngày xuân thêm ấm áp. Độ 23 tháng chạp, ngày cúng đưa ông Táo lên trời, trong nhà, ngoài ngõ bắt đầu phảng phất mùi thơm thanh khiết của hương trầm. Mùi hương ấy trở thành một tín hiệu báo cho mọi người rằng Tết đã cận kề. Đến 30 tết, khi nhà nhà nghi ngút khói hương trong lễ cúng đón rước tổ tiên, mùi hương trầm càng dâng lên, lan rộng... Mùi hương trầm dịu ngọt, thành kính khiến không khí ngày tết dân tộc càng thêm thiêng liêng, ấm cúng, thấm sâu vào hồn người để trở thành niềm thương, nỗi nhớ lúc đi xa…
Quỳ Châu là một trong những làng nghề sản xuất hương trầm lớn nhất Nghệ An hiện nay. Trong hai năm 2019 - 2020, hương trầm của cơ sở Hà Loan, Bình Minh, Thiết Hợi (thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu) lần lượt được công nhận đạt 3 sao OCOP của tỉnh. Năm ngoái, sản lượng hương làng nghề đạt khoảng 90 triệu cây, doanh thu trên 40 tỷ đồng với khoảng 150 hộ sản xuất, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho bà con. |