Lý do để thay đổi
Dệt may là ngành tạo ra kim ngạch XK quan trọng trong cơ cấu kinh tế quốc gia, song sản phẩm dệt may Việt Nam đang chịu áp lực cạnh tranh về tiêu chuẩn an toàn môi trường, sức khỏe người lao động. Do vậy, doanh nghiệp (DN) trong ngành đang nỗ lực hướng tới giảm phát thải hóa chất độc hại.
Theo bà Nguyễn Thị Phương Mai - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), lượng hóa chất các loại sử dụng trong DN dệt nhuộm khoảng 500 - 2.000 kg/tấn sản phẩm. Trong đó, ngành nhuộm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao nhất. Việt Nam có khoảng 177 DN hoạt động trong lĩnh vực nhuộm in hoa và xử lý hoàn tất vải, song hầu hết các dây chuyền nhuộm đều chưa được quản lý và khai thác công nghệ tương xứng với tính năng thiết bị.
Doanh nghiệp dệt may đầu tư công nghệ, giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường |
Trong khi đó, với các hiệp định thương mại mới ký kết trong thời gian qua, các chuyên gia cho rằng, một trong những rào cản thương mại lớn của ngành dệt may khi thâm nhập thị trường quốc tế là giảm phát thải. Để phát triển bền vững và tăng giá trị cho XK, DN buộc phải thay đổi. Bởi trên thực tế, người tiêu dùng trên toàn cầu đã bắt đầu xem xét yếu tố trách nhiệm xã hội với môi trường của DN sản xuất và cuối cùng là thương hiệu sản phẩm may mặc đã có hành động sẵn sàng tham gia mục tiêu giảm khí thải nhà kính.
Hành động của doanh nghiệp
Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng đã thể hiện rõ quan điểm mong muốn ngành thời trang nói riêng và dệt may nói chung phát triển mạnh mẽ nhưng cần tuân thủ định hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.
Thời gian qua, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên triển khai Dự án "Xanh hóa ngành dệt may Việt Nam thông qua cải thiện quản lý nước và năng lượng bền vững". Dự án được triển khai từ năm 2018 - 2020, với mục tiêu chuyển đổi ngành dệt may tại Việt Nam thông qua tham gia vào các chính sách quản lý ngành và môi trường để mang lại lợi ích xã hội, kinh tế và bảo tồn cho Việt Nam cũng như toàn bộ khu vực sông Mê Kông - nơi tập trung gần 50% nhà máy may mặc của cả nước.
Theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, việc "xanh hóa" của ngành tác động đến môi trường và sự phát triển bền vững của nền kinh tế cũng như ngành dệt may. Do vậy, ngành dệt may Việt Nam cần tiếp tục tuân thủ mối quan hệ hợp tác gắn kết, sự phát triển bền vững trong chương trình xanh hóa và tiết kiệm nguồn nước.
Bên cạnh đó, chia sẻ tại Hội thảo Quản lý hóa chất hướng tới giảm phát thải hóa chất độc hại trong DN dệt may tại Việt Nam diễn ra mới đây, các đại biểu cho rằng, Chính phủ cần có những chính sách quy định rõ ràng, minh bạch về tiêu chí công nghệ đầu tư đối với ngành dệt may; xây dựng các chương trình hỗ trợ DN lập kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất. Đồng thời, tổ chức các lớp đào tạo, hướng dẫn cho DN cách xác định hóa chất nguy hiểm và đánh giá đúng mức độ độc hại, nguy hiểm của hóa chất.
Ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam: Việt Nam đã cam kết tham gia thực hiện đầy đủ 17 mục tiêu về phát triển bền vững trong Chương trình nghị sự 2030 toàn cầu; Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu tại Hội nghị Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) năm 2015. Vì thế, ngành dệt may sẽ không nằm ngoại lệ để thực thi các mục tiêu phát triển bền vững này. |