Trong giai đoạn 2007 - 2020, các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) của Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 được triển khai theo 5 định hướng phát triển nghiên cứu chính, gồm: Ứng dụng công nghệ, thiết bị lên men vi sinh để sản xuất, chế biến thực phẩm; ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất các chế phẩm vi sinh phục vụ công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất, chế biến nguyên liệu hóa dược; ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất các chế phẩm vi sinh, enzyme phục vụ công nghiệp chế biến hàng tiêu dùng; ứng dụng công nghệ enzyme để sản xuất, chế biến thực phẩm.
Vai trò của khoa học và công nghệ trong thực tiễn sản xuất ngày càng được khẳng định |
Đánh giá kết quả của đề án, Tiến sĩ Đặng Tất Thành - Chuyên viên chính Vụ KH&CN (Bộ Công Thương) - cho biết, hầu hết kết quả nghiên cứu của các đề tài/dự án sản xuất thử nghiệm đã được ứng dụng và chuyển giao vào thực tiễn sản xuất tại doanh nghiệp (DN); cũng như thu hút sự tham gia của nhiều DN sản xuất, kinh doanh. Nếu như năm 2007 - năm đầu tiên thực hiện đề án, chỉ có một nhiệm vụ KH&CN được triển khai và DN tham gia còn ở quy mô nhỏ thì đến năm 2015, số lượng DN tham gia vào các nhiệm vụ KH&CN đã tăng lên 75%. Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, 100% nhiệm vụ KH&CN đã có sự tham gia phối hợp của DN hoạt động ở nhiều quy mô khác nhau.
Tính đến nay, đề án đã triển khai thực tế được 144 nhiệm vụ KH&CN, giúp thúc đẩy hàng hóa cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Việc ứng dụng công nghệ tại các DN góp phần không nhỏ tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Nhiều sản phẩm có giá thành chỉ bằng 60 - 80% so với sản phẩm ngoại nhập, đem lại lợi nhuận hàng tỷ đồng cho DN. Kết quả này đã khẳng định được vai trò của KH&CN trong thực tiễn sản xuất, cũng như đóng góp của KH&CN vào giá trị gia tăng của ngành công nghiệp chế biến.
Bên cạnh đó, đề án cũng triển khai các hoạt động nhằm tăng cường tiềm lực trong nghiên cứu và đào tạo phát triển nguồn nhân lực; phối hợp triển khai có hiệu quả nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ theo nhu cầu thực tế sản xuất, kinh doanh. Đối với công tác tăng cường đầu tư chiều sâu, nâng cấp cơ sở hạ tầng phòng thí nghiệm, hiện đã có 2 phòng thí nghiệm đang hoạt động tại Viện Công nghiệp thực phẩm (Hà Nội) và Trường Cao đẳng Công nghiệp thực phẩm (Phú Thọ). Ngoài ra, đề án cũng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chuyên môn sâu (tiến sĩ, thạc sĩ công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm); hoạt động truyền thông được tăng cường đẩy mạnh, nhằm cung cấp thông tin kịp thời cho các tổ chức, cá nhân trong nước; số lượng đăng ký sở hữu trí tuệ/giải pháp hữu ích và công bố khoa học gia tăng.
Theo ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ KH&CN - nhằm mục tiêu xây dựng đề án mang tính khả thi cao và có sự vào cuộc tích cực của DN, tổ chức KH&CN, nhà quản lý, trong thời gian vừa qua, tổ soạn thảo đề án đã tổ chức nhiều đợt khảo sát thực tế và làm việc với DN, trường đại học, viện nghiên cứu tại 3 miền. Trong giai đoạn tới, đề án sẽ được nghiên cứu theo hướng mở rộng phạm vi triển khai, hướng tới phát triển mạnh ngành công nghiệp sinh học chứ không chỉ giới hạn trong lĩnh vực công nghiệp chế biến.
Bộ Công Thương sẽ tổ chức hội thảo tại 2 miền Nam, Bắc để xin ý kiến đóng góp rộng rãi hơn từ nhiều đơn vị, tổ chức KH&CN, hướng tới hoàn thiện Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030 trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (dự kiến vào quý III/2020). |