Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tính từ thời điểm khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia (ngày 12/3/2019) đến nay, đã có 94/94 cơ quan Trung ương và địa phương (31 Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) đã hoàn thành kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành và thường xuyên gửi, nhận văn bản điện tử 2 cấp chính quyền thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia và phấn đấu trước ngày 30/6/2020, hoàn thành kết nối 4 cấp chính quyền. Trong hơn một năm qua, đã có có khoảng 1,7 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận giữa các cơ quan hành chính thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia.
Sau hơn một năm triển khai đã giúp tiết kiệm khoảng trên 1.200 tỷ đồng/ năm từ việc cắt giảm chi phí sao chụp văn bản và gửi văn bản qua dịch vụ bưu chính công ích |
“Trục liên thông văn bản quốc gia ngoài phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử còn là nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu của Văn phòng Chính phủ trong triển khai các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, như: Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Hệ thống phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet)” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói và cho biết, trong thời gian tới, Văn phòng Chính phủ mong muốn nhận được sự quan tâm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc kết nối, liên thông trao đổi thông tin văn bản giữa Văn phòng Chính phủ và các cơ quan để hình thành mạng lưới trao đổi thông tin, văn bản thông suốt, góp phần từng bước hiện đại hoá nền hành chính Việt Nam.
“Trục liên thông văn bản quốc gia là bước tiến bộ để xây dựng Chính phủ điện tử. Chính phủ điện tử không phải là mỗi Chính phủ mà có cả các tổ chức chính trị-xã hội” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói và nhấn mạnh, thành công hay không là do lãnh đạo, người đứng đầu các cơ quan, do đó, Văn phòng Chính phủ mong muốn nhận được sự quan tâm của các lãnh đạo các cơ quan để công tác liên thông gửi, nhận văn bản điện tử giữa các đơn vị được triển khai hiệu quả.
Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, trước mắt là hoàn thành việc kết nối, liên thông để gửi, nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia và bước tếp theo là triển khai các dịch vụ công cho các hội viên, sau đó sẽ là hệ thống thông tin báo cáo...
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Sau cuộc họp này, Văn phòng Chính phủ sẽ cùng với VNPT trực tiếp làm việc với từng đơn vị để thực hiện công tác kết nối |
Tại buổi làm việc, đại diện Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ cho biết thêm, ngoài các Bộ, ngành, địa phương, Văn phòng Chính cũng đã triển khai kết nối và thử nghiệm gửi, nhận văn bản điện tử với Văn phòng Trung ương Đảng, các Ban Đảng, Văn phòng Quốc hội và một số cơ quan tỉnh Uỷ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, triển khai thử nghiệm kết nối tới các doanh nghiệp, như: VNPT, Viettel, EVN, VNPost, Vietcombank… với tổng số 129 điểm kết nối tính đến thời điểm hiện nay.
Theo ước tính, chỉ tính riêng việc gửi, nhận văn bản điện tử theo 2 cấp hành chính giữa các Bộ, ngành, địa phương đã giúp tiết kiệm trên 1.200 tỷ đồng một năm từ việc cắt giảm chi phí sao chụp văn bản và gửi văn bản qua dịch vụ bưu chính công ích. Cùng đó, việc gửi, nhận văn bản điện tử còn cho phép lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương biết được tình trạng xử lý văn bản, hồ sơ, công việc, từ đó có sự chỉ đạo kịp thời nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp. Đồng thời giúp thay đổi tác phong, lề lối làm việc từ giải quyết công việc dựa trên giấy tờ sang giải quyết công việc trên môi trường điện tử, giúp nâng cao năng suất lao động, giảm thời gian xử lý công việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Sau cuộc họp này, Văn phòng Chính phủ sẽ cùng với VNPT trực tiếp làm việc với từng đơn vị để thực hiện công tác kết nối giữa các đơn vị với Trục liên thông văn bản quốc gia.