Dự thảo đề xuất cụ thể về nội dung kế hoạch tài chính 5 năm. Theo đó, nội dung kế hoạch tài chính 5 năm theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 45/2017/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó: Mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu về tài chính - ngân sách nhà nước 5 năm giai đoạn sau phải nêu rõ mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể, nguyên tắc và trọng tâm ưu tiên trong xây dựng và phân bổ dự toán ngân sách gắn với mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm kế hoạch; chi tiết theo từng nội dung thu và cơ cấu thu ngân sách, chi và cơ cấu chi ngân sách, bội chi ngân sách, gắn với mục tiêu quản lý nợ công của quốc gia và nghĩa vụ nợ của từng địa phương, huy động vốn vay cho bù đắp bội chi ngân sách.
Nội dung xác định khung cân đối ngân sách nhà nước bao gồm: Dự báo các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô chủ yếu để làm căn cứ xây dựng kế hoạch, gồm tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đối với quốc gia và tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đối với địa phương, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá tính GDP, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu, dự báo giá các sản phẩm, hàng hóa có ảnh hưởng lớn đến số thu ngân sách.
Định hướng thu, chi và cân đối ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương trong thời gian 5 năm kế hoạch, trong đó dự báo nguồn lực về thu ngân sách, khả năng vay bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc của ngân sách nhà nước và ngân sách địa phương, qua đó dự báo tổng nguồn lực chi ngân sách nhà nước và ngân sách địa phương, đề xuất thứ tự ưu tiên phân bổ nguồn lực cho từng lĩnh vực chi; dự báo các chỉ tiêu quản lý nợ bình quân cho cả giai đoạn và tại năm cuối kỳ kế hoạch.
Bộ Tài chính (đối với cấp quốc gia), Sở Tài chính địa phương (đối với cấp tỉnh) chủ trì tính toán, xác định tổng số thu, chi, bội chi ngân sách nhà nước và ngân sách địa phương, mức chi trả nợ và chi thường xuyên, tổng mức vay bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc; phối hợp với cơ quan Kế hoạch và Đầu tư cùng cấp xác định mức chi cho đầu tư phát triển.
Đồng thời dự báo những rủi ro về xu hướng, triển vọng kinh tế tác động đến khung cân đối ngân sách nhà nước và các chi tiêu quản lý nợ trong thời gian 5 năm kế hoạch; đề xuất các giải pháp về chính sách và quản lý nhằm đảm bảo huy động nguồn thu ngân sách, nâng cao hiệu quả chi ngân sách và quản lý an toàn, bền vững ngân sách nhà nước, nợ công.
Lập kế hoạch tài chính 5 năm điều chỉnh
Theo dự thảo, việc lập kế hoạch tài chính 5 năm điều chỉnh chỉ thực hiện trong trường hợp mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của quốc gia, của địa phương thay đổi, hoặc có yêu cầu cấp bách về quốc phòng, an ninh ảnh hưởng lớn đến cân đối ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương và khả năng huy động các nguồn vốn.
Trường hợp phải điều chỉnh kế hoạch, Bộ Tài chính chủ trì xây dựng phương án điều chỉnh kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội quyết định; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính xây dựng phương án điều chỉnh kế hoạch tài chính 05 năm địa phương, báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân cho ý kiến, rồi gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho ý kiến trước khi trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định.
Thời gian trình kế hoạch tài chính 5 năm điều chỉnh ra Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cùng với thời điểm trình dự toán ngân sách năm đó.