Theo đó, DN, cơ sở sản xuất kinh doanh chỉ được tổ chức sản xuất khi DN và người lao động thực sự an toàn. Điều kiện DN được sản xuất, kinh doanh là nguy cơ lây nhiễm Covid-19 phải đảm bảo ở mức <30% (mức thấp nhất); đã thực hiện ký Bản cam kết đảm bảo thực hiện các biện pháp an toàn phòng, chống dịch Covid-19; có kế hoạch phòng, chống Covid-19; không sử dụng người lao động đang thuộc diện cách ly y tế. Bên cạnh đó, DN cần thực hiện 3 tại chỗ (sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ) theo phương án giãn cách, chia ca kíp đảm bảo an toàn; đảm bảo điều kiện về nơi lưu trú tập trung, chất lượng bữa ăn, sức khỏe người lao động.
Đảm bảo an toàn cho doanh nghiệp và người lao động |
Tại khu vực thực hiện giãn cách theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền khi có nguy cơ lây nhiễm tại nơi làm việc, nếu bố trí người lao động đi làm, phải bố trí khu vực lưu trú tập trung và khu vực làm việc riêng biệt với nhóm lao động hiện có trong DN.
Bảo đảm phương án vận chuyển người lao động từ nơi ở tập trung đến nơi làm việc đáp ứng các điều kiện quy định của Bộ Y tế, đảm bảo rút ngắn tối đa quãng đường, tối thiểu cung đường vận chuyển người lao động với phương châm 1 cung đường vận chuyển giữa nơi ở và nơi làm việc.
Đối với người lao động: Phải có kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2 trước khi được đưa đến nơi ở tập trung, không đi khỏi nơi ở tập trung và nơi làm việc trong quá trình DN hoạt động; tuân thủ các quy định, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường.
Việc 3 cơ quan liên quan cùng thống nhất hướng dẫn DN sản xuất, nhằm tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 song vẫn đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh ở những nơi an toàn, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng và sản xuất trên diện rộng.
Kinh nghiệm từ tỉnh Bắc Ninh vừa qua cho thấy, với giải pháp đồng bộ, sáng tạo, quyết liệt “chỉ những DN nào đủ điều kiện mới được tiến hành sản xuất”, địa phương đã ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh, đồng thời duy trì ổn định sản xuất của DN, tạo việc làm cho người lao động.
Là địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp lớn, nhiều DN tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nếu bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ làm gián đoạn, gây thiệt hại nặng nề với nền kinh tế cả nước, vì vậy, Bắc Ninh đã sớm triển khai việc thực hiện mục tiêu kép “vừa phát triển kinh tế, vừa chống dịch”, trong đó, vấn đề an toàn sức khỏe cho người lao động luôn được địa phương đặt lên hàng đầu.
Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh - ông Vương Quốc Tuấn, ngay khi cho phép được quay trở lại hoạt động, tỉnh đã tạo mọi điều kiện cho DN hoạt động trong tình hình mới song phải thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, chỉ những DN nào đủ điều kiện mới được tiến hành sản xuất. Các DN trên địa bàn thực hiện Chỉ thị 15 (giãn cách xã hội) và Chỉ thị 19 (nới lỏng biện pháp chống dịch) được bố trí tối đa người làm việc nhưng hàng tuần phải test nhanh tối thiểu 20% tổng lao động. DN trên địa bàn thực hiện Chỉ thị 16 (cách ly xã hội) cũng được đưa thêm lao động làm việc nhưng phải có kế hoạch bố trí ăn ở tại nhà máy.
Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng yêu cầu DN nhanh chóng thực hiện đầy đủ chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương, người lao động ngừng việc, chấm dứt hợp đồng lao động và các chính sách khác theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg; chăm lo đảm bảo trên hết quyền lợi và an toàn cho người lao động.