Hộp thư 17/3: Dấu hỏi từ Trường Kỹ nghệ II, Công ty Hải Phát và FPT Shop? Hộp thư 21/3: Nghi vấn sản phẩm Bitney Multi Juice không rõ nguồn gốc; phản hồi về sự việc Công ty Milan |
Mục Hộp thư bạn đọc Báo Công Thương vừa qua nhận được một số thông tin phản ánh, cụ thể như sau:
Phản ánh tới Báo Công Thương, anh Tr. ở thôn Xuân Phú (xã Bắc Lũng, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) cho biết Công ty An Phát có dấu hiệu khai thác mỏ đất ngoài ranh giới được phê duyệt trên một diện tích rộng lớn. Phản ánh của người dân cho biết, trước đây mỏ đất của Công ty An Phát đã được cắm mốc ranh giới cụ thể. Tuy nhiên, hiện nay, Công ty An Phát đã khai thác vượt ra xa ngoài ranh giới được phê duyệt. Năm 2022, cơ quan chức năng đã tạm dừng khai thác đối với Công ty An Phát để kiểm tra song đến nay lại tiếp diễn. Công ty An Phát khai thác đất bằng máy móc đã ảnh hưởng đến đời sống người dân như: Ô nhiễm tiếng ồn,không khí, đường xã bị hư hỏng nặng. Đặc biệt, diện tích đất canh tác của người dân địa phương cũng bị ảnh hưởng bởi khói bụi và đất đá nên không thể canh tác. Hiện nay việc khai thác vẫn tiếp diễn và không có cắm cột mốc giới. Tòa soạn sẽ xác minh làm rõ.
Phản ánh tới Báo Công Thương, bà Hoàng Thị Tân (trú tại B1bB - 130 phố Đốc Ngữ, phường Cống Vị, quận Ba Đình, TP Hà Nội), nguyên Phó Chánh văn phòng Trung ương Đảng cho biết: Năm 1997, gia đình bà Tân có mua lại căn hộ tại số có diện tích 21m2 tại số 12 đường Đặng Thai Mai (phường Quảng An, quận Tây Hồ, TP Hà Nội). Bà Tân cho biết, trong hơn 20 năm qua, gia đình luôn thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đất, thuế nhà hằng năm đầy đủ và được các cơ quan chức năng xác nhận. Đến năm 2006, cơ quan Văn phòng Trung ương Đảng chuyển toàn bộ dãy nhà tập thể gồm 15 căn hộ (trong đó có gia đình bà Tân) sang Công ty Quản lý nhà Hà Nội ký cho thuê đến năm 2016.
Khu vực căn nhà của gia đình bà Hoàng Thị Tân, nơi đang xảy ra sự việc - Ảnh người dân cung cấp |
Sau đó, khu tập thể có 14/15 hộ gia đình cùng dãy nhà với bà Tân đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Tuy nhiên, duy nhất gia đình bà Tân là chưa được làm thủ tục. Gia đình đã làm đơn đề nghị Công ty Quản lý nhà Hà Nội trả lời làm rõ nhưng chỉ được cho biết căn nhà đang có tranh chấp. Gia đình bà Tân cho rằng câu trả lời thiếu minh bạch, phi lý, gây thiệt thòi khiến quyền lợi của người dân không được bảo đảm. Sau đó, Sở Xây dựng Hà Nội có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng và Công ty Quản lý Nhà Hà Nội xem xét, giải quyết. Tuy nhiên, đến nay, sự việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Tòa soạn sẽ xác minh làm rõ.
Báo Công Thương nhận được phản ánh cho biết: Thanh tra Bộ và Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản đề nghị tạm ngưng xem xét cấp bản quyền phần mềm quản lý khách sạn của Công ty Cổ phần Dragon Technologies và yêu cầu công ty cung cấp các văn bản chứng minh không sao chép phần mềm của Công ty Cổ phần giải pháp Tâm Đạt. Tuy nhiên, theo phản ánh, Cục Bản quyền tác giả và các đơn vị chức năng vẫn đang đề nghị làm rõ, xử lý dứt điểm nhưng Công ty Cổ phần Dragon Technologies vẫn sử dụng các phần mềm bị tố sao chép để mở rộng hoạt động kinh doanh. Tòa soạn sẽ xác minh, làm rõ.