Hộp thư ngày 11/7: Dự án Cụm công nghiệp làng nghề Dương Liễu biến thành “khu đô thị”? |
Báo điện tử Công Thương nhận được các thông tin phản ánh về việc: bất thường trong việc thu hồi đất ở Nam Định; nghi vấn Cụm công nghiệp Thắng Lợi thi công trái phép; dấu hiệu “thổi giá” thiết bị y tế.
Thông tin phản ánh: Theo đơn thư của ông Phùng Văn Kiêm (SN 1963, trú xóm 5) và ông Trần Văn Quân (SN 1972, trú xóm Lạc Thành, cùng xã Giao Hà, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) gửi đến Báo Công Thương, phản ánh về việc chính quyền địa phương đã thực hiện quy trình thu hồi đất không đúng quy định pháp luật, không giải quyết khiếu nại tố cáo của người dân, cưỡng chế mặt bằng nhưng người dân không được văn bản kèm theo.
Phần đất của người dân bị thu hồi tại xã Giao Hà, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định |
Năm 2004, người dân được UBND xã Giao Hà ký hợp đồng thuê quyền sử dụng đất dài hạn để nuôi trồng thủy sản nước ngọt, nuôi trồng cây con theo Dự án “Chuyển đổi diện tích đất trồng lúa năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng cây con có giá trị cao” từ năm 2004. Các hộ gia đình đã quản lý, tự bỏ vốn đầu tư.
Đến năm 2020, chính quyền địa phương cho biết một phần diện tích đất nói trên sẽ được thu hồi để thực hiện Dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển qua địa bàn xã Giao Hà. Việc đo đạc, cắm mốc giới để giải phóng mặt bằng đã được chuẩn bị.
Tuy nhiên, sau thời gian dài chờ đợi, các hộ dân vẫn không nhận được quyết định, văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc thực hiện quy trình thu hồi đất như đối với tài sản của các hộ dân mà dự án đi qua.
Các hộ dân cho rằng, họ chỉ được UBND huyện Giao Thủy và UBND xã Giao Hà bàn giao văn bản “Phương án bồi thường, hỗ trợ chi tiết” của Hội đồng Bồi thường, Hỗ trợ & Tái định cư nhưng không có ngày, tháng lập và không có chữ ký, con dấu của người và cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, “Bảng kê kiểm đếm tài sản, vật kiến trúc, cây trồng, vật nuôi trên đất” cũng không có ngày, tháng, năm, mà nếu có cũng chỉ là bản chụp lại khi các cơ quan Nhà nước tiến hành kiểm đếm tài sản trên đất. Tại văn bản này không có đại diện các cơ quan trong Hội đồng Bồi thường, Hỗ trợ & Tái định cư ký và đóng dấu hoặc đại diện các cơ quan Nhà nước có mặt tại buổi kiểm đếm ký và đóng dấu, mà chỉ có một người tên Nguyễn Đình Trang (không rõ chức vụ) ký.
Theo các hộ dân, phía đại diện UBND huyện Giao Thủy và lãnh đạo UBND xã Giao Hà lại yêu cầu các hộ gia đình chỉ mang chứng minh thư nhân dân lên trụ sở UBND xã Giao Hà để nhận tiền bồi thường, hỗ trợ. Người dân cho rằng, số tiền bồi thường, hỗ trợ nêu trong “Phương án bồi thường, hỗ trợ chi tiết” là không thỏa đáng, có nhiều mâu thuẫn và tài liệu có dấu hiệu không có giá trị pháp lý.
Theo đơn thư, nhận thấy quyền và lợi ích hợp pháp của người dân đã bị xâm phạm, đồng thời có nhiều khuất tất trong quy trình bồi thường giải phóng mặt bằng, người dân đã có đơn gửi lên cấp tỉnh. Trong khi chờ sự việc được giải quyết, chính quyền xã Giao Hà và huyện Giao Thủy đã đến nhà ông Trần Văn Quân cưỡng chế làm thiệt hại tài sản hàng trăm triệu đồng; dù trước đó người dân đã giải thích, đề nghị lãnh đạo địa phương giữ nguyên hiện trạng để làm căn cứ, chờ kết quả giải quyết của tỉnh.
Thông tin phản ánh: UBND huyện Thường Tín không giám sát chặt chẽ để cho Dự án Cụm Công nghiệp Thắng Lợi ngang nhiên tự ý san lấp, thi công trái phép.
Dự án Cụm Công nghiệp Thắng Lợi (xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội) được thành lập năm 2020 theo Quyết định số 2466/QĐ-UBND, tổng diện tích 8,887 ha, tổng vốn đầu tư 142,8 tỷ đồng, dự kiến đi vào hoạt động từ quý II/2020 đến quý II/2022. Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là Công ty Cổ phần Bất động sản công nghiệp V-Park Thủ đô.
Theo phản ánh, dù chưa được bàn giao đất, chưa được cấp phép xây dựng, chưa có đánh giá tác động môi trường nhưng chủ đầu tư đã cho xe tải trung chuyển thiết bị, máy móc, vật liệu để tiến hành thi công dự án. Nhiều máy xúc, máy ủi liên tục hoạt động. Chất thải xây dựng còn được dùng để san lấp mặt bằng. Thực trạng này đặt câu hỏi về năng lực quản lý tại địa phương của UBND xã Thắng Lợi và UBND huyện Thường Tín.
Thông tin phản ánh: Một số sản phẩm thiết bị y tế có dấu hiệu “thổi giá” khi so với giá công khai trên Cổng công khai giá trang thiết bị y tế.
Đơn cử như cùng một sản phẩm có tên thương mại là “Bộ vít neo cố định dây chằng, khớp cổ tay (Bộ dụng cụ cố định dây chằng khớp cổ tay dùng vít chỉ neo) chủng loại AR-8978-CP của Arthrex Inc xuất hiện xuất hiện 2 mức giá, chênh nhau đến 10 lần. Sản phẩm này có giá nhập khẩu 3.795.000 đồng. Trong khi Công ty Cổ phần công nghệ năng lượng và giá trị cuộc sống công bố giá bán là 4.933.500 đồng thì Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ Hải Đăng Vàng công bố một mức giá là 47.000.000 đồng (chênh lệch 1.138%).
Dấu hiệu bất thường còn nằm ở sản phẩm “Bộ vít chốt neo tightrope xp cố định gọng chày mác điều chỉnh được (Bộ vòng treo tightrope xp cố định gọng chày mác điều chỉnh được)” chủng loại AR-8925SS, trong khi Công ty Cổ phần công nghệ năng lượng và giá trị cuộc sống công bố giá bán là 11.511.500 đồng thì Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ Hải Đăng Vàng công bố mức giá là 33 triệu đồng, trong khi giá nhập khẩu của sản phẩm này là gần 8,9 triệu đồng.
*Người dân phản ánh về Dự án Khu Tây Sông Hậu - Diamond City An Giang trong quá trình xây dựng mật độ xây dựng chưa bảo đảm chặt chẽ theo quy định của Luật Đê điều và quy định về phòng, chống thiên tai, khu vực bãi bồi sông Hậu đang thực hiện Khu đô thị Tây sông Hậu phải có mật độ không được vượt quá 5%. Điều này khiến khách hàng lo ngại về pháp lý và rủi ro khi đầu tư thương mại vào dự án, mong được làm rõ để bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng.
Bạn đọc có thông tin, phản ánh, tin bài gửi về tòa soạn Báo Công Thương điện tử tại địa chỉ: Báo Công Thương, tầng 10-11, tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Đường dây nóng: 0866.59.4498; Email: [email protected] |