Chủ tịch Tập đoàn Việt Á: Lãi suất đang vượt gần gấp 3 lần sức chịu đựng của doanh nghiệp |
Báo Công Thương nhận được thông tin phản ánh về các vấn đề có dấu hiệu sai phạm như: Tập đoàn Việt Á đã trúng nhiều gói thầu lớn trong ngành điện dù trước đó bị hủy hợp đồng; cảnh báo lừa đảo bằng góp vốn khi mua sâm, công trình số 15 Lý Thường Kiệt xây dựng trái phép vẫn tiếp tục thi công.
Cụ thể, ngày 8/10/2021, Công ty Điện lực Quảng Nam đã có Quyết định số 6619/QĐ-QNaPC về việc chấm dứt hợp đồng đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Thương mại công nghiệp Việt Á (Tập đoàn Việt Á) địa chỉ tòa nhà Việt Á, số 9, phố Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) do nhà thầu không giao hàng hóa theo nội dung hợp đồng đã ký kết.
Tập đoàn Việt Á bị Công ty Điện lực Quảng Nam chấm dứt hợp đồng vì không giao hàng hóa theo đúng hợp đồng |
Trước đó, Tập đoàn Việt Á cũng từng trúng Gói thầu HH26-2021: Cung cấp cột thép các loại, thuộc Dự án Cung cấp vật tư thiết bị phục vụ sản xuất - kinh doanh đợt 2 năm 2021, với giá trúng thầu là 5,909 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng là 75 ngày. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đã vi phạm hợp đồng, không thực hiện công việc theo hợp đồng đã ký kết vào ngày 15/6/2021. Do đó, chủ đầu tư đã làm các thủ tục chấm dứt hợp đồng và tiếp tục tổ chức đấu thầu rộng rãi qua mạng để lựa chọn nhà thầu thay thế.
Dù "lý lịch" thầu có "điểm đen" nhưng sau đó, Tập đoàn Việt Á vẫn liên tiếp trúng các gói thầu thuộc ngành điện. Cụ thể, ngày 21/4/2022, Tập đoàn Việt Á trúng Gói thầu số 21: Xây lắp cung đoạn đường dây 220 kV vượt rừng, Dự án: Đường dây 220 kV Nha Trang - Tháp Chàm đã được phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, với giá trúng thầu gần 79 tỷ đồng; loại hợp đồng theo đơn giá cố định, thời gian thực hiện là 240 ngày. Dự án do Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung làm chủ đầu tư, hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước, dự thầu qua mạng, phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ.
Tiếp đến tháng 5/2022, Tập đoàn Việt Á tiếp tục trúng Gói thầu số 1: Cung cấp toàn bộ vật tư, thi công xây dựng công trình và mua bảo hiểm công trình của Dự án Đường dây 110 kV Trảng Bàng - Củ Chi, với giá trị hơn 17 tỷ đồng. Quyết định Số 767/QĐ-ALĐ, phê duyệt kết quả lựa chọn đơn vị trúng thầu được giám đốc Ban quản lý dự án lưới điện TP. Hồ Chí Minh phê duyệt.
Được biết, tại 2 gói thầu trên, điều kiện tiên quyết bắt buộc nhà thầu phải đáp ứng yêu cầu là từ ngày 01/01/2018 và 01/01/2019 đến thời điểm đóng thầu, nhà thầu không có hợp đồng không hoàn thành.Tuy nhiên, không hiểu lý do vì sao Tập đoàn Việt Á vẫn trúng nhiều gói thầu lớn trong ngành điện dù điều kiện tham dự và tiêu chí đánh giá năng lực nhà thầu đã quy định rất rõ ràng.
Điều kiện tiên quyết bắt buộc nhà thầu phải đáp ứng yêu cầu nhà thầu không có hợp đồng không hoàn thành trước đó |
Từ đầu năm 2022 đến nay, Tập đoàn Việt Á cũng tham gia dự thầu nhiều gói thầu ngành điện, trong đó chủ yếu là các dự án của một số đơn vị trực thuộc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia làm bên mời thầu, nhưng hầu hết không trúng thầu.
Theo tìm hiểu, Tập đoàn Việt Á là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xây lắp các thiết bị điện, điện tử, cơ khí, xây dựng công trình ngành điện.
Trụ sở Tập đoàn Việt Á |
Thông tin qua đường dây nóng phản ánh: Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh - Sâm Việt Nam có địa chỉ tầng 4M, tòa Somerset Hòa Bình, số 106 đường Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội có dấu hiệu huy động vốn trái phép. Theo đó, doanh nghiêp này vừa bán các sản phẩm liên quan đến sâm rồi huy động vốn của khách hàng theo các gói tiền từ 60-120-180-240 và được trả lãi hàng tháng dưới tên gọi "cộng tác làm ăn" tương đương với số tiền đã đóng góp. Đối tượng "nhà đầu tư" mà doanh nghiệp này hướng tới là những người già đã về hưu. Để thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp này còn mời tham gia tìm hiểu, thuyết giảng về sâm, thậm chí còn mời ăn thử miễn phí. Vì vậy, theo phản ánh đã có rất nhiều người cao tuổi đã đem hết số tiền dành dụm dưỡng già lên tới hàng trăm triệu đồng để "góp vốn" cùng công ty này. Rất nhiều người trẻ là con của những bị hại đã lên tiếng cảnh báo về dấu hiệu lừa đảo, huy động vốn, "móc túi" tiền của người cao tuổi khi đánh vào lòng tham và sức khỏe, đồng thời cũng đề nghị Báo Công Thương vào cuộc tìm hiểu xác minh, làm rõ.
Thông tin phản ánh: Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Tâm Trí (địa chỉ tại phường Bắc Cường, hành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai) vừa bị Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai xử phạt vi phạm hành chính số tiền 90 triệu đồng; đồng thời xử phạt bổ sung: tịch thu tang vật phương tiện vi phạm hành chính đối với ôtô tải biển kiểm soát 24C - 091.97 vì vi phạm các quy định bảo vệ môi trường.
Cụ thể, trước đó, vào ngày 18 -19/7/2022, do không bố trí được chỗ đổ thải, Công ty đã đổ đất, đá trái quy định xuống phía khe taluy âm (tại khu vực lý trình Km 9+025 đến Km 9+030), lượng đất, đá thải được xác định khoảng 30m3, trong đó khối lượng đất, đá đã trôi xuống suối Ngòi Đum khoảng 5m3. Ngày 20/7/2022, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Lào Cai đã phối hợp với chính quyền địa phương, đại diện chủ đầu tư, đơn vị giám sát và nhà thầu thi công tiến hành lập biên bản xác định vị trí đổ thải trái phép; loại chất thải; phương pháp đo khối lượng và xác định khối lượng đổ thải thực tế. Trọng lượng riêng của đất, đá thải ở trên được xác định thuộc nhóm 2 với khối lượng 36 tấn.
Bạn đọc phản ánh: Công trình số 15 Lý Thường Kiệt (phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vẫn tiếp tục thi công dù Báo Công Thương đã đăng tải thông tin phản ánh về việc công trình này xây dựng sai so với giấy phép đã được cơ quan chức năng cấp trước đó. Cụ thể, công trình này đã không làm tầng hầm, triển khai xây dựng 3 tầng/6 tầng được cấp phép. Bên cạnh đó, công trình còn xây dựng với mật độ là 318,9m2/245,8m2 (vượt 73,1m2 trong lòng nhà, so với nội dung của giấy phép xây dựng năm 2018 đã được cấp).
Trước đó, tháng 3/2022, UBND quận Hoàn Kiếm đã xử phạt chủ đầu tư 35 triệu đồng vì xây dựng sai phép và yêu cầu phải hoàn thành hồ sơ điều chỉnh, bổ sung Giấy phép xây dựng theo quy định. Tuy nhiên, trong thời gian đề nghị xin làm thủ tục xin cấp phép xây dựng điều chỉnh nhưng công trình vẫn tiếp tục thi công. Đặc biệt, công trình này đang xây dựng, thi công thiết kế có dấu hiệu giống quán Karaoke, tiềm ẩn lo ngại về vấn đề an toàn cháy nổ, ô nhiễm môi trường công nghiệp là lĩnh vực Bộ Công Thương quản lý.
Trước tình hình các vụ cháy nổ gây chết người từ quán karaoke đang gây xôn xao dư luận, việc xây dựng trái phép công trình số 15 Lý Thường Kiệt đã bạn đọc phản ánh, báo chí thông tin và đề nghị các cơ quan quản lý cần tăng cường quản lý, giám sát. Tuy nhiên, theo phản ánh của bạn đọc, hiện nay chủ đầu tư vẫn tiếp tục tiếp tục thi công nhưng không thấy biện pháp ngăn chặn từ phía cơ quan chức năng.
Liên quan vấn đề trên, ông Lê Trọng Sỹ, Phó Chủ tịch phường Phan Chu Trinh cho rằng vẫn chưa biết thông tin báo Công Thương phản ánh về công trình số 15 Lý Thường Kiệt. Ông Sỹ cho biết sẽ cho kiểm tra lại và trả lời cụ thể.
Bạn đọc có thông tin, phản ánh, tin bài gửi về tòa soạn Báo Công Thương điện tử tại địa chỉ: Báo Công Thương, tầng 10-11, tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Đường dây nóng: 0866.59.4498; Email: [email protected].