Hộp thư bạn đọc ngày 21/10: "Điều Kinh Eva" lừa dối người tiêu dùng, xưởng than "bức tử" môi trường |
Báo Công Thương nhận được thông tin phản ánh liên quan một số vấn đề có dấu hiệu sai phạm như: Cụm công nghiệp Thiết Bình chưa giải phóng xong mặt bằng vẫn thi công rầm rộ; Công ty Tân Tiến đổ thải ra môi trường; Công tác bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất thực hiện dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở để đấu giá quyền sử dụng đất tại phường Đình Bảng (TP.Từ Sơn, Bắc Ninh) có nhiều dấu hiệu vi phạm.
Thông tin phản ánh: Cụm công nghiệp Thiết Bình (huyện Đông Anh, TP.Hà Nội) chưa giải phóng xong mặt bằng vẫn ngang nhiên xây dựng rầm rộ.
Ngày 15/6/2018, UBND TP.Hà Nội ban hành Quyết định 2951/QĐ-UBND thành lập Cụm công nghiệp Thiết Bình. Cụm công nghiệp có diện tích khoảng 22,21 ha với ngành nghề hoạt động chủ yếu là chế biến gỗ, mộc dân dụng, chạm khắc mỹ nghệ… Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 491,7 tỷ đồng.
Cụm công nghiệp Thiết Bình chưa giải phóng xong mặt bằng vẫn ngang nhiên xây dựng |
Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Xây dựng Việt Nam (thuộc Tập đoàn Amaccao) là đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự án. UBND TP.Hà Nội cũng đề nghị chủ đầu tư lập, phê duyệt và triển khai dự án tuân thủ đúng quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư, xây dựng và môi trường.
Theo phản ánh, dự án này chưa thực hiện xong việc giải phóng mặt bằng đã thi công rầm rộ không đảm bảo pháp luật về xây dựng. Cụ thể, nhiều hộ dân thôn Thiết Bình nhận được quyết định thu hồi đất của UBND huyện Đông Anh để xây dựng Cụm công nghiệp Thiết Bình. Tuy nhiên, còn một số hộ không đồng ý việc thu hồi đất đất trên.
Mặc dù nhiều hộ dân chưa bàn giao đất nhưng chủ đầu tư đã ngang nhiên mang máy móc tới phá ruộng đồng của người dân. Hiện trạng khu đất là những đống đất, bêtông nằm ngổn ngang. Phía trong công trường máy múc vẫn hoạt động liên tục.
Theo tìm hiểu, tại dự án Cụm công nghiệp Thiết Bình đã được chủ đầu tư đã quây tôn khoanh vùng đất ruộng và dán nhãn "Amaccao group, chủ đầu tư dự án Cụm công nghiệp Thiết Bình"
Người dân thôn Yên Bình, xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái phản ánh: Hoạt động chế biến khoáng sản của Nhà máy tuyển quặng sắt của Công ty trách nhiệm hữu hạn Tân Tiến (Công ty Tân Tiến) gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Cụ thể, từ tháng 4/2022, Công ty Tân Tiến đã mang chất thải từ Nhà máy tuyển quặng (xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên) về khu vực mỏ ở đầu nguồn con suối thôn Yên Bình. Khi mưa lớn nước từ trên mỏ đổ xuống suối khiến đất, cát tràn vào lấp diện tích đất trồng hoa màu và cây ăn quả của 25 hộ dân, gây thiệt hại hơn 7.000m2 đất.
Công ty Tân Tiến đổ thải ra môi trường gây thiệt hại cho hàng chục hộ dân |
Lãnh đạo nhà máy có hứa tới tháng 8/2022 sẽ bồi thường các hộ dân bị ảnh hưởng từ sự việc trên. Tuy nhiên đến nay người dân vẫn chưa được hỗ trợ, bồi thường nên càng xúc nhiều hơn.
Được biết, Công ty Tân Tiến được UBND tỉnh Yên Bái cấp giấy phép số 912/GP-UBND ngày 28/6/2011 khai thác quặng sắt, thời hạn 28 năm thuộc xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên. Công ty Tân Tiến đã đặt Nhà máy tuyển quặng tại xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên. Những năm gần đây, trong quá trình sản xuất Nhà máy này nhiều lần vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực môi trường.
Năm 2019, tại kết luận 856/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, Công ty Tân Tiến đã đổ thải vào ½ hồ lắng là không đúng vị trí. UBND tỉnh Yên Bái đã xử lý vi phạm đối với Công ty này về hành vi: “Không lập báo cáo kết quả hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường.
Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra đột xuất về môi trường, an toàn hồ đập đối với Nhà máy tuyển quặng của Công ty Tân Tiến. Tại thời điểm kiểm tra, hồ chứa thải số 2 và 3 của nhà máy không đảm bảo an toàn hồ, đập (các hồ này rất nhiều bùn đất).
Được biết, ngày 28/4/2022 Sở Công Thương tỉnh Yên Bái đã có văn bản số 887/SCT-KTATMT yêu cầu Công ty Tân Tiến khắc phục tồn tại về an toàn hồ chứa bùn thải quặng đuôi, thế nhưng đơn vị vẫn chưa thực hiện. Các tồn tại cụ thể như: Xây dựng kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố hồ thải quặng đuôi; chưa lập hồ sơ kiểm tra, bổ sung biển báo, biện pháp đảm bảo an toàn khu vực hồ chứa; chưa hạ chiều cao đập về trạng thái an toàn.
Các thành viên của Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản trồng cây ăn quả Tân Lập (khu phố Tân Lập, phường Đình Bảng, TP.Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) phản ánh: việc bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất thực hiện dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở để đấu giá quyền sử dụng đất tại phường Đình Bảng của UBND thành phố Từ Sơn đã có nhiều dấu hiệu vi phạm, gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi của thành viên Hợp tác xã Tân Lập.
Trước đó, ngày 15/12/1993, ông Nguyễn Duy Hóa (Chủ nhiệm Hợp tác xã Tân Lập, hiện nay đã mất) ký Hợp đồng khoán nuôi thả cá với UBND xã Đình Bảng với thời gian 10 năm bắt đầu từ ngày 01/02/1994. Đến năm 2002, Hợp tác xã Tân Lập được UBND thị xã Từ Sơn (nay là UBND thành phố Từ Sơn) ra Quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng với diện tích 27.242 m2 đất lúa sang chuồng trại chăn nuôi, ao thả cá, vườn cây ăn quả.
Quá trình sử dụng đất từ năm 1994 đến nay, Hợp tác xã Tân Lập đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người sử dụng đất với chính quyền địa phương như nộp thuế, nộp sản lượng, đầu tư, tôn tạo một số công trình trên đất để phục vụ cho việc trồng trọt, chăn nuôi.
Tháng 03/2018, UBND thị xã Từ Sơn ban hành Quyết định số 820 về việc thu hồi đất để thực hiện Dự án, diện tích bị thu hồi là 22.554,5m2 đất nông nghiệp của ông Nguyễn Duy Hóa.
Người dân cho rằng, UBND thị xã Từ Sơn đã thu hồi, bồi thường có dấu hiệu trái pháp luật để bán đấu giá đất, người trúng đấu giá là Công ty cổ phần Trường Thịnh Phát Hà Nội. Cụ thể, quá trình thu hồi có một số dấu hiệu trái pháp luật như: diện tích đất thu hồi không chính xác; việc bồi thường, hỗ trợ không thỏa đáng, có dấu hiệu “lợi ích nhóm” gây thiệt hại cho quyền lợi của Hợp tác xã Tân Lập; các khoản bồi thường, hỗ trợ không đầy đủ theo quy định Luật đất đai; Trung tâm phát triển quỹ đất TP.Từ Sơn có dấu hiệu tổ chức đấu giá đất trái quy định pháp luật; việc đấu giá đất có dấu hiệu không minh bạch, gây thất thoát tài sản nhà nước; UBND TP.Từ Sơn có dấu hiệu buông lỏng quản lý để chủ đầu tư triển khai phân lô bán nền nhằm huy động vốn trái pháp luật.
Được biết, từ năm 2020, chủ đầu tư đã thực hiện đăng bán công khai các lô đất trên internet nhằm huy động vốn trái pháp luật là vi phạm pháp luật. Hành vi này diễn ra công khai, ngang nhiên ngay trên địa bàn quản lý của UBND thành phố Từ Sơn.