Hộp thư bạn đọc ngày 18/11: Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên có "ưu ái" cho doanh nghiệp? Hộp thư bạn đọc ngày 15/11: Dấu hiệu sai phạm tại Thủy điện Bản Vẽ và Dự án Đầm Nhà Mạc |
Báo Công Thương nhận được thông tin phản ánh liên quan một số vấn đề có dấu hiệu vi phạm pháp luật như: Phòng khám chuyên khoa Răng - Hàm - Mặt tại Vũ Thư, Thái Bình có dấu hiệu hoạt động trái phép; Nhà máy sản xuất gỗ gây ô nhiễm môi trường; đất thuê thuộc sở hữu Nhà nước tại địa chỉ 423 Minh Khai, Hà Nội biến thành chung cư, nhà ở thương mại để bán.
Thông tin phản ánh: Bác sĩ Bùi Thị Đông đang làm bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa huyện Vũ Thư. Đồng thời vị bác sĩ này còn mở một Phòng khám chuyên khoa Răng - Hàm - Mặt tại địa chỉ đường 223, xã Tân Phong, huyện Vũ Thư, Thái Bình.
Phòng khám Chuyên khoa Răng Hàm Mặt có dấu hiệu hoạt động trái phép |
Tuy nhiên, theo phản ánh, hiện phòng khám của bác sĩ Đông chưa được cấp giấy phép hoạt động và trên bảng biển cũng không ghi số giấy phép. Bên cạnh đó, phòng khám này cũng chưa có hệ thống xử lý nước thải theo quy định.
Việc phòng khám có dấu hiệu hoạt động trái phép tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của bệnh nhân. Do đó, dư luận đề nghị Sở Y tế Thái Bình, Thanh tra Sở Y tế Thái Bình, UBND huyện Vũ Thư vào cuộc kiểm tra, xác minh nội dung trên.
Thông tin phản ánh: Những bất thường liên quan khu đất vàng 423 Minh Khai (Hai Bà Trưng - Hà Nội), cụ thể:
Ngày 8/7/2013,UBND thành phố Hà Nội có Quyết định số 4368/QĐ-UBND cho Công ty TNHH MTV Dệt 19/5 Hà Nội (vốn chủ sở hữu thuộc Nhà nước) thuê hơn 38.000 m2 đất tại số 423 Minh Khai. Đến ngày 27/06/2016, UBND thành phố Hà Nội lại tiếp tục ban hành Quyết định số 3396/QĐ-UBND điều chỉnh tên pháp nhân sử dụng đất là Công ty Cổ phần Dệt Minh Khai.
Đến tháng 12/2016, UBND thành phố Hà Nội lại có Quyết định số 6789/QĐ-UBND do Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng ký về việc thu hồi 38.000 m2 đất tại số 423 Minh Khai do Công ty Cổ phần Dệt Minh Khai đang sử dụng, giao cho Công ty Cổ phần Terra Gold Việt Nam để thực hiện Dự án Tổ hợp công trình hỗn hợp thương mại, dịch vụ, khách sạn, nhà ở, trường học tại số 423 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Điều đáng chú ý, trong cơ cấu cổ đông của Công ty Cổ phần Terra Gold, Công ty Cổ phần Dệt Minh Khai chiếm tỷ lệ 35%; Công ty Đầu tư và Tư vấn Hải Dương chiếm tỷ lệ 64,9% và ông Nguyễn Hồng Ngọc chiếm tỷ lệ 0,1% vốn góp để chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án kể trên. Cổ đông còn lại là Công ty cổ phần Dệt Minh Khai, góp 35% vốn, chính là chủ sở hữu của khu đất hơn 38.000 m2, nơi xây dựng Dự án 423 Minh Khai.
Ngày 18/11/2016, Công ty cổ phần Terra Gold Việt Nam đã có Quyết định số 86/QĐ-TGĐ về việc phê duyệt làm chủ đầu tư Dự án 423 Minh Khai.
Theo tìm hiểu, Dự án 423 Minh Khai có tổng vốn đầu tư khoảng gần 3.000 tỉ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu 660 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 22% tổng vốn đầu tư; vốn vay của các tổ chức tín dụng, vốn huy động hợp pháp khác là hơn 2.300 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 78% tổng vốn đầu tư.
Mới đây, ngày 18/11, trong thông báo kết quả cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đưa dự án tại số 423 Minh Khai, Hà Nội vào diện theo dõi, chỉ đạo.
Thông tin phản ánh: Trong quá trình khai thác đá tại mỏ đá Hang Tôm (xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu), Công ty TNHH Thanh Bình Điện Biên (Công ty Thanh Bình, tổ 5, phường Na Lay, thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên) liên tục xả thải đất, đá xuống lòng hồ Thủy điện Sơn La.
Ngày 15/11, huyện Nậm Nhùn mới đi kiểm tra, yêu cầu phía Công ty Thanh Bình xây kè bảo vệ, không tiếp tục đổ thải xuống lòng hồ. Tuy nhiên, công ty này vẫn tiếp tục vi phạm.
Được biết trước đó, ngày 20/4/2022, Công ty Thủy điện Sơn La đã kiểm tra hoạt động dân sinh trong lòng hồ và hành lang bảo vệ hồ chứa Thủy điện Sơn La. Qua kiểm tra, phát hiện Công ty Thanh Bình thực hiện khai thác mỏ đá Hang Tôm đổ thải vào lòng hồ thủy điện. Tại buổi kiểm tra, Công ty Thanh Bình đã cam kết chấm dứt hành vi đổ thải vào hành lang bảo vệ hồ chứa và nguồn nước và thực hiện các biện pháp khắc phục.
Ngày 12/5, Đoàn kiểm tra liên ngành (Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương Lai Châu) kiểm tra cho thấy Công ty Thanh Bình chỉ khắc phục chống chế, vẫn còn khoảng 500m3 đất đá trên mực nước chưa khắc phục. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu phía Công ty Thanh Bình tiếp tục khắc phục để hoàn trả lại hiện trạng ban đầu. Tuy nhiên, đến nay tình trạng ngang nhiên vi phạm vẫn tiếp tục tồn tại.