Báo Công Thương nhận được thông tin phản ánh các dấu hiệu sai phạm tại Công ty Gạch không nung Lạng Sơn, Công ty Gạch tuynel Đa Thịnh; Đất trường học biến thành biệt thự;Dấu hiệu sai phạm tại Gói thầu số 13: Thi công xây dựng công trình: Đường Trạm Tấu - Xã Hồ...
Thông tin phản ánh: Dấu hiệu sai phạm tại Gói thầu số 13: Thi công xây dựng công trình: Đường Trạm Tấu - Xã Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái (lý trình Km18+300m Km22+518.11m).
Ngày 15/04/2022, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Trạm Tấu ra Quyết định số 122/QĐ-BQLDA phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 13: Thi công xây dựng công trình: Đường Trạm Tấu - Xà Hổ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái (lý trình Km18+300m Km22+518.11m). Theo đó, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Hoàng (Công ty Việt Hoàng, mã số thuế 5200592507, địa chỉ thôn Cầu Thia, xã Phù Nham, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) là đơn vị trúng thầu với giá hơn 14,8 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng là 12 tháng.
Theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Trạm Tấu phát hành tại mục 2.2 của Bảng tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm quy định rõ doanh thu hàng năm tối thiểu của doanh nghiệp phải đạt tối thiểu 28 tỷ đồng trong 3 năm (2019 - 2021).
Tuy nhiên, trong 3 năm từ 2019 đến 2021, doanh thu bìnhquân hàng năm của Công ty Việt Hoàng chỉ đạt 7,5 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2019, tổng doanh thu của Công ty Việt Hoàng chỉhơn 4,9 tỷ đồng; năm 2020 hơn 7,8 tỷ đồng; năm 2020 hơn 9,8 tỷ đồng.
Dư luận đặt ra dấu hỏi, liệu rằng có dấu hiệu tiêu cực hay không khi cơ quan chức năng không phát hiện ra dấu hiệu gian lận và loại ngay hồ sơ của Công ty Việt Hoàng mà vẫn để doanh doanh nghiệp này dự thầu và trúng thầu.
Người dân xã Bắc Hùng, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn phản ánh: Suốt nhiều tháng qua, Công ty Cổ phần Liên doanh Công nghệ Gạch không nung Lạng Sơn có dấu hiệu khai thác quá phạm vi mỏ được cấp phép tại mỏ cát, sỏi Tân Lang, đoạn sông Kỳ Cùng chảy qua 2 thôn Thanh Hảo và thôn Bản Làng.
Việc khai thác có dấu hiệu không tuân thủ phương án khai thác đã được phê duyệt, chặn dòng chảy, làm biến đổi dòng chảy, gây ô nhiễm môi trường và tiếng ồn. Hơn nữa, công ty khai thác không lắp đặt trạm cân, camera theo quy định.
Công ty Gạch không nung Lạng Sơn khai thác làm biến đổi dòng chảy |
Đặc biệt, ngày 13/12/2022, người dân bắt quả tang thiết bị, máy móc của công ty sang tận bờ sông của thôn Thanh Hảo để múc tài nguyên, khoáng sản. Sau khi bị người dân phát hiện, các phương tiện này lập tức rút về bờ sông bên kia (thôn Bản Làng, xã Bắc Việt, Văn Lãng, Lạng Sơn). Sự việc này không chỉ diễn ra một lần mà đã rất nhiều lần người dân bắt gặp xe cộ, máy múc vượt sông để múc trộm.
Người dân cho rằng, hiện tượng trên đã diễn ra khoảng 3 năm qua khiến họ luôn sống trong cảnh bất an khi dòng nước bị thay đổi, cả một bãi sông xanh mướt đầy cỏ, cây cối thơ mộng bị đào bới. Hiện bãi sông tan hoang, biến dạng, đầy những hủm, hố sâu tiềm ẩn nguy hiểm, nguy cơ tai nạn cho người dân. Hơn nữa, việc khao thác còn gây ô nhiễm dòng nước, ô nhiễm tiếng ồn và tạo bức xúc trong nhân dân địa phương.
Thông tin phản ánh: Dấu hiệu sai phạm tại dự án khai thác khoáng sản của Công ty Gạch tuynel Đa Thịnh. Theo tìm hiểu được biết, ngày 29/9/2020, UBND tỉnh Bắc Giang cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 880/QĐ-UBND cho Công ty Cổ phần Gạch tuynel Đa Thịnh khai thác khoáng sản (đất sét gạch) tại khu vực bãi bồi ven sông Cầu thôn Yên Tập Cao và thôn Đa Thịnh, xã Yên Lư, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang để làm nguyên liệu cho Nhà máy sản xuất gạch tuynel Đa Thịnh Yên Dũng. Trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác là 272.100m3, trong đó khoáng sản chính (đất sét gạch) là 202,940m3, khoáng sản đi kèm (cát san lấp) là 69.160m3.
Theo giấy phép, Công ty Gạch tuynel Đa Thịnh phải tổ chức cắm mốc giới, niêm yết công khai thông tin dự án để người dân giám sát, có văn bản thông báo thời gian khai thác, số lượng phương tiện, thiết bị phục vụ khai thác, vận chuyển khoáng sản với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Yên Dũng, UBND xã Yên Lư và thôn Đa Thịnh, thôn Yên Tập Cao.
Đặc biệt, Công ty Gạch tuynel Đa Thịnh phải lắp đặt trạm cân, camera giám sát tại khu vực mỏ để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan và chủ động truyền dẫn dữ liệu về sản lượng khoáng sản khai thác thực tế có Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định. Không sử dụng phương tiện cơi nới thành thùng, không bốc xúc, vận chuyển quá khổ, quá tải trọng lượng cho phép…
Công ty còn thực hiện đúng và đầy đủ các phương pháp, quy trình kỹ thuật, bảo đảm an toàn kỹ thuật, an toàn công trình mỏ; thực hiện đúng thiết kế đã phê duyệt; phải có các biện pháp phòng, chống các sự cố, bảo đảm an toàn lao động.
Tuy nhiên, quá trình khai thác, công ty có dấu hiệu bất chấp các quy định, vi phạm hàng loạt nội dung theo giấy phép được cấp, gây ảnh hưởng môi trường.
Cụ thể, tại địa bàn khai thác không thấy công ty lắp đặt trạm cân theo quy định, không đảm bảo vệ sinh môi trường, có dấu hiệu sử dụng xe cũ nát không đủ điều kiện lưu thông. Đoạn đường đê luôn trong tình trạng bụi bẩn do đất rơi vãi. Một số xe vận chuyển đất cát đã cũ nát, có thể gây mất an toàn giao thông.
Mặc dù những dấu hiệu sai phạm trên diễn ra lâu dài, nhưng vẫn chưa thấy cơ quan chức năng có những biện pháp xử lý dứt điểm.
Thông tin phản ánh: Đất trường học "biến" thành biệt thự tại Hải Dương khiến dư luận bức xúc.
Khu biệt thự cao cấp Đỉnh Long nằm trong dự án Khu thương mại - du lịch - văn hóa và đô thị mới phía Tây thành phố Hải Dương (Hải Dương) do Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Cường Hà Nội - chi nhánh Hải Dương (Tập đoàn Nam Cường) làm chủ đầu tư.
Theo quy hoạch, trong khu biệt thự cao cấp Đỉnh Long rộng khoảng 20 ha có bố trí một diện tích khoảng 3,3 ha để xây trường học từ cấp mầm non đến trung học phổ thông. Trong đó, lô 119.1 diện tích 8.474,2 m2 để xây dựng trường mầm non; lô 110.2 diện tích 12.031,48 m2 để xây trường trung học cơ sở; lô 110.1 diện tích 13.048,84 m2 xây trường trung học phổ thông.
Sau đó, Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Fanco (Công ty Fanco) chuyển nhượng với Tập đoàn Nam Cường 3 lô đất trên với giá gần 15,7 tỷ đồng.
Sau đó, những căn nhà liền kề mọc trên đất quy hoạch dành cho giáo dục khiến dư luận bức xúc. Trong hợp đồng chuyển nhượng, Công ty Fanco cam kết với Tập đoàn Nam Cường sẽ sử dụng các lô đất trên đúng mục đích để xây dựng các công trình phục vụ giáo dục - trường học và đưa vào phục vụ giai đoạn 1 trước tháng 9/2010.
Đất trường học "biến" thành đất ở tại Hải Dương khiến dư luận bức xúc |
Trong trường hợp Công ty Fanco không thực hiện đúng cam kết về mục đích và tiến độ thì Tập đoàn Nam Cường sẽ thu hồi các lô đất trên. Tuy nhiên, Công ty Fanco đã không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng đã ký với Tập đoàn Nam Cường. Phía Tập đoàn Nam Cường cũng không có biện pháp thu hồi các lô đất theo hợp đồng đã ký.
Tuy nhiên, từ khi ký hợp đồng nhận chuyển nhượng đến năm 2015,Công ty Fanco không có động thái triển khai dự án giáo dục.
Theo tìm hiểu, năm 2015, Công ty Fanco có văn bản trình UBND tỉnh Hải Dương xin chuyển mục đích sử dụng từ đất giáo dục sang đất ở thuộc lô 110.1 và một phần lô 110.2.
Hiện nay, Công ty Fanco mới xây dựng được 1 trường mầm non trên lô 119.1, còn lô 110.2 vẫn để cỏ dại mọc um tùm. Riêng lô 110.1 và phần nhỏ lô 110.2 được xây dựng hàng loạt biệt thự cao cấp, nhà liền kề, nhà hàng, văn phòng cho thuê.
Thửa đất rộng hơn 1,3 ha giành cho xây dựng trường học đã được thay thế bằng các căn biệt thự có giá được ước tính hàng chục tỷ mỗi căn cùng với hàng loạt căn liền kề, nhà hàng, văn phòng cho thuê.