Đã có những chuyển biến tích cực về ATTP tại các địa bàn thí điểm thanh tra chuyên ngành |
An toàn thực phẩm luôn là vấn đề được toàn xã hội quan tâm. Thời quan qua, các bộ, ngành và nhiều tổ chức xã hội đã rất nỗ lực để cải thiện vấn đề này. Tuy nhiên, công tác bảo đảm ATTP còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Chính vì vậy, hội thảo này hướng tới mục tiêu kết nối các bên cùng hành động, đề xuất mô hình truyền thông hiệu quả, với sự hợp tác, tham gia của nhiều thành phần, bao gồm: Cơ quan nhà nước, báo chí, doanh nghiệp, người tiêu dùng và các tổ chức xã hội… nhằm xây dựng mạng lưới truyền thông hiệu quả trong lĩnh vực ATTP.
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Yến - Phó trưởng Phòng Truyền thông, Cục ATTP - cho biết, việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chính sách, pháp luật về ATTP trong thời gian qua đã được tăng cường, với nhiều hình thức đa dạng. Tuy nhiên, công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục về ATTP chưa thường xuyên. Vẫn còn tình trạng nội dung thông tin không chính xác hoặc chưa được kiểm chứng, thiếu căn cứ khoa học, gây ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và niềm tin của người dân đối với công tác quản lý ATTP.
Đồng tình với nhận định trên, nhiều ý kiến đưa ra tại hội thảo cũng cho rằng, nhờ công tác truyền thông, ý thức chấp hành pháp luật về ATTP của nhiều hộ sản xuất, kinh doanh chế biến thực phẩm từng bước được nâng cao. Song, việc truyền thông hay những tư vấn trực tiếp của cán bộ có chuyên môn, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, nông nghiệp chưa được sâu rộng và đa dạng về hình thức, chủ yếu là lồng ghép trong các hoạt động của các cơ quan, đơn vị, nên hiệu quả chưa cao. Đặc biệt, tại nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa còn rất hạn chế, nên chưa đáp ứng được các quy định về điều kiện trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Trước vấn nạn mất vệ sinh ATTP vẫn là điểm nóng tại nhiều địa phương, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian tới, cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức về vệ sinh ATTP tới từng người dân, tổ chức xã hội. Theo đó, nội dung truyền thông nên tập trung vào pháp luật liên quan đến vấn đề vệ sinh ATTP; các quy định trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm thực phẩm; hướng dẫn các cở sở sản xuất, kinh doanh không sử dụng chất cấm, chất bảo quản, phụ gia, thuốc bảo vệ thực vật, … ngoài quy định cho phép. Cùng với đó, thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình ATTP, cung cấp thông tin các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm pháp luật về ATTP, cũng như biểu dương tấm gương điển hình về sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn…
Bà Trần Việt Nga - Phó cục Trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế): Công tác truyền thông ATTP muốn đạt hiệu quả cao, bên cạnh sự tham gia, phối hợp của cơ quan chức năng, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng, thì thái độ và cách ứng xử của người tiêu dùng đối với ATTP cũng đóng vai trò quan trọng. |