Đây là hợp tác y tế có ý nghĩa đồng hành với chiến lược dài hạn và Kế hoạch hành động quốc gia về Kháng kháng sinh của Việt Nam, đồng thời cùng với những sang kiến của Chính phủ Anh nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển giải quyết tình trạng kháng kháng sinh (AMR).
"Thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về Kháng kháng sinh giai đoạn 2013-2020 và xây dựng chiến lược cho 5 năm tiếp theo là một trong những trọng tâm quan trọng của ngành Y tế. Với sự đồng hành của Chính phủ Anh và các công ty trong lĩnh vực y tế của Anh như GSK, cuộc chiến chống lại kháng kháng sinh tại Việt Nam sẽ được tiếp cận toàn diện hơn, các chương trình đào tạo y khoa liên tục dành cho cán bộ y tế và hỗ trợ nâng cao nhận thức, giáo dục cộng đồng cũng được lên kế hoạch triển khai hiệu quả nhằm đẩy lùi gánh nặng y tế này”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế - Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về chống kháng thuốc chia sẻ.
Kháng kháng sinh (AMR) là một trong những thách thức về y tế lớn nhất toàn cầu. Tình trạng này xảy ra khi các vi sinh vật như vi khuẩn, vi rút, nấm và ký sinh trùng thay đổi theo hướng làm vô hiệu hóa hoặc giảm hiệu quả các loại thuốc được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng. Kháng kháng sinh gây ra bởi tình trạng sử dụng thuốc chưa hợp lý, như sử dụng kháng sinh cho các nguyên nhân gây ra do vi rút như cúm, hoặc dung thuốc kháng sinh theo đơn thuốc được kê cho người khác, tự mua thuốc kháng sinh để sử dụng, hoặc sử dụng thuốc kém chất lượng, hoặc kê đơn kháng sinh chưa hợp lý… Bên cạnh đó, công tác phòng, chống nhiễm khuẩn chưa hiệu quả cũng có thể dẫn đến sự phát triển và lan rộng của tình trạng kháng thuốc. Ước tính đến năm 2050, trên toàn thế giới, số người chết vì kháng kháng sinh có thể lên tới 10 triệu người.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ kháng kháng sinh cao trong khu vực Châu Á. Đáng chú ý, nhiễm khuẩn hô hấp trong cộng đồng tại các nước Châu Á -Thái Bình Dương ngày càng tăng cao, đây là nguyên nhân không chỉ gây ra bệnh tật, mà còn kéo theo gánh nặng về điều trị y tế và tổn thất kinh tế. Một số bệnh nhiễm khuẩn hô hấp trong cộng đồng có thể kể đến như viêm mũi xoang, viêm phổi mắc phải cộng đồng, đợt kịch phát bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… Bên cạnh đó, còn nhiều yếu tố dẫn đến sự lan rộng của kháng kháng sinh, như tình trạng quá tải tại các cơ sở y tế, thiếu thiết bị xét nghiệm vi sinh, thiếu nhân viên được đào tạo chính quy về vi sinh và dược lâm sàng.
Thông qua Biên bản ghi nhớ hợp tác, Bộ Y tế, Đại sứ quán Anh và GSK cam kết triển khai các hoạt động hợp tác để đạt được mục tiêu chung nhằm góp phần đẩy lùi kháng kháng sinh tại Việt Nam. Các lĩnh vực hợp tác bao gồm: Hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ y tế (Bác sĩ/ Dược sĩ) về kháng kháng sinh và Kê đơn kháng sinh hợp lý trong nhiễm khuẩn hô hấp cộng đồng; Cung cấp giải pháp chăm sóc sức khỏe toàn diện từ phòng ngừa đến điều trị & tăng cường khả năng tiếp cận với các thuốc kháng sinh và vắc-xin chất lượng quốc tế; Tăng cường nhận thức về gánh nặng & hậu quả của kháng kháng sinh, nâng cao hiểu biết về việc sử dụng kháng sinh hợp lý trong cộng đồng để phòng tránh những diễn tiến phức tạp trong tương lai.
“Chính phủ Anh cam kết đồng hành cùng Việt Nam để giải quyết các vấn đề y tế như kháng kháng sinh thông qua triển khai các chương trình hợp tác với các đối tác chiến lược. Kháng kháng sinh đang trở thành cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu và chúng ta cần tăng cường nỗ lực tập thể để giải quyết thách thức này nhằm đảm bảo sức khỏe và hạnh phúc cho thế hệ tương lai”, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Gareth Ward chia sẻ.
Bác sĩ Phạm Thị Mỹ Liên, Trưởng đại diện GSK tại Việt Nam cho biết: “Trong gần một thập kỷ qua, GSK luôn tập trung hành động để giảm thiểu sự tiến triển của kháng kháng sinh trên toàn cầu và tại Việt Nam. Buổi ký kết hôm nay đánh dấu một giai đoạn mới trong nỗ lực đó, khi GSK cam kết đóng góp các giải pháp như chia sẻ dữ liệu lâm sàng, nghiên cứu độ nhạy cảm của kháng sinh lien quan đến nhiễm khuẩn hô hấp cộng đồng, hợp tác trong các chương trình đào tạo y khoa lien tục dành cho cán bộ y tế, hỗ trợ nâng cao nhận thức, giáo dục cộng đồng về gánh nặng của kháng kháng sinh cũng như các biện pháp phòng ngừa hữu ích cho mỗi cá nhân và cộng đồng”.