Cơ hội xúc tiến, mở rộng tại thị trường Lào Việt Nam - Lào: Thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư |
Điểm sáng trong năm 2022
Ngày 24/12/2022 vừa qua, Bộ Công Thương Việt Nam đã tổ chức Hội nghị hợp tác phát triển ngành Công Thương- Năng lượng và Mỏ Việt Nam - Lào 2022 tại TP Hạ Long (Quảng Ninh).
Hội nghị có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và lãnh đạo Bộ Công Thương Việt Nam, Bộ trưởng Công Thương Lào Mạ-lay-thong Côm-mạ-sít , Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Lào Đao vông - Phôn kẹo cùng lãnh đạo hai Bộ.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Đại sứ Lào đã ký kết Biên bản làm việc về các biện pháp tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp và năng lượng |
Hội nghị năm nay có ý nghĩa đặc biệt vì lần đầu tiên được tổ chức trở lại sau thời gian gián đoạn vì đại dịch Covid-19, đồng thời cũng là hoạt động ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào (1962-2022) và 45 năm ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam – Lào (1977-2022).
Phát biểu tại hội nghị Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, kết quả Hội nghị là đóng góp quan trọng vào thành công của Kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào tổ chức vào cuối tháng 12/2022. Bộ trưởng đã chia sẻ đồng cảm với các địa phương cũng như các doanh nghiệp, nhà đầu tư Lào đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác kinh tế, thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước ngày càng phát triển thịnh vượng, nồng ấm; đồng thời nhấn mạnh, việc ký kết các biên bản hợp tác ghi nhớ, hợp đồng kinh tế là bước đầu mở ra những kế hoạch mới, cụ thể hơn, hiệu quả hơn trên tinh thần nói và làm-làm có hiệu quả như Thủ tướng Chính phủ hai nước mong đợi.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi tiếp Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào. Tại buổi tiếp, Thủ tướng đã ghi nhận các con số thiết thực thể hiện tình cảm của hai nước, đặc biệt là việc hợp tác thương mại như: Mục tiêu phấn đấu kim ngạch thương mại tăng từ 10-15%/năm đã cơ bản được duy trì từ năm 2012 đến nay, duy trì mức kim ngạch trên 1 tỷ USD từ năm 2016. Cả năm 2022, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Lào ước đạt 1,66 tỷ USD, tăng 21,3% so với năm 2021. Đây trở thành điểm sáng trong việc thúc đẩy hợp tác giữa hai nước anh em.
Thương mại hai nước Việt - Lào có những điểm sáng trong năm 2022 - Ảnh QĐND |
Việc thúc đẩy hợp tác, làm sâu sắc thêm tình cảm giữa hai nước Việt – Lào rất được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chín phủ đặc biệt quan tâm. Điều đó được thể hiện qua những trăn trở của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính khi đã trực tiếp gọi điện tới Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên để để hỏi thật kỹ về dư địa hợp tác đối với năng lượng và khoáng sản của Việt Nam và Lào. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định dư địa hợp tác còn rất lớn. Điều này càng khẳng định sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam với mối quan hệ đặc biệt, toàn diện giữa Việt Nam và Lào.
Chuyến thăm thắm tình đồng chí, anh em
Sáng sớm 11/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội lên đường thăm chính thức Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; cũng là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng trong năm 2023. Thủ tướng Phạm Minh Chính là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm chính thức Lào sau khi Thủ tướng Lào Sone xay Si- pha- done nhậm chức.
Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam đang phát triển vững chắc. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, hai nước vẫn giữ được đà và phát triển quan hệ trên các lĩnh vực.
Hợp tác năng lượng giữa Việt Nam - Lào có những bước phát triển mới |
Trong hơn hai năm dịch COVID-19 bùng phát, Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước đã hỗ trợ nhau cả về kinh phí, vật tư, trang thiết bị y tế và cử chuyên gia hỗ trợ nhau phòng, chống dịch. Hợp tác quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố, nhất là trong hợp tác cứu hộ, cứu nạn; tìm kiếm, quy tập và hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào trong thời kỳ chiến tranh; kiểm soát biên giới; phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, đặc biệt là vấn đề buôn bán, vận chuyển ma túy.
Trước đó, tại buổi tiếp Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Năng lượng và Mỏ Lào tiếp tục hợp tác hiệu quả hơn nữa với Bộ Công Thương Việt Nam trên tinh thần chân thành, thẳng thắn, tin cậy, có sản phẩm hợp tác cụ thể, đóng góp vào quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước; tiếp tục thảo luận, triển khai các giải pháp cụ thể, thiết thực để thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch thương mại và đầu tư song phương tương xứng, phù hợp với quan hệ chính trị giữa hai nước, phát huy các thế mạnh có thể bổ sung cho nhau, trên cơ sở các nguyên tắc, thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước.
Thủ tướng chia sẻ một số định hướng hợp tác về các giải pháp giảm chi phí logistics; đầu tư trọng tâm, trọng điểm để tạo đột phá kết nối giao thông vận tải; tăng cường hợp tác chế biến sâu nông lâm sản, khoáng sản...; với các vấn đề vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết; đề nghị hai bên tăng cường phối hợp, kịp thời chia sẻ kinh nghiệm, phát hiện và xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc, các vấn đề nảy sinh; hỗ trợ mỗi bên xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, trên tinh thần hợp tác bình đẳng, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ,” vì lợi ích của nhân dân hai nước.
Những chỉ đạo này không chỉ là những con số vô hình mà theo báo cáo hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư đã thể hiện bằng những kết quả cụ thể. Hiện, Việt Nam có 238 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Lào, tổng vốn đăng ký khoảng 5,34 tỷ USD, duy trì vị trí thứ 3 đầu tư vào Lào.
Đối với vấn đề hợp tác năng lượng, hiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang bán điện qua các cấp điện áp 220kV-22kV-35kV qua 9 địa điểm khu vực gần biên giới giữa hai nước với sản lượng điện thương mại khoảng 50 triệu kWh/ năm. Việc phối hợp, vận hành, bảo vệ an ninh, an toàn lưới điện được hai bên thực hiện tốt, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các địa phương của Lào khi lưới điện quốc gia của bạn chưa mở rộng tới. Hoạt động cấp điện cho bạn đồng thời cũng góp phần thắt chặt, củng cố mối tình hữu nghị đặc biệt giữa hai nước.
Tới thời điểm hiện tại, Chính phủ Việt Nam đã chấp thuận chủ trương nhập khẩu điện từ Lào. EVN đã ký kết 18 hợp đồng mua bán điện (PPA) với các chủ đầu tư để mua điện của 23 dự án. Nguồn điện từ thủy điện của Lào là nguồn ổn định, không phụ thuộc thời tiết, khí hậu nên không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam trong quá trình đẩy nhanh phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19 mà còn có thể sử dụng như điện "nền", giúp Việt Nam khắc phục biến thiên công suất của một số nguồn năng lượng tái tạo, từ đó thúc đẩy chuyển đổi xanh nhanh và mạnh hơn nữa tại Việt Nam.
Đường dây nhập khẩu điện giữa Việt Nam - Lào |
Để tăng cường hợp tác cung ứng điện trong thời gian tới, trong tháng 4/2022, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Năng Lượng và Mỏ Lào đã hội đàm và nhất trí triển khai một số biện pháp: (i) phối hợp chặt chẽ để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thành các dự án đường dây truyền tải, liên kết lưới điện giữa hai nước; (ii) nghiên cứu tính toán nhu cầu, các giải pháp kỹ thuật và thương mại trong liên kết lưới điện để bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm; và (iii) nghiên cứu, báo cáo Chính phủ hai nước xem xét tăng lượng điện cung ứng phù hợp với nhu cầu và năng lực của hai bên. Các khía cạnh môi trường cũng cần được quan tâm thấu đáo trong quá trình hợp tác cung ứng điện.
Trước đó tại Hội nghị Hợp tác phát triển ngành Công Thương – Năng lượng và Mỏ Việt Nam – Lào năm 2022, người đứng đầu Bộ Công Thương Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trăn trở: Trong năm 2022, Việt Nam tiếp tục đạt những con số ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu với hơn 700 tỷ USD. Với người anh em ruột thịt, người đồng chí chân tình, gắn bó thủy chung con số 1,66 tỷ USD năm 2022 vẫn còn rất khiêm tốn. Chính vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, giờ là lúc chúng ta cùng nghiên cứu cơ chế chính sách và hành động tạo điều kiện thuận lợi, dựa vào tiềm năng thế mạnh của 2 nước để doanh nghiệp 2 nước thâm nhập vào thị trường sâu hơn nữa. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị phía Lào mở cửa hơn nữa để doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện tiếp cận, thâm nhập vào thị trường.
Các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Việt Nam không vì mục tiêu cao nhất là mang về bao nhiêu tiền mà cao hơn là làm cho 2 nước Việt Nam - Lào anh em giàu mạnh lên. Trong chiến tranh, Việt Nam - Lào 2 nước chúng ta "bát cơm xẻ nửa, chăn sui đắp cùng", xương máu còn không tiếc thì bây giờ càng phải phát huy tình cảm đặc biệt ấy với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Điều này như một lời khẳng định của Việt Nam khi tiếp tục coi trọng và dành ưu tiên cao nhất đối với việc giữ gìn, vun đắp và phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.