Cụ thể, giải pháp ứng dụng RPA toàn diện akaBot và giải pháp phần mềm tự động đọc và xử lý hóa đơn UBot Invoice được lựa chọn để giới thiệu tới cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo Gartner, RPA nằm trong Top 10 xu hướng công nghệ phát triển hàng đầu trên thế giới với tốc độ tăng trưởng trên 20% mỗi năm. RPA giúp doanh nghiệp đảm bảo vận hành kinh doanh không gián đoạn, cắt giảm tới 40% chi phí vận hành nhờ tự động hóa các công việc lặp đi lặp lại trên máy tính. Sau khi tự động hóa từng tác vụ, RPA giúp các quy trình vận hành nội bộ diễn ra xuyên suốt với tính chính xác cao, không bị ảnh hưởng bởi các thủ tục, quy trình phức tạp, sai sót do nhập - xuất dữ liệu thủ công trong quá trình doanh nghiệp chuyển đổi số. Điều này giúp doanh nghiệp đảm bảo trải nghiệm khách hàng và trải nghiệm nhân viên tốt nhất.
Ông Nguyễn Thế Quang – Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, ông Trần Đăng Hòa – Phó Tổng giám đốc Công ty Phần mềm FPT ký thỏa thuận hợp tác |
Năm 2018, akaBot bắt đầu tự động hóa 45 quy trình cho khách hàng đầu tiên. Đến nay, akaBot đã có hơn 180 khách hàng doanh nghiệp tại 13 quốc gia, nằm trong top 20 các nền tảng RPA nổi bật trên toàn cầu. Với mục tiêu “mỗi doanh nghiệp đều có thể tự động hóa vận hành”, akaBot - FPT đề xuất Giải pháp phần mềm SaaS ứng dụng công nghệ RPA (tự động hóa vận hành doanh nghiệp - Robotics Process Automation): Sản phẩm UBot - giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ bắt đầu hành trình tự động hóa chỉ trong vài phút.
Lễ ký kết “Thỏa thuận hợp tác đẩy mạnh ứng dụng công nghệ RPA phát triển Kinh tế số” trở thành một bước tiến mới trong chuyển đổi số giữa Bộ Công Thương và FPT Software, hướng tới mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế số và tăng năng suất lao động trung bình hàng năm 7% theo chương trình chuyển đổi số quốc gia nói chung và chuyển đổi số ngành Công Thương nói riêng. Chương trình hợp tác cũng góp phần mang tới hiệu quả tích cực, đồng hành cùng hàng chục nghìn doanh nghiệp đang gặp khó khăn khi quay trở lại quy trình sản xuất trong thời kỳ “bình thường mới”, tổn thất nặng nề cả về kinh tế và nguồn lực.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Công ty TNHH Phần mềm FPT nghiên cứu, phát triển và triển khai thử nghiệm ứng dụng công nghệ RPA trong chuyển đổi số doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực kinh doanh như sản xuất, bán lẻ, quản lý nội bộ, tài chính… cũng như hướng tới phát triển Chính phủ điện tử tại Bộ Công Thương. Trong đó, các thỏa thuận tập trung vào những điểm mấu chốt: Triển khai ứng dụng RPA trong cộng đồng doanh nghiệp; tư vấn, đào tọa nguồn nhân lực về công nghệ RPA; nghiên cứu và xây dựng đề án triển khai RPA phục vụ quản lý điều hành tại Bộ Công Thương.