Việt Nam hiện đã thu hút đầu tư 150 dự án PPP cho cơ sở hạ tầng với tổng giá trị lên đến hơn 1 triệu tỷ đồng (khoảng 50 tỷ USD). Tính riêng tại TP. Hồ Chí Minh, từ năm 2000 đến nay có 22 dự án đã hoàn tất hợp đồng PPP với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 69.869 tỷ đồng (khoảng 3 tỷ USD); trong đó có 16 dự án thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, 3 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, 2 dự án thuộc lĩnh vực môi trường và 1 dự án thuộc lĩnh vực văn hóa...
Kêu gọi đầu tư hạ tầng theo hình thức PPP giảm gánh nặng cho nguồn vốn ngân sách |
Bà Lê Thị Huỳnh Mai - Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh - cho biết, dự kiến tổng vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố trong giai đoạn 2016 - 2020 cần khoảng 1.829.385 tỷ đồng (tăng bình quân mỗi năm 8,4%), và tăng 53,3% so với giai đoạn 2011- 2015. Số liệu trên cho thấy, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách thành phố những năm qua chỉ đóng vai trò vốn mồi để thu hút đầu tư, chiếm khoảng 8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố. Trong bối cảnh các nguồn vốn nhà nước dành cho đầu tư phát triển hạn chế; vốn trái phiếu chính phủ không thể phát hành mãi và vốn ODA vay cũng bị giới hạn bởi ngưỡng an toàn tài chính quốc gia. Do vậy việc phát triển, thúc đẩy kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP là yêu cầu tất yếu.
Ông Ousmare Dione - Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam thuộc Ngân hàng Thế giới - cho rằng, cần xem PPP là quan hệ đối tác, bình đẳng giữa các bên tham gia hợp đồng, bởi PPP là hợp đồng dài hạn (20- 30 năm), ẩn chứa nhiều rủi ro trong tương lai. Do đó cần có cách làm bài bản, bố trí đủ nguồn lực đầu tư, chính sách rõ ràng và quan trọng là phải ổn định chính sách. Nhà đầu tư PPP phải có lợi nhuận khi thực hiện đầu tư, đảm bảo nguyên tắc của thị trường, công bằng và minh bạch, hợp đồng dự án phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước và nhà đầu tư...
Trên thực tế, để tháo gỡ nút thắt chính sách, Chính phủ đã ban hành Nghị định 63/2018/NĐ- CP về đầu tư theo hình thức PPP. Trên cơ sở đó, nhằm tăng hiệu quả quản lý nhà nước để triển khai các dự án PPP trên địa bàn, thành phố đang xây dựng Quy định về quản lý đầu tư dự án theo hình thức PPP (bao gồm Hợp đồng BT) theo hướng tăng cường phân cấp, ủy quyền, nâng cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong triển khai dự án, từ việc kêu gọi đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, cân đối nguồn lực, thẩm định dự án, lựa chọn nhà đầu tư và giám sát tổ chức thực hiện theo quy định của hợp đồng và quy định pháp luật.
Theo Lê Thị Huỳnh Mai, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định về hướng dẫn thực hiện Dự án BT, thành phố sẽ hoàn thiện Quy định về quản lý đầu tư dự án theo hình thức PPP (bao gồm Hợp đồng BT) trên địa bàn thành phố để sớm triển khai áp dụng.
Việc thu hút đầu tư hạ tầng theo mô hình PPP không đơn thuần là vấn đề cung cấp vốn cho các khu vực công mà còn là sự đóng góp quan trọng của khu vực tư nhân để giải quyết các vấn đề của dự án cũng như thế mạnh về công nghệ, kỹ thuật và khả năng quản lý, vận hành, duy tu bảo dưỡng công trình dự án để đạt mục tiêu nâng cao hiệu quả và tăng chất lượng dịch vụ công. |