Họp báo Bộ Công Thương: Giải đáp nhiều vấn đề được báo chí quan tâm
Tin hoạt động 17/06/2021 17:24
Tri ân đặc biệt đến các cơ quan thông tấn báo chí
Tại họp báo, thay mặt lãnh đạo Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã gửi lời chúc mừng và tri ân đặc biệt đến các cơ quan báo chí nhân dịp 96 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2021). Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, trong thời gian qua, ngành Công Thương đã nhận được sự chia sẻ, hỗ trợ rất lớn của các cơ quan báo chí, truyền thông. Với sự hỗ trợ này, Bộ Công Thương - vốn là một bộ đa ngành, được giao những nhiệm vụ lớn, có tác động đến sự phát triển nền kinh tế và đời sống của người dân đã và đang làm tốt vai trò được các cấp, các ngành giao phó, đóng góp hiệu quả cho việc thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ.
Ngay trong năm 2021, dù dịch bệnh có những diễn biến phức tạp, ngành Công Thương đã và đang nỗ lực, tích cực trong sản xuất công nghiệp, kết nối cung cầu thị trường trong nước, đảm bảo cung cầu, hàng hóa thiết yếu cho người dân. Dù có nhiều nơi bị cách ly, giãn cách nhưng nhìn chung, không có tình trạng thiếu hàng, sốt hàng, nhất là hàng hóa thiết yếu. Việt Nam cũng đảm bảo duy trì sản xuất ngay tại các địa phương có dịch như: Bắc Giang, Bắc Ninh, TP. Hồ Chí Minh, tránh để gián đoạn, đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng không chỉ của Việt Nam mà của các chuỗi cung ứng toàn cầu. Để làm được điều này là nỗ lực lớn của các bộ ngành, hiệp hội, doanh nghiệp, trong đó có Bộ Công Thương. Triển vọng từ nay đến cuối năm được kỳ vọng sẽ tốt hơn, nhất là khi Việt Nam đang nỗ lực tìm nguồn vắc xin cung cấp cho người dân.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu tại họp báo |
“Thông qua các cơ quan báo chí truyền thông, ngành Công Thương đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhận được sự đánh giá cao của các cấp có thẩm quyền, người dân, doanh nghiệp” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ.
Xây dựng kịch bản xúc tiến tiêu thụ nông sản
Tại buổi họp báo, các đơn vị của Bộ cũng giải đáp nhiều vấn đề được dư luận quan tâm. Đơn cử, về vấn đề xúc tiến tiêu thụ nông sản, ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại khẳng định: “Việc hỗ trợ địa phương tiêu thụ nông sản đến mùa vụ không phải việc năm nay mới làm mà Bộ Công Thương hàng năm đều triển khai và phối hợp triển khai tổng thể”.
Ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại phát biểu tại họp báo |
Cụ thể, năm nay, ngay trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương đã có Chỉ thị số 08/CT-BCT ngày 25/5 về việc tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông và tăng cường hỗ trợ tiêu thụ tại thị trường trong nước các sản phẩm nông sản của các địa phương. Căn cứ Chỉ thị này, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với các địa phương tổng hợp số liệu, số lượng nông sản mùa vụ, nhu cầu hỗ trợ xúc tiến thương mại, sau đó có kế hoạch tổng thể để hỗ trợ tiêu thụ. Việc này cũng cần sự vào cuộc của nhiều cục vụ khác như Tổng cục Quản lý thị trường, Vụ Thị trường trong nước, Văn phòng Bộ, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số… cũng như các bộ ngành liên quan và địa phương.
Như vậy, việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản không phải chỉ được triển khai sát mùa vụ mà là chương trình hàng năm. Ví dụ khi phối hợp với Hải Dương, Bắc Giang để tiêu thụ nông sản, Bộ Công Thương đã phải làm việc từ đầu năm 2021, cùng địa phương lên kế hoạch tổng thể. Kết quả tiêu thụ thời gian vừa qua là kết quả của một chuỗi các hoạt động đã được triển khai bài bản trước đó.
Bên cạnh đó, việc hỗ trợ tiêu thụ đã được triển khai qua nhiều kênh khác nhau như các kênh truyền thống như siêu thị, các nhà phân phối lớn, các sàn thương mại điện tử… Vải thiều của Hải Dương và Bắc Giang trong năm nay cũng lần đầu tiên được thí điểm áp dụng ứng dụng truy xuất nguồn gốc và nhận được phản hồi tích cực từ địa phương, doanh nghiệp thu mua, thị trường nước ngoài. Bằng nhiều giải pháp tổng thể, cùng với tiêu thụ nội địa, đến nay, vải thiều đã xuất khẩu thành công sang nhiều thị trường như Nhật Bản, Pháp...
Thời gian tới, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương khác để kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản. Cụ thể như sắp tới sẽ kết nối với Hưng Yên để tiêu thụ nhãn và nông sản; kết nối với Bình Thuận để hỗ trợ tiêu thụ thanh long.
Sớm trình Chính phủ Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2021-2030
Về vấn đề xuất khẩu bền vững, trả lời tại họp báo, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương chỉ rõ, xuất khẩu (XK) bền vững là vấn đề đã được đưa ra từ lâu và là vấn đề quan trọng đối với nền kinh tế. Đây là khái niệm có nhiều nội hàm nhưng được thể hiện qua các yếu tố như quy mô XK, tốc độ tăng trưởng XK, tính ổn định trong tăng trưởng XK… Và điều quan trọng nhất là XK nhưng không đánh đổi những vấn đề quan trọng khác như lao động, môi trường. XK phải gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định cán cân thương mại.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu |
Đối với giải pháp để XK bền vững, ông Trần Thanh Hải chỉ rõ, XK liên quan đến vấn đề tiêu thụ hàng hóa. Do đó để XK bền vững, việc tạo được nguồn hàng ổn định cho XK là yếu tố quan trọng hàng đầu. Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ ngành để quy hoạch sản xuất, XK theo hướng giảm bớt các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp và tập trung các mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Đây là mục tiêu quan trọng hàng đầu.
Vấn đề thứ hai là rà soát các văn bản pháp lý, tháo gỡ khó khăn và tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thương mại.
Ví dụ như với những ngành hàng như dệt may. Hiện nay có tâm lý của các địa phương là không tiếp nhận các đầu tư cho các dự án dệt nhuộm, coi đó là ngành nghề tác động đến môi trường. Đây là yếu tố ta cần làm rõ vì hiện nay công nghệ dệt nhuộm đã có nhiều cải thiện. Nếu như nhà đầu tư đáp ứng được các yếu tố về môi trường thì các địa phương có thể xem xét ra sao để giải quyết vấn đề này, tạo điều kiện cho khâu dệt nhuộm vải?
Với các FTA đã được ký kết, doanh nghiệp khai thác và tận dụng các cơ hội như thế nào? Đối với việc này, Bộ Công Thương đã có nhiều chương trình hỗ trợ DN nâng cao năng lực trong lĩnh vực XK, thích nghi và vượt qua rào cản thương mại. Cùng với việc mở cửa thị trường cho DN thì DN cũng phải đối diện với nhiều hàng rào thương mại phi thuế và việc hỗ trợ DN vượt qua các hàng rào này cũng là việc quan trọng.
Tiếp theo là vấn đề đổi mới công tác xúc tiến thương mại và phát triển thị trường. Thời gian tới, công tác xúc tiến thương mại sẽ tập trung vào lĩnh vực công nghệ và cách triển khai hoạt động xúc tiến thương mại sẽ có nhiều điểm phù hợp với bối cảnh hiện nay. Các biện pháp xúc tiến thương mại sẽ được tiến hành cả trong nước và nước ngoài.
Tiếp theo là vấn đề đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Đây là yếu tố quan trọng để tránh những rủi ro, bất lợi từ việc phụ thuộc quá lớn vào một thị trường nào đó.
Đối với hoạt động thương mại biên giới, các địa phương biên giới cần đẩy mạnh các giải pháp xuất khẩu chính ngạch, xuất khẩu qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.
Bên cạnh đó là các giải pháp về thuế, lao động, tín dụng, cải cách thủ tục hành chính… Hiện nay các Bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương được đánh giá rất cao về việc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi lớn nhất cho doanh nghiệp xuất khẩu. Đây là hoạt động cần tiếp tục duy trì trong giai đoạn tới.
Song hành với phát triển xuất khẩu, ta cũng phải làm tốt việc điều hành nhập khẩu thông qua các vấn đề như quy tắc xuất xứ, chống các biện pháp lẩn tránh, phát triển công nghiệp hỗ trợ thay thế hàng nhập khẩu…
“Tựu chung lại, trên các nền tảng định hướng như vậy, Bộ Công Thương đang xây dựng Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2021-2030, sẽ trình Chính phủ xem xét và ban hành trong thời gian tới. Các quan điểm, định hướng về XK bền vững sẽ được thể hiện rõ nét trong văn bản này” - ông Trần Thanh Hải chỉ rõ.
Người tiêu dùng cần thận trọng khi mua hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ
Liên quan đến tình hình buôn bán hàng lậu, hàng giả trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp, ông Trần Hữu Linh – Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) – cho biết, từ khi dịch bùng phát vào năm 2020, những mặt hàng liên quan đến thiết bị y tế, khẩu trang, nước rửa tay… khan hiếm nên năm 2020, gian lận thương mại liên quan đến mặt hàng này rất nhiều. Tuy nhiên đến năm 2021, khi dịch bùng phát lần thứ 4, gian lận thương mại tương đối tinh vi hơn, mặt hàng đa dạng hơn. Đặc biệt, trong tháng 6, qua kiểm tra, kiểm soát, Tổng cục phát hiện một số lượng các bộ kit test nhanh Covid-19 được nhập lậu vào Việt Nam.
Ông Trần Hữu Linh – Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường |
Ông Trần Hữu Linh cho rằng, do nhu cầu lớn của người tiêu dùng nên một số đối tượng đã nhập lậu các bộ kit test nhanh Covid-19 từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản… thông qua đường xách tay, thẩm lậu vào thị trường nội địa và bán ở trong nội địa.
Vừa qua, lực lượng QLTT Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã kiểm tra, thu giữ vài nghìn bộ kit test nhanh Covid-19 và hầu hết là không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Hiện nay, bộ kit test nhanh Covid-19 có một công ty ở Việt Nam được Bộ Y tế cấp phép để sản xuất. “Do vậy, đề nghị người tiêu dùng hết sức lưu ý khi mua sản phẩm này, phải kiểm tra rõ ràng thông tin nguồn gốc sản phẩm và phải được cấp phép của Bộ Y tế ”- ông Trần Hữu Linh khuyến cáo.
Đối với mặt hàng khẩu trang chống dịch, hiện nay, trên thị trường đã xuất hiện quảng cáo loại khẩu trang có khả năng chống virus Corona đến mức được 99%. Ông Trần Hữu Linh lưu ý, người dân khi mua khẩu trang cần phải xem nguồn gốc xuất xứ và có được cấp phép đạt tiêu chuẩn hay không.
Từ đầu đến nay, gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử rất cao, chủ yếu qua các sàn giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội như facebook và zalo, lực lượng QLTT vẫn đang phối hợp với các cơ quan chức năng để “tấn công”, cũng như có phương án điều tra, xác minh và xử lý các hành vi vi phạm. Ông Trần Hữu Linh cho biết, hầu hết các mặt hàng rất đa dạng, không chỉ là các thiết bị y tế mà các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm và những mặt hàng xa xỉ cũng đang được bán online rất nhiều. Vì vậy, người tiêu dùng cần có những cách thức kiểm tra cũng như tự cảnh giác để thẩm tra thông tin về xuất xứ nguồn gốc hàng hóa trước khi đặt mua hàng.
“Rất mong các cơ quan báo chí tiếp tục phối hợp với lực lượng QLTT trong thời gian tới để giúp cho người dân có thể mua hàng hóa trong thời buổi dịch bệnh một cách an toàn”-ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.