Bác Hồ kính yêu luôn sống mãi trong lòng các cán bộ công nhân viên ngành thương mại Việt Nam Tháng 5 về bên ngôi nhà sàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Năm 1962, giữa lúc miền Bắc dồn sức cho kiến thiết và xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong thư gửi đồng bào nhà Nghệ An, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết, muốn tiến bộ thì phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ dám làm.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nhà máy Dệt Nam Định năm 1957. Ảnh Tư liệu |
Ngày 13/2/1962 sau khi nhận được thư chúc tết Nhâm Dần của đồng bào xã Nam Liên (nay là xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi tới đồng bào và cán bộ xã.
Trong thư Người viết: “Tư tưởng bảo thủ là như những sợi dây cột chân cột tay người ta, phải vất nó đi. Muốn tiến bộ thì phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ dám làm”.
Đặc thù của giai đoạn 1961 – 1965 là thời kỳ đẩy mạnh thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam. Miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu. Do vậy, trong bối cảnh lúc đó, phát triển nông nghiệp trong bước đi ban đầu của thời kỳ quá độ là vấn đề được Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm.
Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh mặc dù được viết trong thư gửi một địa phương cụ thể, nhưng đã toát lên được tư tưởng đổi mới, sáng tạo của Người trước sự nghiệp cách mạng cả nước. Với Bác không hề có sự tách liệt giữa việc chung, việc riêng hay việc làng, việc nước như nhiều lần Người đã chỉ ra. Sự phát triển của từng địa phương có quan hệ biện chứng đến sự phát triển của cả nước. Và trong quá trình phát triển đó không chỉ người dân mà cán bộ các cấp luôn cần suy nghĩ, hành động vì cái chung, luôn cần thể hiện tinh thầm mạnh dạn, dám nghĩ dám làm. Đặc biệt với đội ngũ cán bộ “cái gốc của mọi vấn đề” càng cần phải có tinh thần dám nghĩ, dám làm để thúc đẩy phong trào.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ tác hại của tư tưởng bảo thủ. Người ví nó như một sự trói buộc, ngăn cản sự tiến bộ của con người. Mặt khác, Người đã cổ vũ tinh thần đổi mới, mạnh dạn, dám nghĩa dám làm trong phát triển sản xuất và xây dựng kinh tế, xây dựng đất nước. Hơn nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu, mọi người, nhất là cán bộ, đảng viên phải nêu gương cho quần chúng trong việc chủ động, kiên quyết khắc phục tư tưởng bảo thủ, trì trệ, đường mòn lối cũ, chậm đổi mới.
Hôm nay đây giữa những ngày cả nước hướng về kỷ niệm 133 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đọc lại những lời của Người hơn 60 năm trước chúng ta tưởng như Người vẫn đang dặn dò chúng ta.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước luôn khuyến khích, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, để thực hiện thành công đường lối đổi mới và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; đồng thời vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, thì cần phải đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, gương mẫu, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung.
Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về "Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung” ban hành ngày 22/9/2021 là sự cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng không chỉ góp phần khơi nguồn sáng tạo cho người cán bộ trong mọi mặt công tác và cuộc sống mà còn giúp họ phát huy sở trường, tài năng và ý chí quyết đoán của mình trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ được giao trước những khó khăn, thử thách của thực tiễn.
Cùng với đó, Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" cũng đã nhấn mạnh việc lãnh đạo chủ chốt các cấp phải thể hiện tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân.
Lời căn dặn của Bác về tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm giữa khi miền Bắc đẩy mạnh cao trào xây dựng cơ sơ vật chất của chủ nghĩa xã hội hơn 60 năm trước vẫn nguyên vẹn tính thời sự cho đến hôm nay. Bởi xác lập được tinh thần sáng tạo, dám nói, dám làm không chỉ là thể tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với sự nghiệp của Đảng mà còn là việc làm thiết thực với mỗi người chúng ta trong học theo Bác, làm theo Bác với tinh thần “Việc gì có lợi cho dân ta phải cố gắng làm, việc gì có hại cho dân ta phải hết sức tránh”. Tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm vẫn luôn là động lực để giúp chúng ta vượt lên thách thức bằng chính nội lực của mình để đạt những mục tiêu lớn của Đại hội XIII của Đảng.