Theo lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam, để nâng cao chất lượng bữa ăn ca cho NLĐ, những năm qua, các cấp công đoàn đã tăng cường tuyên truyền về bữa ăn ca của NLĐ với các hình thức như phối hợp với đài phát thanh, truyền hình, báo chí với chuyên mục, phóng sự về an toàn thực phẩm, bữa ăn ca, giới thiệu các gương điển hình thực hiện tốt bữa ăn ca. Đồng thời, tổ chức phát hành tờ rơi, tờ gấp; tư vấn lưu động, tọa đàm tại các khu công nghiệp và các doanh nghiệp có đông lao động… Nhờ đó, bữa ăn ca của hàng triệu NLĐ đã được cải thiện.
![]() |
NLĐ Vinapaco được lấy lượng cơm theo nhu cầu và lựa chọn món ăn theo khẩu vị |
Trong công tác đối thoại, thương lượng tập thể và ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) về chất lượng bữa ăn ca của NLĐ, các công đoàn cơ sở (CĐCS) đã chủ động phối hợp với doanh nghiệp đối thoại và tổ chức bếp ăn tập thể đảm bảo chất lượng với giá trị bữa ăn ca tối thiểu từ 15.000 đồng trở lên; không tính chi phí nhân công, vận chuyển, chất đốt… trong giá trị bữa ăn ca; đồng thời, tham gia giám sát quy trình mua, chế biến thực phẩm, kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ; khám sức khỏe định kỳ đối với NLĐ làm công tác phục vụ tại bếp… Đáng chú ý, đối với các bản TƯLĐTT của nhóm ngành, doanh nghiệp 100% các bản TƯLĐTT đều có nội dung bữa ăn ca của NLĐ và giá trị tối thiểu từ 15.000 đồng trở lên. Tiêu biểu như: TƯLĐTT ngành dệt may Việt Nam lần thứ 5 được ký kết trong năm 2021 với nội dung bữa ăn ca tăng 2.000 đồng.
Việc tổ chức bữa ăn ca đã có nhiều mô hình hay, thiết thực, mang lại hiệu quả. Tại Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco), công đoàn đã tích cực tham mưu cho Ban lãnh đạo Tổng công ty và phối hợp cùng tổ chức công đoàn các phòng, ban, đơn vị thường xuyên lấy ý kiến của NLĐ về bữa ăn ca công nghiệp, điều chỉnh kịp thời. Theo ông Nguyễn Xinh - Chủ tịch Công đoàn Vinapaco, công tác kiểm tra, giám sát về việc thực hiện bữa ăn ca cho NLĐ được thực hiện thường xuyên, yêu cầu thực phẩm phải rõ nguồn gốc, tươi ngon và an toàn; khu vực nhà ăn luôn đảm bảo vệ sinh thoáng mát, sạch sẽ, trang bị nước rửa tay, lắp đặt vách ngăn tại bàn ăn và bố trí giờ ăn giãn cách đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19. “Với việc đổi mới thực hiện bữa ăn ca như vậy thực sự đã mang đến sự hài lòng cho NLĐ” - Chủ tịch công đoàn Vinapaco chia sẻ.
Được biết, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 7c, đã có 37.628 doanh nghiệp có CĐCS thực hiện bữa ăn ca cho NLĐ, đạt tỷ lệ 81,56% tổng số doanh nghiệp đã thành lập CĐCS (tăng 15.862 doanh nghiệp, tăng tương đương 1,72 lần so với năm 2016), với 5.290.834 NLĐ được hỗ trợ bữa ăn ca (tăng 1.011.436 người so với năm 2016). Có 35.202 doanh nghiệp thực hiện giá trị bữa ăn ca từ 15.000 đồng trở lên, đạt 93,55% (tăng 19.936 doanh nghiệp, tăng tương đương 2,36 lần so với năm 2016). Giá trị bữa ăn ca phổ biến tại các doanh nghiệp từ 16.000 - 20.000 đồng/suất ăn.
Cùng với đó, số lượng các bản TƯLĐTT có nội dung bữa ăn ca của NLĐ cũng tăng lên đáng kể. Đến nay, đã có 21.457 bản TƯLĐTT được ký kết có nội dung bữa ăn ca, chiếm 57,07% tổng số bản TƯLĐTT đã ký kết. Trong đó, 94,03% các bản TƯLĐTT có giá trị bữa ăn ca từ 15.000 đồng trở lên (tăng 8.545 bản, tăng tương đương 1,66 lần so với năm 2016).
Nhiều CĐCS đã thành lập Hội đồng Căng tin để giám sát, kiểm tra, tư vấn thực đơn hàng ngày; mô hình “Công đoàn tham gia đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng bữa ăn ca trong doanh nghiệp”; lập nhóm zalo giới thiệu hình ảnh, suất ăn có chất lượng, chia sẻ các bản TƯLĐTT có nội dung về bữa ăn ca… |