Hơn 10.000 giáo viên nghỉ việc ở khối trường công lập
Trong báo cáo “Tình hình nhân dân về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 - 2022”, của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nêu: Tình trạng giáo viên bỏ nghề giáo dục có xu hướng tăng trong vài năm gần đây. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có nguyên nhân do chính sách sử dụng cán bộ giáo dục chưa phù hợp.
Dù rất yêu nghề nhưng nhiều giáo viên phải nghỉ việc do chính sách chưa phù hợp. Ảnh minh họa |
Năm học vừa qua, làn sóng giáo viên nghỉ việc ở các trường công lập có chiều hướng tiếp diễn. Năm học 2021 - 2022, trong số 16.265 giáo viên nghỉ việc thì khối trường công lập có 10.407 giáo viên.
Số giáo viên bỏ ra khỏi ngành chủ yếu tập trung ở các vùng như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Thanh Hóa... Trong đó, Thanh Hóa là địa phương thiếu giáo viên trầm trọng nhất cả nước và diễn ra nhiều năm qua.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỉnh Thanh Hóa đang thiếu 10.256 giáo viên; còn nếu tính theo định mức quy định của UBND tỉnh thì thiếu gần 6.900 giáo viên. Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: Địa phương gặp không ít khó khăn trong tuyển mới giáo viên năm học qua, một trong những lý do dẫn đến việc này là các thầy cô trẻ không mặn mà làm việc tại địa phương. Lương thấp, khối lượng công việc nhiều, địa bàn dạy học khó khăn… dẫn đến tỷ lệ tuyển mới chưa cao.
Ông Trần Duy Mạnh - Hiệu trưởng Trường THCS Thành Lâm (huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) nêu ý kiến: Nhà trường kiến nghị các cấp thẩm quyền tuyển biên chế giáo viên cho nhà trường hoặc cấp kinh phí để nhà trường hợp đồng giáo viên.
Tìm hiểu tại một số địa phương cho thấy, số giáo viên nghỉ việc hầu hết do để chuyển sang làm việc ở các trường tư thục hoặc chuyển sang làm việc ở các lĩnh vực khác có thu nhập cao hơn. Một số địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn như Gia Lai, Sơn La… giáo viên nghỉ việc do lương, trợ cấp còn thấp, trong khi khối lượng công việc nhiều do địa bàn dân cư thưa thớt, di chuyển đi dạy quá xa.
Một số địa phương thiếu do Trung ương giao chỉ tiêu biên chế cho địa phương thấp hơn so với định mức. Trong khi nhiều năm, nhiều địa phương không tuyển giáo viên bổ sung thay thế cho số nghỉ chế độ nhưng hàng năm vẫn phải cắt giảm chỉ tiêu biên chế theo chủ trương chung của Chính phủ. Ngoài ra, do chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 thay đổi cơ cấu môn học dẫn đến môn thừa, môn thiếu giáo viên cục bộ...
Theo Tổng cục Thống kê, lương bình quân hàng tháng của giáo viên mầm non, phổ thông và giảng viên đại học (năm 2020) là 7,05 triệu đồng. Tại những khu công nghiệp có sự chênh lệch lương quá lớn giữa giáo viên và công nhân lao động. Lương giáo viên mầm non mới ra trường chỉ trên dưới 3,5 triệu đồng/tháng, trong khi lương một công nhân làm việc cùng khu lại được 7-8 triệu đồng.
Những giáo viên giỏi, có trình độ đào tạo đặc thù như tin học, ngoại ngữ cũng vì lương thấp mà xin chuyển sang khối trường tư thục hoặc nghề khác có lương cao gấp 3-4 lần mức lương giáo viên đang hưởng.
Trong khuyến cáo của UNESCO, mức lương hay chế độ đãi ngộ của Nhà nước với giáo viên là thể hiện sự nâng tầm vị thế nhà giáo, thước đo của đánh giá giữa những người lao động với nhau, mức tín nhiệm của giáo chức với xã hội.
Chất lượng giáo dục không đảm bảo
Việc thiếu giáo viên buộc ngành giáo dục và các địa phương đang phải khắc phục bằng cách dồn lớp; bố trí giáo viên dạy liên môn, liên cấp, liên trường, liên huyện; động viên giáo viên dạy tăng tiết, tăng buổi; hợp đồng giáo viên… Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của giáo viên mà còn chất lượng giảng dạy cho học sinh.
Cũng theo báo cáo “Tình hình nhân dân về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 – 2022”, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay, số lượng giáo viên biên chế ở cấp tiểu học, trung học phổ thông còn thiếu so với định mức quy định, nhất là ở cấp tiểu học.
Ở cấp trung học cơ sở, số lượng giáo viên cơ bản đủ, tuy nhiên còn tình trạng thừa thiếu cục bộ ở một số bộ môn như: Thừa giáo viên Toán, Ngữ văn; thiếu giáo viên môn Tin học, Công nghệ, Thể dục, Địa lý.
Đối với cấp trung học phổ thông: Thiếu giáo viên âm nhạc và mỹ thuật, thậm chí có địa phương chưa có giáo viên về 2 môn này.
Thêm vào đó, việc bố trí, sử dụng giáo viên dạy các môn “tích hợp”, môn học mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, nhất là môn Khoa học tự nhiên ở cấp trung học cơ sở năm 2018 gặp khó khăn do giáo viên các môn (Hóa học, Sinh học, Vật lý) chưa được bồi dưỡng để giảng dạy “tích hợp”.
Bên cạnh đó, người dân cũng quan tâm nhiều đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên để đáp ứng yêu cầu hiện nay; lương cơ bản của giáo viên hiện nay còn thấp chưa phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội theo kinh tế thị trường. Với những áp lực này, kể cả khi có chương trình mới, người dân lo ngại vẫn sẽ có giáo viên duy trì dạy theo kiểu cũ, tư duy cũ cho an toàn, hoặc nếu đổi mới cũng tập hợp lại thành tổ nhóm để “thiết kế nội dung”, rồi dạy rập khuôn.
Nhiều ý kiến còn bày tỏ lo ngại, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 khá nặng so với Chương trình 2006, trong khi một số giáo viên vẫn chưa thay đổi được thói quen truyền thụ kiến thức đơn thuần nên chưa tạo ra được những giờ học hiệu quả.
Cùng với tình trạng thiếu giáo viên, nhiều ý kiến nêu: Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa dùng trong cơ sở giáo dục và đào tạo nhưng thực tế vào đầu năm học một số trường học đưa danh mục bộ sách giáo khoa có sự không rõ ràng giữa sách giáo khoa và các tài liệu tham khảo, sách bài tập, dẫn đến chi phí mua sách đội lên rất nhiều; tình trạng giá sách giáo khoa nhiều thời điểm tăng cao, gây khó khăn, lãng phí tiền của nhân dân…
Trước thực tế này, các ý kiến đề nghị Quốc hội tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống văn bản Quy phạm pháp luật đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo nhằm đáp ứng với tình hình xã hội hiện nay; nghiên cứu và đưa ra chiến lược trong biên soạn sách giáo khoa, đảm bảo tính bền vững tương đối; không nên thay đổi thường xuyên vì gây lãng phí.
Đối với Chính phủ, sớm có giải pháp cơ cấu, sắp xếp đội ngũ giáo viên một cách hợp lý để giải quyết tình trạng vừa thừa, vừa thiếu nhà giáo trong một địa phương, một số cơ sở giáo dục. Thực hiện tinh giản biên chế đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Giải quyết những giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục yếu kém về chuyên môn, nghiệp vụ, tư tưởng chính trị, đạo đức, hạn chế về sức khỏe, tuổi cao, không còn đủ điều kiện đứng lớp và công tác trong ngành giáo dục theo các chế độ, chính sách hợp lý.
Phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, cần kiểm tra, đánh giá kỹ lưỡng chương trình, sách giáo khoa phổ thông trước khi đưa vào giảng dạy để đảm bảo chất lượng và tổ chức đánh giá trong quá trình thực hiện để hướng dẫn điều chỉnh cho phù hợp; tăng cường biên chế giáo viên cho các cở sở giáo dục để đảm bảo thực hiện tốt Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; quy định về định mức biên chế giáo viên cho các cơ sở giáo dục phổ thông để thay thế các quy định không còn phù hợp.