Ghi nhận tại xã Nhơn Lý, tỉnh Bình Định, từ sáng nay (31/3) mưa to kết hợp sóng lớn xuất hiện liên tục đánh thẳng vào bờ khiến khoảng gần 30 tàu, thuyền của bà con ngư dân đang neo đậu gần bờ bị chìm, mắc cạn. Ngay khi nhận được thông tin, xã điều các lực lượng xuống để hỗ trợ người dân. Trong thời điểm sóng lớn chính quyền không cho người dân ra ghe, thuyền, đồng thời huy động lực lượng để hỗ trợ trục vớt, tìm kiếm ghe, thuyền của người dân.
Hàng chục tàu thuyền của ngư dân bị sóng lớn đánh chìm |
Tại tỉnh Phú Yên, theo báo cáo sơ bộ, đến trưa ngày 31/3 trên địa bàn tỉnh đã có trên 50 tàu thuyền của ngư bị sóng đánh chìm, hư hỏng nặng. Trong đó, thiệt hại nặng nhất là ở thành phố Tuy Hòa và huyện Tuy An. Chỉ riêng xã An Phú (TP. Tuy Hòa, có trên 30 tàu cá bị đánh chìm. Tại huyện Tuy An, có ít nhất 20 tàu thuyền bị chìm. Mưa lớn cũng gây thiệt hại cho hơn 2000 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị trôi, hư hại. Hiện, chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng đang tích cực hỗ trợ ngư dân tìm kiếm ghe tàu bị sóng đánh trôi nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho ngư dân.
Theo tin từ huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên), mưa to, gió bất thường đã khiến các vùng biển neo đậu tàu thuyền của ngư dân ở xã An Hòa Hải và xã An Chấn xuất hiện sóng lớn, nhấn chìm nhiều tàu cá, gây thiệt hại nặng nề cho bà con. Các lực lượng chức năng đã được huy động từ sớm để hỗ trợ bà con tìm kiếm và cứu hộ tàu thuyền.
Vì không phải mùa mưa bão, sự việc xảy ra bất ngờ khiến ngư dân trở tay không kịp |
Tại tỉnh Khánh Hoà, hiện đã có 25 tàu thuyền của ngư dân hai xã Đại Lãnh, Vạn Long của huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa bị sóng đánh chìm, hư hỏng. Riêng xã Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh) có 13 tàu cá bị sóng đánh chìm. Vì tình hình thời tiết xấu nên việc cứu hộ, trục vớt các tàu thuyền gặp nhiều khó khăn.
Theo người dân địa phương, sự cố tàu thuyền bị đánh chìm lần này có phần bất ngờ vì đây không phải là mùa mưa bão. Mưa to, sóng lớn đánh liên tục khiến bà con trở tay không kịp.
Ngư dân cố gắng khắc phục sự cố, giảm thiệt hại thấp nhất có thể |
Tại tỉnh Quảng Ngãi, trước diễn biến thời tiết nguy hiểm, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi – ông Đặng Văn Minh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh triển khai ngay các biện pháp ứng phó với thời tiết nguy hiểm trên biển và mưa lớn.
Cụ thể, theo dõi chặt chẽ tình hình mưa từ bản tin dự báo, cảnh báo của cơ quan Khí tượng thủy ven để thông báo, thông tin kịp thời đến người dân trong khu vực nhằm chủ động ứng phó. Tổ chức kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, vùng trũng… để triển khai các phương án di dời dân khi có tình huống thiên tai xảy ra. Đồng thời có biện pháp bảo vệ các công trình hồ, đập thủy lợi đang triển khai thi công; lúa, hoa màu vụ đông xuân; khu vực nuôi trồng thủy sản…
Quản lý chặt chẽ việc ra biển hoạt động của các tàu, thuyền. Chủ động cấm tàu thuyền ra biển hoạt động, bao gồm cả tuyến vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại, khi vùng biển Quảng Ngãi có gió mạnh từ cấp 6 trở lên. Tổ chức các biện pháp đảm bảo an toàn cho tàu, thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản tại các khu neo đậu. Tuyệt đối không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè khi có sóng, gió lớn.