Đề thi xuất ngẫu nhiên câu hỏi từ ngân hàng đề
Thông tin trên được GS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố tại hội nghị trực tuyến Ban chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 với Ban chỉ đạo 63 tỉnh, thành phố được tổ chức vào sáng 20/6.
Theo GS.TS Huỳnh Văn Chương, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được tổ chức cơ bản giữ ổn định như giai đoạn 2020 - 2023. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo chung, các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương. Theo đó, các Hội đồng thi tổ chức coi thi trong các ngày 26, 27, 28 và 29/6/2024, chấm thi từ ngày 29/6/2024; công bố kết quả thi vào 8h00 ngày 17/7/2024, xét công nhận tốt nghiệp THPT ngày 19/7/2024.
Các Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức cho thí sinh thử đăng ký dự thi trực tuyến từ ngày 24/4 đến ngày 28/4 và đăng ký dự thi chính thức từ ngày 2/5/2024 đến 17giờ ngày 10/5/2024 theo hình thức trực tuyến và trực tiếp.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 có tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 1.071.393 (tăng hơn 45.000 thí sinh so với kỳ thi năm 2023). Trong đó, thí sinh tự do là 46.978 chiếm 4,38% tổng số thi sinh; thí sinh đăng ký trực tuyến là 1.014.020 chiếm 94,66% tổng số thí sinh; tổng số thí sinh đăng ký miễn thi Ngoại ngữ là 66.927 thí sinh chiếm 6,25% tổng số thí sinh, trong đó, Hà Nội có 21.554 thí sinh, TP Hồ Chí Minh có 13.076 thí sinh); toàn quốc có 2.323 (tăng 51 điểm thi so với kỳ thi năm 2023) với tổng số phòng thi là 45.149.
Hội nghị trực tuyến Ban chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 với Ban chỉ đạo 63 tỉnh, thành phố |
Về đề thi, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho biết, đến thời điểm này, đơn vị đã hoàn thành việc rà soát ma trận của 15 môn thi; rà soát, biên tập, hoàn thiện ngân hàng câu hỏi thi để phục vụ công tác ra đề thi; huy động đội ngũ với nhiều giáo viên từ các tỉnh, thành tham gia công tác ra đề thi.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành hướng dẫn quy trình ra đề thi bảo đảm xuất ngẫu nhiên các tổ hợp câu hỏi từ ngân hàng câu hỏi thi để thực hiện soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh đề thi, đáp án. Các mẫu biểu của mỗi khâu được rà soát hoàn thiện và thực hiện phân định rõ trách nhiệm của những người tham gia Hội đồng ra đề thi.
Để tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng triển khai xây dựng các hệ thống, phần mềm chấm thi thống nhất sử dụng trên toàn quốc trong nhiều năm. Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, phần mềm chấm thi trắc nghiệm được giữ ổn định như năm 2023. Tháng 4/2024, các phần mềm này đã được Công an phối hợp Cục quản lý chất lượng, Cục Công nghệ thông tin kiểm tra rà soát, đánh giá về an ninh, an toàn trước khi triển khai và đưa vào sử dụng trên phạm vi toàn quốc.
Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tổ chức thi
GS.TS Huỳnh Văn Chương cho biết, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các lãnh đạo các Vụ, Cục đã trực tiếp kiểm tra và làm việc với UBND tỉnh về công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Quảng Ngãi và Hậu Giang.
4 Đoàn công tác của lãnh đạo Bộ và Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại 10 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương trong khoảng thời gian từ ngày 8/6 đến ngày 18/6/2024 gồm: Lào Cai, Yên Bái, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đà Nẵng, Long An, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, TP. Hà Nội.
Hơn 1 triệu thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2024, gần 70.000 trường hợp được miễn thi Ngoại ngữ |
Qua kiểm tra nhận thấy các địa phương được kiểm tra đã chủ động trong công tác chuẩn bị cho kỳ thi, Tỉnh ủy đã có văn bản chỉ đạo, UBND cấp tỉnh có chỉ thị về công tác tổ chức kỳ thi từ đầu tháng 5/2024.
Các địa phương được kiểm tra đã sớm thành lập Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh với đầy đủ các thành phần theo quy định, huy động cả hệ thống chính trị, sở ban ngành của tỉnh vào cuộc, phân công nhiệm vụ cụ thể, chi tiết đến từng thành viên của Ban chỉ đạo cấp tỉnh, nhiều địa phương thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện và huy động các sở ban hành và cả hệ thống chính trị vào cuộc. Công tác truyền thông được đẩy mạnh, đặc biệt là việc tuyền truyền, phổ biến cho kỳ thi, đảm bảo kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Sở Giáo dục và Đào tạo đã chủ động chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm tổ chức coi thi, chấm thi theo đúng quy định, đảm bảo thuận lợi tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Đội ngũ cán bộ làm thi được huy động và tổ chức tập huấn đầy đủ, đảm bảo nắm vững quy chế trước khi bố trí tham gia thực hiện các khâu của kỳ thi, đặc biệt cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra phải được tập huấn và đánh giá đạt yêu cầu mới bố trí làm nhiệm vụ.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế như một số địa phương chưa thực hiện thử nghiệm phương án xử lý tình huống bất khả kháng ở từng khâu với các đối tượng liên quan tổ chức kỳ thi (ví dụ như cấp điện, phòng cháy chữa cháy…) và chưa có giải pháp dự phòng cụ thể về nhân lực, trang thiết bị, do còn thời gian chuẩn bị đến ngày thi.
Một số phòng thi còn tiếp giáp với đường hoặc khu dân cư nên cần chú trọng tăng cường an ninh an toàn vòng ngoài. Điều kiện cơ sở vật chất khu vực phục vụ in sao đề thi tại một số địa phương còn gặp khó khăn hạn chế về không gian ăn ở cho đội ngũ in sao đề thi. Công tác đăng ký dự thi, trong quá trình kiểm tra, chỉnh sửa, duyệt hồ sơ của thí sinh, một số địa phương còn để xảy ra tình trạng chậm duyệt so với lịch công tác...
Cục trưởng Huỳnh Văn Chương cho biết, Ban Chỉ đạo cấp quốc gia tiếp tục tổ chức các đoàn việc với các địa phương về công tác chuẩn bị tổ chức thi, công tác coi thi và chấm thi.