Từ TP. Vinh (Nghệ An) ngược theo quốc lộ 46 chừng 12km, rẽ trái vào cổng làng Mậu Tài, đi thêm khoảng gần 800m sẽ đến xóm Sen 2, nơi có 4 hộ gia đình làm homestay. Xóm Sen 2 hiện lên trong tầm mắt, sắc hồng của hoa sen chen lẫn lá xanh trong đầm làm dịu mát cả không gian ban trưa. Đi vào bên trong khu vườn của những hộ gia đình làm homestay, cả một khung cảnh xanh mướt mát với các loại cây ăn trái như bưởi, cam, chuối, rồi rau, cà, mướp… uốn quanh làng là những bờ rào xanh mạn hảo được cắt tỉa đều tăm tắp… tất cả như đang chờ đón du khách.
Nhiều năm qua, chính quyền cùng bà con Kim Liên cải tạo ao hồ hoang hóa phát triển mô hình trồng sen tạo ra sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân. |
Tại khu vườn của 4 gia đình làm homestay ở liền kế nhau, chúng tôi ngỡ ngàng bởi những khuôn vườn đẹp, yên bình đến lạ kỳ. Gặp bà Nguyễn Thị Liêm ngay tại cổng nhà, bà đon đả chào khách. Khi được hỏi về ý tưởng làm Homestay trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà Liêm nói, “chồng bà là ông Nguyễn Sinh Lạc (tổ trưởng tổ làm du lịch Homestay) mới là người có ý tưởng nhưng hôm nay ông đi vắng…”.
Tiếp chúng tôi bà Liêm vui vẻ kể lại, năm 2019, toàn xã Kim Liên có 10 gia đình được chọn để Hội Làm vườn của tỉnh giúp làm những khu vườn mẫu. Nhưng sau đó chỉ 4 hộ gia đình được đánh giá đạt chuẩn, tiếp tục được chính quyền huyện Nam Đàn và xã Kim Liên chọn làm mô hình du lịch cộng đồng. Đến tháng 6/2020 thì thành lập Tổ hợp tác dịch vụ du lịch cộng đồng - bầu chọn ông Lạc làm tổ trưởng.
Một thời gian sau, các thành viên được ngành du lịch tập huấn, đi tham quan cách làm 'homestay' của những người dân ở tận Quảng Bình và Huế. Sau những chuyến tham quan, dựa vào cơ sở vật chất nhà ở đã có sẵn, 4 hộ mạnh dạn đầu tư kinh phí cải tạo nên những phòng nghỉ, đủ điều kiện cho khách du lịch lưu trú. Hiện cả 4 gia đình đã có được trên 10 phòng nghỉ, có thể làm nơi nghỉ cho những hộ gia đình, hoặc đoàn khách trên 30 người...
Từng con đường, ngõ hẻm ở các cụm dân cư xã Kim Liên đều phong quang, sạch đẹp và nhiều cây xanh. |
Nói đoạn, bà dẫn chúng tôi qua nhà ông Nguyễn Sinh Chung (SN 1970) - hiện là cán bộ Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên – Nam Đàn, là 1 trong 4 người đầu tiên xung phong tham gia vào tổ liên gia thí điểm mô hình 'homestay' trên quê Bác. Dù là một mô hình mới mẻ, nhưng ông Chung cho hay: “Tôi được UBND huyện tập huấn nên cơ bản hình dung được hình thức tổ chức dịch vụ lưu trú này. Khu vườn của gia đình trước đó đã được công nhận là vườn mẫu, nên là lợi thế để tôi mở 'homestay' thu hút du khách...”.
Chia sẻ với chúng tôi về mô hình mới này, ông Chung nói, hai năm nay khi mở homestay do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên lượng du khách về quê Bác giảm so với những năm trước. Tuy nhiên, vào những thời điểm dịch bệnh được khống chế, quê Bác vẫn đón các đoàn khách về tham quan. Nhu cầu khách ở lại lưu trú khá cao. Vì vậy, ông đã có đề xuất địa phương cho mở rộng thêm dịch vụ phụ trợ.
Cũng theo ông Chung, các thành viên của tổ đã lên kế hoạch để sẵn sàng đón khách. Bởi khi khách có ý định lưu trú một vài ngày ở quê Bác thì ngoài cần chỗ nghỉ ngơi, sẽ có nhu cầu ăn uống, tham quan nên phải có sự chuẩn bị thật kỹ lưỡng từ nhu cầu của khách.
Ông Chung chia sẻ, với chúng tôi, làm 'Homestay' không chỉ để kinh doanh và hơn thế nữa để bà con thập phương thêm một địa chỉ khi về tìm về thời ấu thơ của Người… |
Ông Vương Hồng Minh – năm nay cũng đã ngoài 70 nhưng chưa có khái niệm nghỉ ngơi, ông cũng tham gia mở homestay và xây dựng khu vườn kiểu mẫu. Ông bảo, làm cho vui, cho đẹp thôn xóm. "Tôi nghĩ rằng, học tập Bác là học từ những điều đơn giản, dung dị nhất, trong lao động sản xuất, làm việc có mục tiêu. Ngày trước, Bác dành cả cuộc đời vì độc lập, tự do cho đất nước. Còn mình thì phấn đấu vì cuộc sống bản thân, gia đình được ấm no, hạnh phúc và làm thế nào để đẹp nhà, đẹp cảnh, đẹp quê hương..”, người cựu binh già tâm sự.
Du khách về làng Sen ngoài nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi thì sinh hoạt, ăn uống cũng là một trong những yếu tố cần để níu chân khách. Chia sẻ điều này, bà Nguyễn Thị Liêm nói: "Khách cần phục vụ, các hộ gia đình chế biến những món ăn đậm chất quê hương Nam Đàn, những rau củ, quả, trái ngọt lành hái từ vườn nhà. Còn nếu khách muốn tự chế biến, gia đình sẽ cung cấp đầy đủ thực phẩm, cùng các dụng cụ để chế biến… Ngoài ra, các gia đình sắm khá nhiều xe đạp để du khách được thăm thú các nơi, và các thành viên sẽ như những hướng dẫn viên du lịch, giới thiệu về lịch sử – văn hóa, về các di tích tâm linh và phong cảnh Kim Liên, chụp ảnh check- in khắp cánh đồng sen, hoà mình cùng thiên nhiên yên bình trên quê Bác…”.
Bà Nguyễn Thị Liêm (vợ ông Nguyễn Sinh Lạc) cho biết, khách cần phục vụ, các hộ gia đình chế biến những món ăn đậm chất quê hương Nam Đàn, những rau củ, quả, trái ngọt lành hái từ vườn nhà |
Bên cạnh những di tích nổi tiếng như nhà quê Nội, quê Ngoại, hay đền Chung Sơn… nơi đây còn có những di tích gắn liền với tuổi thơ của Bác Hồ và nhiều điểm làng quê Kim Liên rất hấp dẫn, như ao sen, đồng lúa chín vàng thẳng cánh cò bay, những khu vườn cổ… hẳn du khách sẽ rất thú vị. Khi màn đêm buông xuống, sẽ có những đội văn nghệ dân ca ví, giặm phục vụ du khách ngay cạnh nhà văn hóa xóm...
Trả lời câu hỏi: Làm kinh doanh sẽ phải tính đến lợi nhuận, vậy gia đình ông Chung và các hộ còn lại đã tính toán hết hay chưa…? ông Chung nói: “Chúng tôi tự hào khi được chọn đại diện cho hàng nghìn hộ dân Kim Liên thực nghiệm mô hình. Còn về việc kinh phí mở homestay thì các gia đình đang tận dụng nâng cấp từ căn nhà mình mở, mua sắm thêm một số thứ cần dùng cho khách, đầu tư ban đầu đều là các gia đình tự bỏ nên cũng chưa tính toán hết. Về lâu về dài để chuyên nghiệp hơn trong tất cả các khâu thì cần có "bàn tay nối dài" từ các cấp chính quyền cũng như các doanh nghiệp du lịch để kết nối. Trong thâm tâm chúng tôi, bắt tay làm du lịch cộng đồng cốt yếu là muốn tỏ tấm chân tình của người dân quê Bác đến với du khách. Giúp cho du khách có được niềm vui trọn vẹn khi họ muốn dừng chân lâu hơn, trải nghiệm một lần làm người làm dân quê Bác mà thôi…”.