Ảnh minh họa |
Dự thảo Luật trình Quốc hội lần này đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung quan trọng, trong đó hoàn chỉnh thêm một bước các quy định về tự chủ đại học nhằm bảo đảm thực thi có hiệu quả quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học.
Minh bạch quyền tự chủ
Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng làm rõ khái niệm tự chủ là quyền được tự xác định mục tiêu, lựa chọn cách thức thực hiện mục tiêu; tự quyết định, có trách nhiệm giải trình về các hoạt động chuyên môn, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, các hoạt động khác trên cơ sở quy định của pháp luật và năng lực của cơ sở giáo dục đại học.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, dự thảo Luật chỉnh sửa nội dung Điều 32 về quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học theo hướng nêu rõ các điều kiện để được tự chủ; cụ thể hóa các nội dung tự chủ về chuyên môn học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản cũng như chi tiết hóa nội dung về trách nhiệm giải trình và yêu cầu đặt ra đối với cơ sở giáo dục đại học khi thực hiện tự chủ.
Dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng quy định rõ khái niệm về trách nhiệm giải trình; quy định cụ thể các nội dung nhà trường phải công khai, minh bạch với người học, xã hội, cơ quan quản lý và các bên có lợi ích liên quan, đặc biệt là trách nhiệm thực hiện kiểm toán độc lập về tài chính, thực hiện công khai về chất lượng, công khai mức học phí, các khoản thu dịch vụ của nhà trường, cũng như chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu không thực hiện các quy định, cam kết bảo đảm chất lượng đào tạo.
Dự thảo Luật quy định, để được giao quyền tự chủ nhà trường phải đạt kiểm định của một tổ chức kiểm định được Nhà nước công nhận.
Ghi nhận những chỉnh lý về nội dung này, song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, dự thảo Luật phải phân định rõ, minh bạch quyền tự chủ một cách đầy đủ đối với những cơ sở giáo dục đại học công lập có đủ điều kiện và các cơ sở giáo dục đại học công lập chưa đủ điều kiện. Bên cạnh đó, cần làm rõ hơn quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học tư thục.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, mô hình đại học quốc gia, đại học vùng tiếp tục khẳng định trong dự thảo Luật nhưng chưa có quy định cụ thể về quyền tự chủ của các trường đại học, khoa, viện, trung tâm là thành viên đại học quốc gia và thành viên của đại học vùng. Vướng mắc lớn trong mô hình đại học quốc gia, đại học vùng chính là quan hệ pháp lý và quyền tự chủ của các trường, viện thành viên.
“Thực tế, ngay trong hai Đại học Quốc gia thì những trường thành viên cũng cảm thấy chưa được tự chủ. Vì vậy, mối quan hệ giữa trường thành viên với Đại học Quốc gia, thành viên đại học vùng cũng phải quy định rõ trong Luật này,” Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Nâng cao vai trò, năng lực của Hội đồng trường
Coi tự chủ đại học là cần thiết và phù hợp với xu thế chung, đồng thời cũng là nội dung then chốt cần giải quyết triệt để, nhiều ý kiến cho rằng, đi đôi với mở rộng tự chủ là tăng cường trách nhiệm giải trình, đổi mới quản trị cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là nâng cao vai trò, năng lực của Hội đồng trường.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã được chỉnh lý thống nhất về tên gọi Hội đồng trường ở cả trường công lập và tư thục; phân biệt Hội đồng trường với Hội đồng đại học.
Hội đồng trường thực hiện quản trị nhà trường thông qua các trách nhiệm, quyền hạn được quy định cụ thể. Hiệu trưởng thực thi quyền quản lý, điều hành nhà trường trên cơ sở quy định pháp luật và theo các nghị quyết của Hội đồng trường, chịu sự giám sát của cơ quan này. Các nội dung về nhiệm kỳ, nguyên tắc làm việc, cơ cấu và tỷ lệ thành viên Hội đồng trường; tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng trường, cũng như yêu cầu về điều kiện bảo đảm hoạt động của Hội đồng trường, quyền hạn, trách nhiệm cụ thể của Hiệu trưởng... đều đã được đề cập rất chi tiết, cụ thể, phù hợp với tính chất của từng loại hình trường.
Để tạo điều kiện thu hút nhiều ứng viên có năng lực, tâm huyết tham gia quản trị, quản lý cơ sở giáo dục đại học, dự thảo Luật không quy định chi tiết về tiêu chuẩn, độ tuổi, số nhiệm kỳ liên tiếp của các chức danh Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng mà giao cho trường tự chủ quyết định theo quy chế tổ chức và hoạt động trên cơ sở phù hợp với quy định chung của pháp luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa hội đồng trường với nhiệm vụ, quyền hạn, chức năng của ban giám hiệu nhà trường và hiệu trưởng. Ví dụ, Điều 16 của dự thảo Luật quy định Hội đồng trường có 11 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn như quyết định chiến lược, kế hoạch phát triển trường, chính sách tuyển sinh, mở ngành đào tạo, liên kết đào tạo, hợp tác quốc tế, quy định cơ cấu, tổ chức bộ máy…
“Nhưng đi vào thực tế thì như thế nào? Trong bộ máy của Đại học Quốc gia có các trường thành viên; trong trường thành viên lại có các viện, trung tâm, khoa, bộ môn, thư viện… Liệu có phải tất cả bộ máy này đều do Hội đồng trường quyết định hay không? Nếu không, thì phải quy định cụ thể trong luật. Nếu không làm rõ được chỗ này thì rất khó trong vấn đề tự chủ, tự quản, chưa nói đến quản trị, điều hành,” Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Trước việc dự thảo Luật quy định nhiều quyền cho Hội đồng trường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, liệu có biến cơ quan này thành cơ quan quyền lực, biến Hội đồng trường thành cơ quan quản lý, trong khi không làm rõ được vị trí, vai trò, quyền hạn và trách nhiệm của hiệu trưởng hay không? Bên cạnh đó, khi Hội đồng trường quá nhiều quyền thì sẽ không làm rõ được vai trò đại diện pháp luật của Hiệu trưởng.
Theo Chủ tịch Quốc hội, dự thảo Luật cần có những quy định rõ ràng, hài hòa để vừa bảo đảm thực quyền của Hội đồng trường, song cũng bảo đảm quyền và trách nhiệm của hiệu trưởng trong quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.
Có ý kiến cho rằng, để Hội đồng trường hoạt động đúng nghĩa, bảo đảm chất lượng, dự thảo Luật cần quy định rõ cơ cấu; các thành viên, kể cả các thành viên độc lập cần được trả lương; công khai danh sách thành viên Hội đồng trường trên website của nhà trường như là một yêu cầu bắt buộc; đồng thời, đưa chất lượng của thành viên Hội đồng trường như là một tiêu chí để xếp hạng các trường Đại học và là tiêu chí kiểm định chất lượng.