Chiều ngày 15/5, tại Nhà Quốc hội, Đoàn Giám sát phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo “Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) - Những vấn đề đặt ra và giải pháp”.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi phát biểu tại Hội thảo |
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi nhấn mạnh: Quy hoạch điện VIII là văn bản pháp lý quan trọng với mục tiêu đáp ứng đầy đủ điện năng trong mọi tình huống cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng của đất nước và là cơ sở tài liệu để các cơ quan quản lý nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước, các tổ chức và cá nhân liên quan nghiên cứu, phối hợp, tổ chức triển khai thực hiện để phát triển ngành điện lực Việt Nam.
Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự thảo và nhiều lần báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương phê duyệt Quy hoạch điện VIII. Đến nay, dự thảo Quy hoạch điện VIII đã được hoàn thiện cơ bản và đang được Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Qua nghiên cứu sơ bộ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, dự thảo đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Kết luận số 45-KL/TW ngày 17/11/2022 của Hội nghị Trung ương VI khóa XIII về Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Luật Điện lực năm 2004; Luật Điện lực sửa đổi số 24/2012/QH12 ngày 20/11/2012; Luật Quy hoạch số 21/17/QH14 ngày 26/12/2017; Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 9/01/2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ông Tạ Đình Thi nêu rõ, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đoàn giám sát là xem xét việc lập, trình phê duyệt và các nội dung cơ bản của Quy hoạch điện VIII để kịp thời phát hiện những hạn chế, bất cập và nguyên nhân; đồng thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp để khắc phục và hoàn thiện dự thảo Quy hoạch, ban hành và tổ chức thực hiện theo quy định, rút ra bài học kinh nghiệm từ quá trình thực hiện quy hoạch trước đây, bảo đảm Quy hoạch điện VIII thật sự thiết thực, khả thi.
Những ý kiến phát biểu, thảo luận, chia sẻ của các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý tại Hội thảo sẽ là nguồn thông tin, tư liệu quý giá đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội Việt Nam và Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phát triển năng lượng, đối với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, các đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo luật định.