Hội thao Quân sự Quốc tế - Army Games 2022 |
Mục đích chính của Hội thao quân sự quốc tế Army Games là góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa quân đội các nước tham gia.
Army Games đang trở thành sự kiện quân sự quốc tế thường niên nhận được sự quan tâm của quân đội nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh: TASS. |
Sáng kiến Army Games
Army Games đang trở thành một sân chơi giao lưu hữu ích, tạo cơ hội để quân đội các nước học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm; thể hiện trình độ, năng lực, bản lĩnh trong tác chiến, diễn tập. Army Games cũng được xây dựng như biểu tượng của tinh thần hòa bình, hữu nghị; là cơ hội cho các quốc gia thể hiện bản sắc dân tộc và giáo dục lòng yêu nước cho giới trẻ, nâng cao vị thế của quân đội các nước. Là quốc gia sáng lập, Nga hiện vẫn giữ vai trò nhà tổ chức chính của các kỳ Army Games, dù quy mô của hội thao đang ngày được mở rộng tổ chức tại nhiều quốc gia khác nhau.
Hội thao quân sự quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại Liên bang Nga từ ngày 1 đến 15-8-2015 với sự tham dự của 57 đội tuyển từ 17 quốc gia gồm: Azerbaijan, Angola, Armenia, Belarus, Venezuela, Ai Cập, Ấn Độ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Trung Quốc, Kuwait, Mông Cổ, Nicaragua, Pakistan, Nga, Serbia và Tajikistan. Kết thúc hội thao, đoàn Liên bang Nga đứng vị trí thứ nhất, tiếp theo là Trung Quốc và Belarus.
Xe tăng hành tiến luôn là nội dung được quan tâm nhất trong các kỳ Army Games |
Các kỳ Army Games lần thứ 2 và 3 sau đó tổ chức trong các năm 2016 và 2017 liên tục được mở rộng quy mô về số lượng các quốc gia tham gia và các nội dung thi đấu. Kỳ Army Games lần thứ 3 cũng giúp định hình các nội dung thi đấu chính của các kỳ hội thao sau này như: Tank biathlon (tạm dịch: Xe tăng hành tiến); cuộc tấn công của Suvorov; Aviadarts; môi trường an toàn; đại đội không vận; bầu trời quang đãng; bậc thầy hỏa khí; bắn tỉa; pháo thủ giỏi; thợ săn đại bàng; chiến binh Khối thịnh vượng chung (SNG) và vương miện biển cả…
Kỳ Army Games lần thứ 4 tổ chức năm 2018 đánh dấu không chỉ về sự mở rộng quy mô lớn các quốc gia tham dự với 181 đội, đến từ 32 quốc gia tranh tài ở 28 môn thi; tổ chức trên lãnh thổ 7 quốc gia (Armenia, Azerbaijan, Belarus, Kazakhstan, Iran, Nga và Trung Quốc), mà còn là năm đầu tiên, các đội tuyển của Việt Nam tham dự.
Các đội tuyển Việt Nam đã dự thi các nội dung: Bếp dã chiến, tiếp sức quân y và Tank biathlon. Dù kết quả đạt được còn khiêm tốn ở lần đầu tham dự, nhưng đánh dấu sự trưởng thành của “Bộ đội Cụ Hồ” trên trường quốc tế. Ở nội dung Tank biathlon, dù lần đầu tham dự, đội tuyển của Việt Nam đã đứng vị trí 17/22 đội tham dự.
Kỳ Army Games lần thứ 5 tổ chức năm 2019 tiếp tục được mở rộng về quy mô với 39 quốc gia tham dự. Đội tuyển các quốc gia tranh tài ở 30 nội dung thi đấu diễn ra tại các thao trường ở 10 quốc gia: Nga, Azerbaijan, Armenia, Belarus, Iran, Ấn Độ, Trung Quốc, Kazakhstan, Mông Cổ và Uzbekistan. Đội tuyển Việt Nam dự Army Games 2019 tham gia các nội dung thi: Xe tăng; bếp dã chiến; công binh; lộ trình an toàn; cứu hộ-cứu nạn; hóa học; bắn tỉa và quân y.
Liên quan tới Army Games, vì sức ảnh hưởng của hội thao quân sự này, trong năm 2018, Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga đã phát hành tiền xu mệnh giá 25 rúp với chủ đề Hội thao quân sự quốc tế.
Army Games 2022 có gì đặc biệt?
Army Games 2022 do Bộ Quốc phòng Liên bang Nga chủ trì đánh dấu lần thứ 5 Quân đội nhân dân Việt Nam cử lực lượng tham gia với các môn thi đấu chính thức gồm: Xe tăng hành tiến; Đội quân văn hóa; Đột phá đặc biệt; Kinh tuyến; Tiếp sức quân y; Kỹ năng thành thục; Xạ thủ chiến thuật; Môi trường an toàn và Bếp dã chiến. Đặc biệt, nội dung Vùng tai nạn được tổ chức tại Việt Nam.
Thông tin về các hoạt động của Hội thao Quân sự quốc tế Army Games 2022, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cho biết, tham gia kỳ hội thao năm nay có hơn 270 đội tuyển thuộc 37 quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, có 2 quốc gia lần đầu tiên cử các đội tuyển tham gia hội thao là Niger và Rwanda. Hội thao năm nay gồm 34 nội dung thi đấu tổ chức trên lãnh thổ 12 quốc gia
Một thông tin mới khác liên quan tới Army Games 2022 là nội dung Xạ thủ bắn tỉa lần đầu tiên được tổ chức tại Venezuela. Trong năm 2022, một lần nữa hai sự kiện Diễn đàn Quân sự quốc tế Army Forum 2022 sẽ được tổ chức đồng thời cùng Army Games 2022 tại Công viên Patriot, ngoại vi Thủ đô Moscow. Tại diễn đàn, các mẫu vũ khí, khí tài quân sự hiện đại nhất của Nga sẽ được trưng bày và trình diễn bắn đạn thật.
Ông Sergey Shoigu nhấn mạnh, các kỳ Army Games đã minh chứng được hiệu quả không chỉ đối với quân đội Nga, mà còn các quốc gia tham dự.
“Army Games góp phần mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực, trong đó có hợp tác quốc phòng; thiết lập và duy trì các kênh đối thoại hữu nghị với các quốc gia trên thế giới trong nhiều vấn đề cùng quan tâm”, Bộ trưởng Quốc phòng Nga cho biết.