Hội thảo khoa học cấp quốc gia về giải pháp khoa học kỹ thuật và phát triển kinh tế - xã hội hướng đến phát triển bền vững |
Hội thảo khoa học “Sáng tạo khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam” do Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức. Kiện với sự tham dự của hơn 300 chuyên gia, nhà khoa học hiện đang công tác tại các cơ quản lý, viện nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng và các hội khoa học và kỹ thuật của các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Hội thảo khoa học “Sáng tạo khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam” nhằm tổng kết công tác tổ chức Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) và Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc. Đồng thời, đánh giá việc trao giải thưởng và quy mô ứng dụng của các công trình, giải pháp đoạt giải vào sản xuất và đời sống.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Quỹ VIFOTEC khẳng định: “Với sứ mệnh là cơ quan thường trực, trong 30 năm xây dựng và trưởng thành Quỹ VIFOTEC đã hỗ trợ và tôn vinh các nhà sáng tạo, các nhà khoa học thông qua việc tổ chức thành công 27 lần Giải thưởng Sáng tạo Kkhoa học công nghệ Việt Nam, 16 lần Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc. Theo đó, đã có hàng nghìn công trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học quan trọng được triển khai trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội và lĩnh vực an ninh - quốc phòng, đóng góp ngày càng quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước”.
TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo |
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chế độ, chính sách nhằm phát triển khoa học và công nghệ, đẩy mạnh việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ, góp phần thành và phát triển thị trường công nghệ, cụ thể như: Luật Khoa học và Công nghệ 2013; Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khoa học và Công nghệ; Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi, bổ sung một số điều ban hành ngày 16/6/2022; Nghị định 54/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ dân lập,v.v.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang cho biết: “Việc tổ chức giải thưởng và hội thi đã đáp ứng được nhu cầu của sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đồng thời giải thưởng không chỉ dành cho các nhà khoa học mà còn dành cho mọi người dân, mở rộng sân chơi cho các nhà doanh nghiệp”.
Phát biểu tại hội thảo ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo trung ương cho biết, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã luôn khẳng định giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu, là nền tảng là động lực và chìa khóa để tiến vào thời kỳ mới. Đại hội XIII (13) của Đảng nêu rõ chủ trương “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo” trong đó đội ngũ trí thức nước nhà có vai trò hết sức quan trọng”.
Ông Trần Thanh Lâm khẳng định đội ngũ trí thức có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước |
Ông Trần Thanh Lâm cũng nhấn mạnh, các nhà công nghệ phải đề cao trách nhiệm, phát huy sự tìm tòi, sáng tạo trong nghiên cứu tạo ra các công nghệ mới về năng lượng, vật liệu, sinh học, môi trường, y tế… gắn nghiên cứu với ứng dụng vào thực tiễn, đặc biệt là góp phần nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đất nước cũng như thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đưa khoa học công nghệ về phát triển vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, để người dân có thể áp dụng vào đời sống, nâng cao chất lượng cuộc sống vào sản xuất, làm ra nhiều sản phẩm và của cải cho gia đình và xã hội.
“Những cơ chế, chính sách, điều kiện gì để thực hiện được tốt hơn nhiệm vụ này, trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình, chúng tôi sẽ làm hết sức mình để góp phần cùng các đồng chí thực hiện tốt yêu cầu, nhiệm vụ nói trên”, ông Trần Thanh Lâm khẳng định.
Bắt đầu từ năm 1995, đến nay sau 27 năm đã có 2.914 công trình tham dự giải và 983 công trình đoạt giải thưởng, đem lại hiệu quả rất to lớn cho nhiều lĩnh kinh tế - xã hội khác nhau. Trong đó chỉ tính riêng giai đoạn 2011-2021 đã có 29 công trình được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới tặng Huy chương vàng WIPO cho những công trình xuất sắc nhất, có đăng ký sở hữu trí tuệ với Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Giải thưởng VIFOTEC đã tập trung vào các lĩnh vực khoa học công nghệ trọng điểm của Nhà nước như: Sinh học phục vụ sản xuất và đời sống; công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; cơ khí và tự động hóa; công nghệ vật liệu; công nghệ nhằm phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới.
Các công trình khoa học tham dự Giải thưởng là những kết quả đã được đánh giá nghiệm thu của các đề tài, dự án thuộc các chương trình khoa học công nghệ cấp nhà nước và cấp bộ, ngành, địa phương, các đề tài, dự án giải quyết các vấn đề khoa học công nghệ trong sản xuất của các doanh nghiệp nhằm tạo ra sức cạnh tranh của sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường, cải thiện điều kiện lao động, tăng tỷ lệ xuất khẩu và giảm chi phí nhập khẩu...
Trong các đơn vị tích cực tham gia và nhận được nhiều giải thưởng phải kể đến Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (Bộ Quốc phòng), Công ty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển đô thị Bà Rịa - Vũng tàu (BUSADCO), Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học - Phân bón (FITOHOOCMON), các đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam... các đơn vị này đã đoạt được tất cả các giải nhất, nhì, ba, khuyến khích và cả giải WIPO (giải WIPO cho công trình xuất sắc nhất).
Trong khi đó, Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc đã trải qua 32 năm (1989 - 2021) với 16 lần tổ chức (2 năm/1 lần). Hội thi với 6 lĩnh vực: Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; Cơ khí tự động hóa, xây dựng, giao thông vận tải;Vật liệu, hóa chất, năng lượng; Nông,lâm, ngư nghiệp, tài nguyên môi trường; y, dược; giáo dục và đào tạo.
Đến nay đã có 6.819 giải pháp dự thi và 988 giải pháp được trao giải. Các giải pháp đoạt giải đã được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống, giải quyết các yêu cầu của thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.
Hội thảo đã chia sẻ những kinh nghiệm triển khai và ứng dụng có hiệu quả của các công trình đoạt giải và sau khi đoạt giải vào thực tiễn. Đồng thời tìm ra những khó khăn vướng mắc trong hoạt động khoa học công nghệ.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang khẳng định: Những ý kiến đóng góp, chia sẻ của các nhà khoa học tại hội nghị này sẽ được Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp thu và trình Chính phủ để có thể ban hành những chính sách phù hợp tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của thị trường khoa học công nghệ ở Việt Nam. Đồng thời, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ hỗ trợ kinh phí để triển khai các công trình đoạt giải thưởng có nhiều ứng dụng mang lại hiệu quả cao trong sản xuất và đời sống thông qua Quỹ VIFOTEC.