Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Hội nghị
CôngThương - Hội nghị được chủ trì bởi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và có sự tham dự của Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng và đại diện các bộ ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, sau 5 năm gia nhập WTO, Việt Nam đã hội nhập sâu và toàn diện, đã góp phần to lớn vào thành quả chung của đất nước.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng: Nghị quyết 08-NQ/TW và Nghị quyết 16/2007/NQ-CP đã nhận định về những cơ hội, thách thức của việc gia nhập WTO và mối quan hệ tác động qua lại, có thể chuyển hóa lẫn nhau, vẫn còn nguyên giá trị trong bối cảnh hiện nay. Việc thực hiện các nhóm nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết đã tạo sự chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt. |
Kết quả nổi bật
Triển khai Nghị quyết 08-NQ/TW, Chính phủ đã có Nghị quyết 16/2007/NQ-CP ban hành Chương trình hành động về một số chủ trương, chính sách lớn để kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên WTO. Theo đó, Chính phủ cụ thể hóa Nghị quyết 08-NQ/TW bằng 12 mục tiêu cơ bản. Đến nay, sau 5 thực hiện, lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế đạt được những kết quả to lớn và toàn diện. Cụ thể:
Thứ nhất, thông qua nhiều biện pháp tuyên truyền chủ động và tích cực đã nâng cao nhận thức toàn xã hội về hội nhập kinh tế quốc tế, cơ hội và thách thức của hội nhập, từ đó tạo được sự đồng thuận về việc gia nhập WTO là đúng đắn.
Thứ hai, bổ sung, hoàn thiện thể chế kinh tế phù hợp với nguyên tắc, quy định WTO với hệ thống pháp luật đầy đủ và đồng bộ.
Thứ ba, xây dựng và phát triển đồng các yếu tố của nền kinh tế thị trường như thị trường lao động, thị trường bất động sản, thị trường tài chính, thị trường khoa học – công nghệ.
Thứ tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đã tạo hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ năm, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm, qua đó đã tận dụng tốt hơn cơ hội do việc gia nhập WTO mang lại, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, lao động và đầu tư ra thị trường thế giới.
Thứ sáu, bổ sung nguồn lực và tăng cường chỉ đạo cho phát triển nông nghiệp, nông thôn với nhiều chính sách mới được ban hành để khơi dậy tiềm năng khu vực kinh tế và dân cư quan trọng này.
Thứ bảy, giải quyết được các vấn đề xã hội nảy sinh trong quá trình hội nhập, đảm bảo an sinh xã hội, trong đó nổi bật các chương trình giảm nghèo hiệu quả.
Thứ tám, đã có chính sách nhằm bảo vệ những giá trị văn hóa dân tộc, theo đó lĩnh vực này đã có những hoạt động ấn tượng, nhiều di sản được thế giới công nhận.
Thứ chín, giải quyết tốt các vấn đề môi trường trong quá trình phát triển với nhiều cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường được xây dựng.
Thứ mười, giữ vững và tăng cường an ninh, quốc phòng trong quá trình hội nhập, qua đó góp phần giữ vững ổn định chính trị, tạo cơ sở quan trọng cho phát triển, nâng cao sức mạnh bảo vệ Tổ quốc.
Cuối cùng là hoàn thiện thiết chế dân chủ, xây dựng nhà nước pháp quyền, qua đó khắc phục được tình trạng mất dân chủ, giữ gìn kỷ cương trong xã hội.
Những định hướng lớn
Trong thời gian tới, nhiệm vụ đặt ra đối với công tác hội nhập quốc tế rất nặng nề, phục vụ cho mục tiêu đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, phát triển kinh tế cùng với phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường.
Thủ tướng Nguyến Tấn Dũng chỉ đạo, hội nhập kinh tế quốc tế phải nhất quán chủ trường tích cực và theo quan điểm xây dựng nền kinh tế độc lập ngày càng cao trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng. Theo đó, hội nhập kinh tế quốc tế cần đặt trong bối cảnh thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020. Tiếp tục quán triệt nhận thức về hội nhập kinh tế quốc tế, là sự nghiệp toàn dân. Hội nhập kinh tế quốc tế phải gắn kết hơn nữa với quá trình đổi mới kinh tế - xã hội trong nước, góp phần cải thiện đáng kể năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo tiền đề cho sự phát triển giai đoạn sau; đóng vai trò trọng tâm và đặt trong mối quan hệ hài hòa với hội nhập các lĩnh vực khác, tạo điều kiện thúc đẩy hội nhập cũng như hợp tác các lĩnh vực khác. Bên cạnh đó, hội nhập kinh tế quốc tế phải góp phần thúc đẩy hợp tác song phương, khu vực và đa phương, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, chủ động xây dựng các quan hệ đối tác mới.
Tiếp sau hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao cho Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành khác tiếp thu các ý kiến đóng góp để sớm hoàn thiện báo cáo tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW và kết quả 5 năm gia nhập WTO.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng phát biểu tại hội nghị
Lãnh đạo Bộ Công Thương tham dự hội nghị
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan và nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đến tham dự và có bài tham luận
Đông đảo đại biểu các bộ ngành, địa phương và đại diện cộng đồng doanh nghiệp