Tôi thật may mắn và vinh dự khi được lãnh đạo tòa soạn phân công trong nhóm phóng viên tác nghiệp tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai. Đây là cuộc gặp vô cùng đặc biệt của hai nhà lãnh đạo Kim Jung Un và Donal Trump. Bởi sau những cuộc thảo luận khá tích cực tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất diễn ra tại Singapore, cuộc gặp lần thứ hai tại Hà Nội được giới truyền thông và người dân đặt nhiều kỳ vọng về một hiệp ước hòa bình. Hà Nội vào thời điểm đó đã trở thành tâm điểm của thế giới.
Các phóng viên trong nước và quốc tế tác nghiệp tại sự kiện |
Cũng chính vì vậy mà sự kiện nhận được sự quan tâm của đông đảo báo chí trong nước và hàng nghìn hãng thông tấn, đài, báo chí nước ngoài. Gần 3.000 phóng viên quốc tế của trên 200 các hãng thông tấn, đến từ gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng với 550 phóng viên trong nước đã tham dự đưa tin về hội nghị này. Đó là lực lượng phóng viên lớn nhất từ trước đến nay khi tham dự một hội nghị quốc tế tại Việt Nam.
Được cọ xát với đội ngũ hùng hậu của các đài, báo quốc tế, chúng tôi có phần choáng ngợp vì sự chuẩn bị công phu, tỉ mỉ và chuyên nghiệp của họ. Nhiều hãng thông tấn và trang tin nước ngoài như AP (Mỹ), CAN (Singapore), Phoenix TV (Hồng Kông)… dù đã có văn phòng tại Hà Nội vẫn tăng cường thêm phóng viên cho sự kiện này. Họ bố trí phương tiện "khủng" với hàng trăm nhân lực cả ở Trung tâm báo chí và khu vực được cho là diễn ra cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo hai nước Mỹ và Triều Tiên.
Quán trà đá vỉa hè cùng trở thành nơi tác nghiệp |
Số lượng phóng viên đông đúc khiến việc đưa tin tại những điểm, vị trí đẹp để bắt khuôn hình luôn trong tình trạng đông nghẹt thở. Việc tác nghiệp tưởng chừng như một cuộc đua săn tin gay cấn mà phần thưởng và động lực lớn nhất chính là sự ủng hộ theo dõi, đón nhận của độc giả. Để có vị trí đứng tốt để ghi hình, các phóng viên đã thuê hoặc mua thang, thậm chí trực chiến thâu đêm. Với một số hãng thông tấn nước ngoài, vì không thuộc địa hình nên nhờ đến xe ôm "yểm trợ". Những ngày diễn ra hội nghị, ngoài Trung tâm báo chí với đầy đủ trang thiết bị phục cho tác nghiệp và truyền tải thông tin, thì với các phóng viên trực chiến hiện trường, quán trà đá vỉa hè cũng trở thành nơi tác nghiệp lý tưởng.
Hình thức truyền tải thông tin đa dạng của các hãng truyền thông quốc tế đã thể hiện quy mô, tư duy sáng tạo và chuyên nghiệp. Có lẽ nhiều người vẫn không thể quên hình ảnh trường quay được thực hiện ngay trên nóc khách sạn Daewoo của Đài truyền hình MBCNews. Các hãng truyền hình khác như KBSNews, đài truyền hình cáp JTBC, Yonhap, CNN International… cũng có trường quay di động trên các tòa nhà cao tầng. Không chỉ đơn thuần đưa tin, họ còn mang cả không khí của hội nghị đến với khán giả, cùng với đó là hình ảnh bao quát về Hà Nội.
Tình huống bất ngờ
Cũng vì tính chất nhạy cảm và đặc biệt của hội nghị nên việc tác nghiệp trong những ngày diễn ra sự kiện khiến chúng tôi rơi vào những tình huống "dở khóc dở cười". Nhóm chúng tôi chỉ có 4 người nên phải lên kế hoạch "bày binh bố trận" rất cẩn thận. Để không bị lọt tin, tôi cùng với các đồng nghiệp thay phiên nhau túc trực tại những địa điểm được cho là nơi lưu trú của hai nhà lãnh đạo là khách sạn Melia và Marriott, nơi diễn ra hội nghị là khách sạn Metropole và Trung tâm báo chí tại Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô, cố gắng đưa những hình ảnh chân thực, chính xác và nhanh nhất đến với độc giả bằng tất cả sự nhiệt huyết và trách nhiệm của mình. Các sản phẩm được thực hiện bằng cả bài viết trên báo giấy, báo điện tử và các video clip cập nhật liên tục.
Kỷ niệm khó quên nhất đối với tôi là việc tham gia cuộc họp báo do Tổng thống Donal Trump chủ trì. Cuộc họp báo dự kiến diễn ra vào 16 giờ, sau khi hai nhà lãnh đạo kết thúc hội nghị và dùng bữa trưa. Tuy nhiên, phòng họp báo giới hạn số lượng, mỗi đơn vị báo chí chỉ được một người tham dự và phải di chuyển đến địa điểm họp để kiểm tra an ninh từ 11 giờ trưa hôm đó. Tình huống quá khẩn cấp, chúng tôi chỉ có một máy quay lại đang "cắm chốt" ở nơi diễn ra cuộc họp của hai nhà lãnh đạo, nên tôi bất đắc dĩ là người thế chỗ với đồ nghề tác nghiệp duy nhất là chiếc điện thoại thông minh. Chúng tôi mỗi người một hướng, hỗ trợ nhau cập nhật diễn biến tình hình thông qua một số ít hãng thông tấn lớn được đặc cách tác nghiệp tại vòng trong. Tình thế xoay chuyển khi cuộc họp được đẩy lên sớm hơn 2 tiếng đồng hồ, ông Trump thông báo không có thỏa thuận nào được ký trước sự ngỡ ngàng của phóng viên.
Nhiều hãng thông tấn thu dọn hành lý sau khi tổng Tổng Donal Trump kết thúc cuộc họp và trở về nước. Tuy nhiên, phía Triều Tiên lại bất ngờ tổ chức họp báo giữa đêm hôm đó. Nhiều phóng viên không kịp trở tay, trong đó có cả chúng tôi bởi thời gian từ khi nhận được thông báo và thời điểm bắt đầu cuộc họp báo chỉ diễn ra trong vòng chưa đầy một giờ đồng hồ.
Phóng viên Báo Công Thương đưa tin trực tiếp tại hiện trường |
Dấu ấn Việt Nam
Với kinh nghiệm từng tổ chức nhiều sự kiện tầm cỡ quốc tế, trong lần đứng ra đăng cai sự kiện này, Việt Nam tiếp tục ghi điểm nhờ công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối trước, trong và sau những ngày diễn ra sự kiện. Dù không có thỏa thuận nào được ký nhưng vị thế, vai trò, công tác chuẩn bị, tổ chức của Việt Nam được lãnh đạo hai nước Mỹ, Triều Tiên và quốc tế đánh giá cao. Đó là một minh chứng rõ nét cho thấy vai trò và vị thế ngày càng tăng của Việt Nam trong khu vực và thế giới.
Trong cuộc gặp gỡ báo chí, Tổng thống Trump đã không tiếc lời ngợi khen và cảm ơn về công tác chuẩn bị của Chính phủ, sự hiếu khách, thân thiện cũng như sự tiếp đón nồng hậu của người dân Việt Nam.
Tại ga Đồng Đăng (Lạng Sơn), Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un nói rất cảm ơn Việt Nam đã đón tiếp chu đáo và tỏ ra xúc động khi bước ra khỏi tàu thấy xung quanh là cờ hoa với hàng trăm người vẫy tay chào. Ông Kim cũng đã hạ cửa kính ôtô vẫy tay chào người dân bên đường.
Hình ảnh về "Hà Nội - Thành phố vì hòa bình", đất nước Việt Nam với những con người thân thiện, mến khách đã một lần nữa được giới thiệu tới bạn bè quốc tế, chắc chắn để lại những ấn tượng khó phai và là cơ hội để Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn.