Còn nhớ, ngay sau khi nhậm chức năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân phúc đã lần đầu tiên gặp gỡ hơn 300 đại biểu đến từ các doanh nghiệp (DN) dân doanh, 50 DN có vốn đầu tư nước ngoài và 20 hiệp hội DN, như: AmCham, Eurocham, Phòng Thương mại Hàn Quốc... trong Hội nghị Thủ tướng với DN có chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”.
Chính phủ khẳng định quyết tâm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ người dân, doanh nghiệp |
Tại Hội nghị đó, người đứng đầu Chính phủ đã phát đi thông điệp Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy các DN phát triển cả về số lượng và chất lượng; đề ra các giải pháp xây dựng thể chế nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cũng như giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của DN.
Tiếp nối, năm 2018, lần thứ 2 Thủ tướng tiếp tục đối thoại với DN và cũng đã chủ trì rất nhiều hội nghị chuyên đề nhằm thúc đẩy DN đầu tư phát triển bền vững, dài hạn hơn. Tại những hội nghị này, ngoài quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cộng đồng DN cũng nhận được cam kết mạnh mẽ về sự đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ… từ các Bộ, ngành bằng các hành động cụ thể nhằm tháo gỡ các khó khăn, tạo điều kiện hơn nữa cho mọi thành phần kinh tế phát triển.
Ngay sau các Hội nghị đối thoại với DN, hàng loạt quyết sách nhằm hỗ trợ DN đã được Chính phủ ban hành, như: Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN; Quyết định số 844/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”; Chỉ thị 30/CT-TTg về nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương… đã thực sự tạo ra một làn sóng mới, khuyến khích người dân, DN khởi nghiệp, tham gia thị trường.
Tiếp đó, Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa được ban hành với rất nhiều “ưu đãi” mà nổi bật là quy định về việc cấp bảo lãnh tín dụng tại Quỹ bảo lãnh tín dụng DN nhỏ và vừa, doanh nghiệp và áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế TNDN thấp hơn mức thông thường. Luật cũng yêu cầu các địa phương hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho DN nhỏ và vừa tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp trên địa bàn với thời gian hỗ trợ là 05 năm, kể từ ngày ký hợp đồng thuê mặt bằng…
Đặc biệt, Luật Quy hoạch cũng đã được ban hành với định hướng thay đổi phương thức quản lý nhà nước theo hướng nhà nước kiến tạo và phục vụ, trong đó xác định quy hoạch là công cụ quan trọng để phân bổ nguồn lực theo cơ chế thị trường, thúc đẩy việc huy động các nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển. Các quy định về việc bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ - các quy định này đang cản trở hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của DN và người dân – được cộng đồng DN đánh giá cao.
Không chỉ quan tâm xây dựng thể chế, cải cách hành chính, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi ở tầm vĩ mô bằng những chính sách đột phá, mà Chính phủ cũng dành thời gian trực tiếp chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp. Theo đó, cùng với rất nhiều Chỉ thị yêu cầu ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp thì việc đầu năm 2016, đích thân Thủ tướng đã gọi điện cho Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong yêu cầu giải quyết vụ việc tại quán cà – phê Xin Chào tại huyện Bình Chánh là một điển hình cho quyết tâm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ mà trong đó, việc đổi mới tư duy về quản trị, cải cách bộ máy được đặt lên hàng đầu và chuyển từ quản lý sang phục vụ người dân, doanh nghiệp, nhận được sự quan tâm, đồng tình ủng hộ của nhân dân cả nước.
Khi nói về những hàng động quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân và DN không thể không nói đến công tác cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh với hàng nghìn điều kiện đã được đơn giải hoá, bãi bỏ. Điển hình như ngành Công Thương với 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh được cắt giảm… đã thực sự “cởi trói” cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia thị trường.
Và kết quả đã rõ. Trong thời gian qua, số lượng DN thành lập mới liên tục lập kỷ lục. Trung bình giai đoạn 2016-2019, mỗi năm có khoảng 120.000 DN thành lập mới, so với mức 70.000-80.000 DN mỗi năm trước đây. Riêng năm 2019, chỉ tính đến tháng 11 đã có 127.000 DN thành lập mới với 1,5 triệu tỷ đồng vốn và theo tính toán, cả năm nay sẽ có khoảng 138.000 DN thành lập mới cùng 38.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.
Đặc biệt, với gần 40.000 DN tăng vốn với số vốn khoảng 2 triệu tỷ đồng càng cho thấy quyết tâm và nỗ lực vươn lên của cộng đồng DN, nhưng quan trọng hơn, những số liệu này là tấm gương phản chiếu rõ nét nhất những hiệu ứng tích cực từ các chủ trương, chính sách cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ DN của Chính phủ, các bộ, ngành trong thời gian qua.
Năm nay, Hội nghị Thủ tướng với DN diễn ra trong bối cảnh mới của nền nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hơn và với những biến đổi sâu sắc về công nghệ. Đảng ta đã ban hành 3 Nghị quyết phát triển kinh tế tư nhân, về doanh nghiệp nhà nước và về thu hút đầu tư nước ngoài, thể hiện rõ tinh thần luôn đồng hành cùng DN của Đảng và Nhà nước.
Trước thềm Hội nghị, một lần nữa không chỉ cộng đồng doanh nghiệp mà cả xã hội đang mong chờ, kỳ vọng và tin tưởng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của DN, chuyên gia, hiệp hội, tổ chức quốc tế để có các giải pháp đột phá đầy hiệu quả trong thúc đẩy lực lượng DN phát huy tài năng, trí tuệ của mình để phát triển hiệu quả và bền vững.