Sắp diễn ra Hội nghị khoa học toàn quốc về dệt may, da giày lần thứ 3 |
Hội nghị khoa học toàn quốc về dệt may, Da – Giầy lần thứ 3 có sự tham dự của gần 100 đại biểu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu trong lĩnh vực dệt, may, da-giầy.
Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, tuy nhiên, ngành dệt may, da giầy đã vượt lên khó khăn, duy trì đà tăng trưởng tốt với kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 40,4 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng 14,8% và kim ngạch xuất khẩu da giầy đạt 20,7 tỷ USD, tăng 4,6% so với 2020. Để đạt được kết quả đó phải kể đến các thành tựu khoa học công nghệ, kỹ thuật và đào tạo được ứng dụng cho ngành dệt may và da - giầy hết sức cập nhật và hiệu quả.
Trên cơ sở thành công của Hội nghị khoa học toàn quốc về Dệt, May, Da - Giầy lần thứ 1 và lần thứ 2 (NSCTEX 2018 và NSCTEX 2020) được tổ chức tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Hội nghị khoa học toàn quốc về Dệt, May, Da - Giầy lần thứ 3 (NSCTEX 2022) được tổ chức tại Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã thu hút gần 100 nhà khoa học tham gia với 54 báo cáo khoa học được phản biện thông qua 2 vòng độc lập.
Hội nghị đánh dấu sự tiếp nối trọng trách xây dựng diễn đàn cho nhà khoa học thông báo các kết quả nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực Dệt, May, Da - Giầy.
Bên cạnh đó, hội nghị cũng đã tạo ra cơ hội để các nhà khoa học, đồng nghiệp và doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi những vấn đề thời sự liên quan đến đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa các Trường đại học, Viện nghiên cứu và Doanh nghiệp dệt may, da giầy.
Tại Hội nghị ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết: Đảng và Nhà nước đã xác định “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo- Đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội” và ngành dệt may Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Hội nghị lần này được tổ chức tại Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội vừa là nơi đào tạo nguồn nhân lực cho ngành dệt may, đồng thời các sinh viên theo học tại đây, trong tương lai, cũng có thể trở thành các nhà khoa học, đóng góp trí tuệ vào sự phát triển của ngành Dệt may Việt Nam.
Ông Cao Hữu Hiếu -Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam phát biểu tại Hội nghị |
Ông Cao Hữu Hiếu cũng khẳng định, hai năm qua từ hội nghị lần thứ 2-2020 được tổ chức tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ngành dệt may và da - giầy Việt Nam đã trải qua rất nhiều khó khăn, thách thức đến từ đại dịch Covid-19, bất ổn chính trị toàn cầu, khủng hoảng kinh tế, thiên tai… Vượt qua những khó khăn, thách thức đó, ngành dệt may và da - giày Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng và có những bước bứt phá để đạt được những kết quả tích cực.
“Kết quả đó có được là một phần ngành dệt may đã áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ, triển khai sáng kiến đã giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, tăng năng suất, chất lượng, vượt khó thành công”, ông Hiếu khẳng định.
Trong khuôn khổ của Hội nghị lần thứ 3 này, các Nhà khoa học, chuyên gia đã cùng thảo luận về các vấn đề khoa học công nghệ trong lĩnh vực dệt, may, da – giầy thông qua 01 phiên chung và 03 phiên hội thảo chuyên đề: (1) Công nghệ và vật liệu sợi, dệt, nhuộm, da – giầy, (2) Công nghệ và thiết bị may, thời trang, (3) Kinh doanh và phát triển bền vững dệt may, da – giầy.
Tại phiên chung, khách mời và đại biểu tham dự hội nghị đã cùng thảo thuận về ứng dụng của khoa học công nghệ trong lĩnh vực dệt, may, da – giầy với 05 bài trình bày đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu về dệt, may, da – giầy tại Việt Nam.
Tại 03 phiên hội thảo chuyên đề, đã có 15 báo cáo được công bố và thảo luận tại hội thảo và nhận được nhiều sự ghi nhận của các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực dệt, may, da - giầy.
Đây là những kết quả nghiên cứu hoàn toàn có thể được triển khai áp dụng rộng rãi vào thực tế sản xuất mang lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp. Các nghiên cứu đã tập trung vào các nội dung như: Công nghệ và thiết bị đối với toàn chuỗi sản xuất Sợi-Dệt-Nhuộm-May, đặc biệt chú trọng sản xuất bền vững… là những vấn đề mà ngành dệt may Việt Nam đang tiếp cận và cũng là xu hướng tất yếu của ngành ở cấp độ thế giới. Điều này cho thấy hoạt động nghiên cứu khoa học ngày càng gắn với thực tế sản xuất, hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như chiến lược phát triển của toàn ngành.
Các đại biểu cùng các chuyên gia tham gia Hội nghị |
Ông Cao Hữu Hiếu cũng cho biết, dưới góc độ doanh nghiệp các nội dung sẽ được các doanh nghiệp trong ngành quan tâm như: Các giải pháp công nghệ nhằm tăng cường năng lực cung cấp nguyên liệu cho sản phẩm dệt may, da - giày đáp ứng yêu cầu xuất xứ của các Hiệp định thương mại đã được ký kết; Sản xuất bền vững trong đó đặc biệt quan tâm đến các hoạt động tái chế, tái sử dụng , kéo dài vòng đời sản phẩm dệt may..
“Nhu cầu của doanh nghiệp luôn cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh và quản trị nhằm đem lại lợi nhuận tối ưu, để làm được điều này rất cần chung tay của các nhà khoa học, các chuyên gia làm công tác nghiên cứu, đào tạo”, ông Hiếu khẳng định.
Hoạt động với định hướng ứng dụng toàn diện lĩnh vực dệt may, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội luôn nỗ lực hết mình đóng góp vào sứ mệnh nghiên cứu, phát triển của ngành dệt may; tăng năng suất, hiệu quả hoạt động cho các doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam. Nhà trường hy vọng sẽ ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của các cơ quan ban ngành, tổ chức đoàn thể; tăng cường hợp tác với các tổ chức, viện nghiên cứu, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may để đồng hành cùng sự phát triển của Nhà trường. |