Hội nghị là dịp để NHNN phổ biến cơ chế, chính sách của Nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp (DN), các chương trình, chính sách tín dụng, các hoạt động hỗ trợ phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của vùng, đồng thời tìm ra các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy các DN của vùng KTTĐ Bắc Bộ phát triển bền vững.
Theo báo cáo của NHNN, dư nợ tín dụng nền kinh tế cuối năm 2018 tăng gần 14%, đến 4/10/2019 tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 7,85 triệu tỷ đồng, tăng 8,95% so với cuối năm 2018.
Tại hội nghị, đại diện NHNN đã phổ biến cơ chế, chính sách của Nhà nước, các chương trình, chính sách tín dụng, các hoạt động hỗ trợ phát triển DN |
Riêng vùng KTTĐ Bắc Bộ, với mạng lưới các chi nhánh, phòng giao dịch của trên 80 tổ chức tín dụng (TCTD) và gần 320 quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn vùng KTTĐ Bắc Bộ, huy động vốn để đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế xã hội của vùng luôn tăng trưởng với số dư huy động bình quân gấp hơn 1,5 lần dư nợ tín dụng; đến cuối tháng 9/2019, dư nợ tín dụng đạt 2,5 triệu tỷ đồng, tăng 8,98% so với 31/12/2018 và chiếm khoảng 33,1% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế.
Trong đó, dư nợ đối với ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 4%; dư nợ đối với ngành công nghiệp và xây dựng đạt chiếm 35%; dư nợ đối với ngành thương mại và dịch vụ chiếm 61%. Dư nợ đối với DNNVV đạt 443 nghìn tỷ đồng tăng 12,44% so với cuối năm 2018.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết: Bám sát các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã xây dựng các chương trình hành động của ngành, triển khai quyết liệt nhiều giải pháp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả các chương trình tín dụng đặc thù nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, ngành Ngân hàng sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, góp phần tạo môi trường kinh doanh ổn định. Đồng thời, tiến hành rà soát, đề xuất hoàn thiện các thể chế chính sách, tạo điều kiện để cung ứng đầy đủ, đa dạng các sản phẩm dịch vụ tài chính, nhất là sản phẩm dịch vụ ngân hàng phi tín dụng; cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn vay.
Đặc biệt, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về cấp tín dụng của các TCTD để tăng cường khả năng cung ứng vốn phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh và tiêu dùng chính đáng của người dân, DN; Tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp tại Kế hoạch hành động của ngành NH góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển DN.
Đại diện NHNN cũng khẳng định ngành NH sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các DN (đặc biệt là DNNVV) tiếp cận vốn tín dụng; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục rà soát và đề xuất cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của hệ thống các TCTD.
Tại hội nghị, đại biểu tham dự đã tập trung làm rõ vai trò của doanh nghiệp, chủ trương, chính sách hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Đồng thời, đề ra mục tiêu xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, trong đó khối doanh nghiệp tư nhân là động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế.
Được biết, đây là lần thứ 5 NHNN phối hợp với UBND các thành phố tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trong năm nay. Trước đó, NHNN đã phối hợp UBND các tỉnh, thành phố TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ tổ chức các Hội nghị kết nối NH – DN.