Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên toàn thể Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng với BĐKH |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả các hội nghị chuyên đề đã diễn ra trong ngày 26/9. Thủ tướng thông tin về chuyến khảo sát ở Hà Lan hồi tháng 7/2017 và khảo sát trực tiếp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bằng trực thăng của Thủ tướng trong ngày 26/9/2017.
Thủ tướng nhận định thực tiễn đang diễn ra và thành công của các giải pháp phi công trình, công trình, các mô hình đa canh, cũng như nỗ lực của người dân ĐBSCL trong ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền. Dù phải đối mặt với không ít thách thức, nhưng Thủ tướng lạc quan tin tưởng vào tương lai của vùng đất ĐBSCL.
Thủ tướng khẳng định: “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ sát cánh cùng các địa phương trong vùng quyết tâm biến thách thức thành thời cơ. Tầm nhìn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng ĐBSCL, nâng cao đời sống người dân”. Thủ tướng đề nghị hội nghị đưa ra những giải pháp căn cơ, chiến lược, khả thi, có biện pháp tổng thể, đồng bộ cả về trước mắt và lâu dài, những cơ chế chính sách phù hợp, huy động mọi nguồn lực... “Các đại biểu thảo luận cần nói thẳng, nói thật, phản biện cả những giải pháp của Chính phủ, các bộ ngành để tìm ra những giải pháp tốt nhất, với tinh thần vì ĐBSCL thích ứng với BĐKH phát triển bền vững thịnh vượng” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại phiên họp toàn thể, Thủ tướng được nghe các báo cáo tổng hợp từ các phiên họp chuyên đề ngày 26/9 do Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì.
Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi Trường Trần Hồng Hà trình bày báo cáo tổng thể về tổng quan, thách thức, cơ hội và giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển cho ĐBSCL. Tính độc đáo của ĐBSCL - vùng đất nhiều thuận lợi, lắm khó khăn với những cơ hội, thách thức… Qua đó đề xuất những giải pháp căn cơ, đột phá cho vùng đất này. Cần thay đổi nhận thức về ĐBSCL. Sự phát triển của ĐBSCL phải được nhìn ở một thể thống nhất có mối liên kết với các vùng kinh tế như TP. Hồ Chí Minh, bên cạnh đó phải lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, trung tâm. Tài nguyên nước đã làm nên đồng bằng và đồng bằng cũng cần thay đổi ứng xử với nguồn tài nguyên này. Đồng thời, cần cơ chế đột phát, thu hút khối kinh tế tư nhân để đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển khu công nghiệp.
Ngoài ra, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường cũng đưa ra các giải pháp để phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH; phát triển ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển giao tri thức; tận dụng cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển bền vững; phát triển nguồn nhân lực, tài chính; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nâng cao năng lực quản trị thông minh với nước và BĐKH.
Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại hội nghị, hiện ĐBSCL có trên 2.500 quy hoạch được lập, quy hoạch cấp vùng cũng đang ở những góc nhìn khác nhau. Việc lập riêng lẻ nhiều quy hoạch đang thiếu liên kết, thiếu tầm nhìn, chất lượng quy hoạch kém đang gây khó khăn cho việc phát triển kinh tế xã hội, gây lãng phí cơ hội, lãng phí nguồn lực của đất nước. BĐKH không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để tổ chức, sắp xếp lại vùng. Trong đó phải coi nước là nguồn tài nguyên quan trọng nhất. Kinh tế biển là động lực phát triển. Nông nghiệp là nền kinh tế chủ đạo nhưng phải thay đổi tư duy phát triển. Cần đảm bảo phát triển hài hòa giữa ba trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường.
"Hiện nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương cho ĐBSCL khoảng 20%; thời gian tới Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ hỗ trợ cho vay khoảng 300 triệu USD, cộng với các nguồn khác khoảng 1 tỷ USD để đầu tư các công trình ứng phó BĐKH, chống ngập mặn trong vùng", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin thêm.
Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư đề xuất kiến nghị xây dựng cơ chế thu hút đầu tư, tư nhân và đầu tư vào các lĩnh vực ứng phó với BĐKH; nâng cao năng lực cạnh tranh, cải cách môi trường đầu tư để thu hút đầu tư vào khu vực, kết hợp huy động nguồn lực bên ngoài với nguồn lực tại chỗ; xây dựng chương trình mục tiêu phát triển hạ tầng ĐBSCL trên cơ sở quy hoạch tích hợp; tăng mức hỗ trợ cho vùng để đầu tư cho các dự án ưu tiên; nghiên cứu cơ chế đặc thù để thu hút các dự án ODA...
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng có nhiều băn khoăn việc ứng phó với những biến đổi là không thể tránh khỏi, các ý kiến nhấn mạnh việc cần có sự thống nhất của cả hệ thống chính trị và hành động tổng lực với phương châm bao trùm là "chủ động, tích cực, linh hoạt thích ứng với các biến đổi".
Bộ NN&PTNT đề nghị Chính phủ phải giải quyết 3 nhóm sản phẩm: thủy sản, trái cây, lúa gạo, đưa ra được những giống đáp ứng được sản xuất, cạnh tranh; sửa nhanh Nghị định 210 tháo gỡ nút thắt về đất đai, cơ khí; có văn bản quy định để vùng này phải giữ nguyên được diện tích rừng còn lại; cho làm điểm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển rừng mới, đất mới; tập trung xử lý 40 điểm sạt lở ở biển, sông (tổng số đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng).
Ngoài ra, lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước sẽ tiếp tục mổ xẻ về tiềm năng, thách thức của ĐBSCL. Những tư tưởng lớn này và các đề xuất khả thi sẽ được trình lên Chính phủ, để Chính phủ có một nghị quyết thích hợp về các định hướng, giải pháp phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng ĐĐKH. Các đại biểu cùng kỳ vọng vào một Chính phủ kiến tạo để vực dậy ĐBSCL trong tương lai.
TIN LIÊN QUAN | |
Thích ứng biến đổi ĐBSCL thách thức cho sự thay đổi |