Dự báo về kinh tế vĩ mô của Việt Nam và thế giới hậu Covid 2021, tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành - giảng viên Đại học Fulbright - nhìn nhận: Việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam khá tốt và là nước hiếm hoi GDP tăng trưởng dương 2% nên dự báo năm 2021 GDP Việt Nam có thể tăng trưởng 6,7%. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vẫn tăng do nhiều dự án định đầu tư 2020 bị ảnh hưởng bởi Covid sẽ tiếp tục được triển khai trong năm 2021, đặc biệt là sự dịch chuyển đầu tư của các ngành logistics, thực phẩm chế biến… vào Việt Nam.
Hội nghị đầu tư 2020 thu hút đông đảo các chuyên gia, nhà lãnh đạo DN hàng đầu tham dự |
Tuy nhiên, theo ông Thành, trong trung hạn sau Covid-19, nhiều DN lớn toàn cầu có xu hướng đầu tư trở lại vào Bắc Mỹ và EU sẽ tăng lên do ảnh hưởng chuỗi cung ứng toàn cầu nên nếu đầu tư ra ngoài sẽ gặp nhiều rủi ro hơn trong tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát triệt để.
Ông Thành cũng cho rằng, quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam - Hoa Kỳ đang chứa đựng nhiều dự báo rủi ro khi thời gian qua Việt Nam xuất khẩu mạnh sang Hoa Kỳ nên vừa rồi Hoa Kỳ đang tiến hành điều tra xem Việt Nam có vi phạm quy định của WTO hay không.
Bàn về sự sống còn của các DN thời hậu Covid, với kinh nghiệm từ thực tiễn tư vấn cho nhiều DN trong thời gian qua, ông Phạm Văn Thinh - Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam - cho rằng: Tác động của Covid đối với DN chủ yếu gặp khó khăn về bán hàng, chuỗi cung ứng, lao động… Để thích ứng trong tình hình mới, theo ông Thinh có 5 gói giải pháp mà các DN cần áp dụng cho hiện tại và hậu Covid đó là xác định lại mô hình kinh doanh, câu chuyện chuyển đổi số, tái cấu trúc, mua bán sáp nhập và quản lý rủi ro.
Ông Andy Ho, Giám đốc Đầu tư VinaCapital phân tích chuyên sâu về thị trường chứng khoán Việt Nam hậu Covid |
Cụ thể, các DN cần xác định lại mô hình kinh doanh và thay đổi mô hình kinh doanh phù hợp. Khi dịch xảy ra, nhiều DN đã thay đổi mô hình kinh doanh. Đây sẽ là tình hình mới của rất nhiều DN.
Về lao động, xu hướng sử dụng lao động bán thời gian nhiều hơn nên DN phải đánh giá lại lao động nào phù hợp với mô hình DN mới. Xác định lại phương thức làm việc, xây dựng lại hệ thống văn hoá DN.
Về quản lý rủi ro và an ninh mạng: Mất dữ liệu mất thông tin và tài sản là nguy cơ rất lớn. Trong điều kiện bất ổn hiện nay nhiều chuyện có thể xảy ra nên phải đảm bảo sự hoạt động liên tục khi có bất kỳ sự cố rủi ro nào xảy ra.
Hậu Covid cũng là cơ hội lớn để tái cấu trúc lại DN nên công cụ mua bán sáp nhập rất hữu hiệu. DN có thể bán đi phần không hiệu quả và mua mở rộng các mảng khác.
Dẫn chứng về hiệu quả các giải pháp trên đây cho DN trong tình hình mới, ông Thinh cho biết, Deloitte Việt Nam đã tư vấn cho 1 công ty sản xuất ô tô ở Việt Nam kết hợp với trí tuệ nhân tạo giúp cải thiện tình hình kinh doanh. Deloitte cũng đã tư vấn cho 1 công ty du lịch tăng cường phần mềm quản lý để giữ được lượng khách hàng ổn định.
Bàn về tái sử dụng dòng tiền đầu tư vào đâu cho hiệu quả trong bối cảnh hậu Covid như hiện nay và năm 2021, ông Nguyễn Thái Phiên - Giám đốc cấp cao Novaland - đã phân tích về ảnh hưởng và tư duy đầu tư bất động sản hậu Covid. Đó là sự thay đổi tư duy đầu tư trong vòng 5 năm tới do tác động của Covid trên 3 khía cạnh: sức khoẻ, cộng đồng và kinh tế dẫn đến 3 xu hướng mới trong đầu tư bất động sản là: mô hình bất động sản sinh thái, nghỉ dưỡng trong tổ hợp và có cơ hội khai thác tài chính. Đây cũng là xu hướng đáp ứng được nhu cầu đầu tư của nhiều lứa tuổi khác nhau… Đây cũng chính là lý do tại sao những khu đô thị sinh thái như EcoPark 10 năm trước không được mặn mà nhưng nay được nhà đầu tư xếp hàng mua tại phía Bắc..
Tại hội nghị, ông Andy Ho, Giám đốc Đầu tư VinaCapital cũng đưa ra các thông tin, và phân tích chuyên sâu về thị trường chứng khoán với cổ phiếu biến đổi ngoạn mục như thế nào trong năm 2021, và cơ hội cho các nhà đầu trên thị trường vốn Việt Nam.