Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Chính phủ với các địa phương |
Trong Báo cáo về công tác chỉ đạo, điều hành và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 của Chính phủ tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, tổ chức ngày 3/1/2023 tại Hà Nội, đã chỉ ra một số điểm nổi bật của ngành Công Thương trong năm qua. Trong đó, điểm nhấn là sản xuất, thương mại tăng trưởng cao, an ninh năng lượng được đảm bảo.
Theo đó, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 732,5 tỷ USD; trong đó xuất khẩu 371,85 tỷ USD, tăng 10,6%; xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp, đạt 11,2 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cao kỷ lục, đạt trên 53,2 tỷ USD, riêng xuất khẩu gạo đạt 7,12 triệu tấn;
Sản xuất công nghiệp tăng 7,69%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,1%, tiếp tục là động lực tăng trưởng, đóng góp 2,09 điểm phần trăm vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế; an ninh năng lượng được bảo đảm. Khu vực dịch vụ phục hồi mạnh mẽ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 19,8%.
Báo cáo cũng chỉ rõ, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo xây dựng phương án xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài để báo cáo cấp có thẩm quyền. Đã đưa vào vận hành các nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Sông Hậu 1; tích cực xử lý, cơ cấu lại các dự án, doanh nghiệp khó khăn, vướng mắc, kéo dài như Nhà máy điện Long Phú I, Lọc dầu Nghi Sơn, Chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn. Đã báo cáo cấp có thẩm quyền phương án xử lý, tái cơ cấu 08/12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả; đang tiếp tục hoàn thiện phương án xử lý đối với 4 dự án, doanh nghiệp còn lại. Trong đó, năm 2022 đã báo cáo cấp có thẩm quyền phương án xử lý đối với 03 dự án là Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, Công ty Đạm Ninh Bình và Công ty DAP số 2 Vinachem. Đang chỉ đạo hoàn thiện phương án xử lý đối với Nhà máy đóng tàu Dung Quất và Nhà máy Bột giấy Phương Nam, TISCO và VTM để báo cáo cấp có thẩm quyền trong 2023.
Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra những hạn chế, khó khăn đối với một số lĩnh vực của ngành Công Thương như: Các động lực tăng trưởng, sản xuất công nghiệp có xu hướng chậm lại do các thị trường xuất khẩu lớn bị thu hẹp, đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, trong khi chi phí đầu vào ở mức cao và thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu.
Trong phương hướng nhiệm vụ trong năm 2023, Chính phủ đã chỉ ra những khó khăn, tác động tới phát triển kinh tế trong nước, trong đó có những vấn đề liên quan trực tiếp tới ngành Công Thương. Cụ thể, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; cạnh tranh chiến lược các nước lớn gay gắt hơn; kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, nguy cơ suy thoái gia tăng; tình trạng lạm phát ở mức cao và chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất tiếp tục kéo dài ở nhiều quốc gia, nền kinh tế; hoạt động sản xuất kinh doanh, nhu cầu tiêu dùng giảm sút; các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản gặp nhiều khó khăn; các vấn đề an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp. Ở trong nước, khó khăn, thách thức tiếp tục nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Áp lực lạm phát còn cao; các yếu tố đầu vào tiếp tục biến động mạnh, chi phí sản xuất ở mức cao. Các thị trường xuất khẩu, nhập khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp, đơn hàng giảm sút. Nhiều doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, tình hình lao động, việc làm khó khăn hơn.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ khẳng định việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2023 là thách thức rất lớn và để làm tốt các nhiệm vụ đề ra thì phải bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển KTXH 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021 - 2025; Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KTXH năm 2023; Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết tâm thực hiện hiệu quả phương châm “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”; tăng cường đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm hành động cao nhất; khắc phục khó khăn, tranh thủ thời cơ, vận hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển KTXH; đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; tập trung chỉ đạo điều hành chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả; chủ động thích ứng với tình hình; kiểm soát rủi ro, ứng phó kịp thời với nguy cơ suy thoái, khủng hoảng từ bên ngoài; quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển KTXH, thực hiện thành công kế hoạch phát triển KTXH năm 2023, tạo đà thuận lợi để phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu theo Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025.