Cuộc họp này đang được Nhà Trắng coi là cơ hội để thể hiện cam kết của Mỹ đối với khối ASEAN và là cơ hội đánh dấu 45 năm quan hệ ASEAN - Mỹ. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, ưu tiên hàng đầu của chính quyền Biden-Harris là đóng vai trò đối tác mạnh mẽ, đáng tin cậy và củng cố một ASEAN được trao quyền và thống nhất để giải quyết những thách thức của thời đại hiện nay. Các quốc gia ASEAN hiện nay bao gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt ASEAN – Mỹ diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Joe Biden đang tìm cách biến quan hệ ở Thái Bình Dương trở thành ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về việc Trung Quốc là một đối thủ kinh tế và quân sự. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tham gia hội nghị thượng đỉnh với ASEAN vào tháng 10 năm ngoái, nơi ông công bố hơn 100 triệu đôla Mỹ hỗ trợ cho các nước ASEAN về các chương trình y tế, một sáng kiến khí hậu mới, các chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế từ đại dịch và các chương trình giáo dục. Hội nghị đã đánh dấu lần đầu tiên kể từ năm 2017, khi cựu Tổng thống Donald Trump tham gia Hội nghị thượng đỉnh với ASEAN.
Kế hoạch về việc tổ chức Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ được Mỹ đưa ra từ năm ngoái và đây sẽ là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo ASEAN kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 1/2021 và Washington đang nhấn mạnh cam kết của mình đối với khu vực trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có sức ảnh hưởng lớn. Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ được tổ chức với sự ủng hộ của Campuchia là nước Chủ tịch ASEAN năm 2022. Hội nghị này sẽ tạo cơ hội tốt để các bên trao đổi quan điểm về cách thúc đẩy hợp tác ASEAN - Mỹ phát triển hơn nữa.