Quản lý hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước cấm vũ khí hóa học Xây dựng dự thảo Quản lý hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước cấm vũ khí hóa học |
Hội nghị diễn ra từ ngày 27/11 đến 01/12/2023, đoàn Việt Nam tham dự với các đại diện gồm đồng chí Phùng Mạnh Ngọc - Cục trưởng Cục Hoá chất (Bộ Công Thương), đồng chí Ngô Hướng Nam - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Hà Lan và đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Quốc phòng, Ngoại giao, Công an, Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan đã tham dự CSP28.
Quang cảnh Hội nghị CSP28 |
Công ước Cấm vũ khí hoá học là một trong những công cụ pháp lý toàn cầu quan trọng nhất để gìn giữ an ninh và hòa bình cho một thế giới không còn vũ khí hóa học nói riêng và vũ khí hủy diệt hàng loạt nói chung. Tổ chức Cấm vũ khí hoá học (OPCW) ngoài chức năng thực hiện Công ước, còn là diễn đàn đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia trong phát triển công nghiệp hóa chất một cách an toàn và an ninh, vì mục đích hòa bình.
Việt Nam ký Công ước Cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học (sau đây gọi tắt là Công ước Cấm vũ khí hóa học) vào năm 1993 và phê chuẩn Công ước vào năm 1998. Cơ quan quốc gia Việt Nam thực hiện Công ước Cấm vũ khí hóa học (VNA) được thành lập theo Quyết định số 76/2002/QĐ-TTg ngày 14 tháng 6 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ. Thường trực Cơ quan quốc gia Việt Nam được đặt tại Cục Hoá chất -Bộ Công Thương.
Đoàn Việt Nam tại Phiên họp toàn thể |
Việt Nam đã nội luật hoá việc thực hiện Công ước tại Nghị định số 38/2014/NĐ-CP ngày 6/5/2014 của Chính phủ về quản lý hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước Cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học.
Kỳ họp lần thứ 28 Hội nghị quốc gia thành viên Công ước Cấm vũ khí hóa học, trong bối cảnh Công ước này đã đạt được thành công trên nhiều phương diện trong năm 2023.
Hội nghị đã nhất trí đánh giá OPCW đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong năm 2023 mà kết quả nổi bật nhất là việc đã hoàn tất quá trình phá hủy hoàn toàn kho vũ khí hóa học được công bố trên toàn cầu trong tháng 07/2023 (ngày 07/7/2023, nước cuối cùng là Mỹ đã được xác nhận hoàn thành việc phá hủy hoàn toàn các vũ khí hoá học).
Tháng 5/2023, Trung tâm Hóa học và Công nghệ (ChemTech) mới và hiện đại nhất của OPCW đã được khai trương và đưa vào hoạt động tại Hà Lan, được coi là một nâng cấp quan trọng đối với khả năng nghiên cứu, vận hành, phân tích của OPCW, góp phần thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế, tăng cường năng lực về nhân lực, phòng thí nghiệm của các nước thành viên.
Đoàn làm việc và tặng quà lưu niệm với đại diện Ban Thư ký OPCW. |
Trong khuôn khổ Hội nghị, Trưởng đoàn Việt Nam đã có tuyên bố chung, trong đó tái khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam về ủng hộ việc giải trừ hoàn toàn vũ khí hủy diệt hàng loạt, bao gồm cả vũ khí hóa học, và lên án mọi hành vi sử dụng vũ khí hóa học bởi bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào và vì bất kỳ động cơ nào; khẳng định cam kết của Việt Nam thực hiện các nghĩa vụ theo Công ước Cấm vũ khí hóa học, ủng hộ công việc và nỗ lực của OPCW trên nguyên tắc minh bạch, khách quan trong hỗ trợ các nước thành viên thực hiện Công ước Cấm vũ khí hóa học; kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế nhằm phát triển công nghiệp hóa chất vì mục đích hòa bình, tang cường hỗ trợ, ưu tiên về nhân lực cho các nước đang phát triển.
Bên lề Hội nghị, đoàn đã có buổi họp song phương Ban Thư ký kỹ thuật của OPCW. Tại buổi làm việc, Việt Nam đã bày tỏ đánh giá cao hợp tác giữa hai bên, nêu các đề nghị OPCW hỗ trợ trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, tăng cường năng lực xét nghiệm, phòng thí nghiệm, nhân lực trong lĩnh vực hóa chất, chuyển giao thiết bị. OPCW đã ghi nhận và có phản hồi tích cực với các đề xuất này.
Đoàn Việt Nam thăm và làm việc tại Trung tâm Hóa học và Công nghệ (ChemTech) |
Đồng thời, đoàn đến thăm và làm việc tại Trung tâm Hóa học và Công nghệ (ChemTech) mới khai trương của OPCW để tìm hiểu các cơ hội hợp tác, đề nghị phía bạn hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực nâng cao năng lực phân tích của các phòng thí nghiệm tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, tham dự các sự kiện bên lề tại Hội nghị, bao gồm: Hội thảo quản lý và sử dụng chất chống bạo loạn (Riot Control Agents); Lễ tưởng niệm thường niên các nạn nhân của vũ khí hoá học; Hội thảo về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với việc đảm bảo an toàn, an ninh hoá chất; Hội thảo về phá huỷ vũ khí hoá học bằng phương pháp nhấn chìm trong đại dương ...