Đây sẽ là lần đầu tiên Trung Quốc tổ chức một phiên họp đàm phán về RCEP kể từ khi hiệp định này được đề xuất chính thức vào năm 2012. Các Bộ trưởng phụ trách kinh tế, thương mại của 16 quốc gia RCEP sẽ tham dự hội nghị này. Các nhà quan sát cho rằng Trung Quốc dự kiến sẽ nhượng bộ bao gồm cả cắt giảm thuế trong nỗ lực thúc đẩy tiến trình đàm phán.
Các Bộ trưởng/Trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng RCEP giữa kỳ lần thứ 7 tại Siêm Riệp, Campuchia ngày 02/3/2019 |
Bộ Thương mại Trung Quốc cũng cho biết, với tư cách là nước chủ nhà của Hội nghị lần này, Trung Quốc sẽ tiếp tục tôn trọng và giữ vững vai trò nòng cốt của ASEAN trong các cuộc đàm phán RCEP và góp phần thúc đẩy truyền thông, hợp tác và đồng thuận để hỗ trợ các cuộc đàm phán được hoàn tất trong năm nay. Ngay trước hội nghị Bộ trưởng RCEP giữa kỳ lần thứ 8 tại Bắc Kinh, các nước sẽ tham gia phiên đàm phán RCEP lần thứ 27 sẽ được tổ chức tại Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, từ ngày 22 đến 31 tháng 7.
Cho đến nay đã có 26 vòng đàm phán RCEP diễn ra, với phiên họp gần đây nhất tổ chức tại Melbourne, Australia vừa kết thúc ngày 03/7. Các cuộc thảo luận đã đề cập đến tiến độ chậm chạp trong vài năm qua, trong bối cảnh sự phản đối ngày càng tăng trước áp lực thương mại và thuế quan tự do của chính quyền Mỹ. Nhiều nước trong khu vực lo ngại rằng các mối đe dọa thuế quan của Mỹ có thể có tác động phá vỡ các chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là tại khu vực Đông và Đông Nam Á. Trong khi các quan chức từ các quốc gia thành viên ASEAN cũng như Trung Quốc và Nhật Bản liên tục bày tỏ hy vọng kết thúc các cuộc đàm phán RCEP trong năm nay, thì Ấn Độ lại lo lắng về thâm hụt thương mại cao hơn với Trung Quốc nên đã miễn cưỡng giảm thuế.
Các nhà quan sát cho biết, Bắc Kinh sẽ nhượng bộ trong nỗ lực đạt được hiệp định sau nhiều năm đàm phán, nếu điều đó xảy ra, có thể được coi là một chiến thắng cho Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại kéo dài hơn một năm với Washington, và có thể củng cố vai trò của châu Á và Trung Quốc trong hệ thống thương mại toàn cầu. Nick Marro- nhà phân tích của Economist Intelligence Unit tại Hồng Kông cho biết, trong vài năm qua, Trung Quốc đã thực sự cắt giảm thuế đối với một loạt các mặt hàng và vì vậy Trung Quốc có thể đủ thoải mái để tiếp tục thúc đẩy chương trình tự do hóa thuế quan này. Theo một phân tích gần đây của Viện kinh tế quốc tế Peterson, Trung Quốc đã hạ thấp các rào cản thương mại đối với các nước khác kể từ đầu năm ngoái. Trong khi thuế suất trung bình của Trung Quốc đối với các sản phẩm của Mỹ đã tăng lên 20,7% trong cuộc chiến thương mại, Bắc Kinh đã giảm thuế đối với các sản phẩm cạnh tranh từ các nước khác thuộc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) xuống mức trung bình 6,7%.
Hiệp định thương mại khu vực RCEP cũng được cho là một trong những vấn đề được nêu ra khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gặp gỡ các nhà lãnh đạo Indonesia, Thái Lan và Singapore bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 vừa qua ở Osaka, Nhật Bản. Trong nỗ lực mới nhất để phá vỡ bế tắc, các bộ trưởng thương mại của Indonesia và Thái Lan, cũng như Tổng thư ký Asean, sẽ tới New Delhi vào tuần tới để gặp Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Piyush Gidel. Wang Huiyao, một cố vấn nội các của Trung Quốc và người sáng lập Trung tâm về Toàn cầu hóa và Trung Quốc, đã lạc quan về hội nghị Bộ trưởng RCEP đầu tiên được tổ chức tại Trung Quốc, đồng thời cho rằng Bắc Kinh sẽ tìm cách đạt được tiến bộ thực sự và thúc đẩy một hiệp định thương mại. Đây là một cơ hội rất tốt bởi vì Trung Quốc - cũng như Nhật Bản, Australia và các quốc gia ASEAN- đã chủ động thúc đẩy hiệp định.
RCEP bao gồm 16 quốc gia và chiếm tới 32% GDP toàn cầu, 28% thương mại toàn cầu và 3,5 tỷ người dân, nên đây là thời điểm tốt nhất cho RCEP khi đối mặt với chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương đang gia tăng. Các nhà phân tích cũng cho rằng trong khi tranh chấp về thuế quan là vấn đề cấu trúc khó khắc phục, thì Trung Quốc và Ấn Độ có thể cố gắng thu hẹp khoảng cách bằng cách đưa ra danh sách miễn trừ. Hai nước có thể tập trung vào các vấn đề khác để chia sẻ các điểm chung nhằm thúc đẩy hiệp định. Nhưng các nhà quan sát đồng ý rằng con đường phía trước cho RCEP vẫn còn khó khăn. Trong khi cả hai nước đang tìm cách mở rộng thương mại, Ấn Độ có thể cảm thấy rằng nước này vẫn chưa sẵn sàng và Trung Quốc cũng có thể cần tiếp tục thúc đẩy cải cách của mình. Giáo sư Biswajit Dhar của Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi, cho biết tự do hóa thuế quan mà RCEP đang đặt ra là mối quan tâm lớn nhất đối với Ấn Độ. Các doanh nghiệp Ấn Độ trong ngành nông nghiệp, sữa và gia cầm cũng lo lắng không kém về khả năng cạnh tranh của họ so với các đối tác từ các quốc gia RCEP khác.