Hội đua bò Bảy Núi 2017
Lễ hội đua bò truyền thống luôn diễn ra hào hứng |
Sau vòng đấu loại của buổi sáng, đến chiều cùng ngày, các trận đấu chung kết của 8 cặp đã diễn ra rất gay cấn, sôi nổi bởi dù một vài đôi bò bỏ cuộc hay phạm luật thì đôi bò còn lại phải hoàn thành vòng đấu mới được vào vòng trong. Kết quả chung cuộc, cặp bò của ông Chau Suôl đã giành giải vô địch Hội đua bò Bảy Núi tranh Cúp Truyền hình An Giang lần thứ 25 năm nay.
Hội đua bò Bảy Núi là lễ hội của đồng bào dân tộc Khmer mang đậm bản sắc dân gian. Trong đó, lễ hội đua bò kéo bừa truyền thống là nét sinh hoạt văn hoá và là môn thể thao độc đáo ở vùng Bảy Núi, An Giang mà giống bò đua trong lễ hội là giống bò Bảy Núi. Lễ hội đua bò được tổ chức cùng lễ hội Sen Dolta (lễ cúng ông bà), diễn ra từ ngày 29/8 đến 1/9 âm lịch.
Để chuẩn bị cho cuộc đua bò, ban tổ chức đã chọn một khoảnh ruộng lớn, bằng phẳng, diện tích khoảng 200m x 100m xăm xắp nước, được "trục" xới nhiều lần cho có độ trơn của bùn, bốn bên có bờ bao và điểm đích có đoạn trống để làm độ dừng an toàn cho bò. Mỗi trận đấu diễn ra giữa từng hai cặp bò. Từng đôi bò được ách vào một chiếc bừa đặc biệt, gọng bừa là bàn đạp mà người điều khiển phải đứng thật vững ở trên gồm một tấm gỗ rộng 30cm x 90cm, bên dưới là răng bừa.
Khi có hiệu lệnh xuất phát, người điều khiển chích mạnh cây xà-lul vào mông con bò, bò bị đau sẽ phóng nhanh về phía trước. Điều đặc biệt thú vị là người điều khiển phải có kỹ thuật vững để chích cho đều thì vận tốc của cặp bò đó mới nhanh và nương nhau kịp. Đây là yếu tố khác với đua ngựa khi mỗi nài cưỡi một con đua về đích.
Trong quá trình đua, cặp bò nào chạy tạt ra khỏi đường đua sẽ bị loại, đôi còn lại vẫn phải chạy về đích không phạm luật mới được công nhận thắng. Cặp bò sau giẫm lên giàn bừa của cặp bò trước là đôi thắng cuộc, và người điều khiển phải đứng vững bởi nếu ngã hoặc bị rơi khỏi giàn bừa xem như thua cuộc.
Sau khi bốc thăm cặp đi trước cặp đi sau tương ứng với mốc về đích lệch nhau. Do đường đua ngắn nên các cặp bò sẽ tập trung vào phần thi tăng nước rút về đích (còn gọi là vòng thả, phần hấp dẫn nhất của đua bò).
Ông Lê Nguyễn Đức Khôi - đại diện Tập đoàn Tân Hiệp Phát và là đại diện nhãn hàng Nước tăng lực Number 1 - Nhà tài trợ độc quyền của lễ hội cho biết, với mong muốn góp phần bảo tồn văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer và cổ vũ tinh thần thể thao với khát khao chiến thắng mãnh liệt, Tập đoàn vinh dự được tiếp tục đồng hành cùng lễ hội truyền thống này.