Đại Phục Hưng Ethiopia (GERD) là dự án đập thủy điện được triển khai từ năm 2011 tại Ethiopia trên dòng sông Nile Xanh. Từ năm 2012, Ethiopia và hai nước ở hạ nguồn là Sudan và Ai Cập đã nỗ lực trao đổi về các vấn đề kỹ thuật, pháp lý liên quan đến dự án do có các lo ngại về tác động của dự án đối với các nước hạ nguồn; tuy nhiên các bên chưa đi đến thống nhất.
HĐBA LHQ họp trực tuyến về GERD |
Tháng 3/2015, 3 nước đã nhất trí thông qua Tuyên bố về các Nguyên tắc đối với việc xây dựng đập GERD (DoPs 2015), tuy nhiên việc cụ thể hóa DoPs 2015 còn nhiều vướng mắc chưa đạt được nhất trí. Liên minh châu Phi (AU) đang có những nỗ lực nhằm hỗ trợ các bên tìm giải pháp chấp nhận được cho các vấn đề tồn tại.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay, tại phiên họp của HĐBA LHQ, các nước HĐBA đã chuyển thông điệp thống nhất ủng hộ và kêu gọi các bên ưu tiên đối thoại trên tinh thần hợp tác, thiện chí để sớm tìm ra giải pháp thỏa đáng, chấp nhận được cho tất cả các bên; ủng hộ vai trò của Liên minh châu Phi; đề nghị các bên tránh các tuyên bố hoặc hành động có thể khiến căng thẳng và nguy cơ xung đột leo thang.
Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý phát biểu bày tỏ quan ngại về xu hướng nhiều dòng chảy quốc tế đang bị khai thác thiếu bền vững, không đảm bảo lợi ích chính đáng của các nước có lợi ích liên quan; ghi nhận quan điểm và ủng hộ nỗ lực đàm phán, hợp tác của các bên trực tiếp liên quan trong việc khai thác sử dụng sông Nile; kêu gọi các nước tiếp tục nỗ lực và phát huy các kết quả đã đạt được, đặc biệt trong thực hiện DoPs 2015, đóng góp vào sự phát triển của khu vực; ủng hộ giải pháp giải quyết vấn đề thông qua các biện pháp hòa bình, trên tinh thần hữu nghị và thiện chí.
Bên cạnh đó, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý đánh giá cao vai trò của Liên minh châu Phi trong thúc đẩy các cuộc đàm phán giữa ba nước; nhấn mạnh việc thúc đẩy các thông lệ về các nguồn nước xuyên biên giới, bao gồm tham vấn, chia sẻ thông tin...; chia sẻ việc sử dụng nguồn nước quốc tế cần phù hợp với luật pháp và cam kết quốc tế của các nước liên quan trên cơ sở hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông, đặc biệt là các nước hạ nguồn, đảm bảo sự phát triển bền vững cho toàn lưu vực.
Đồng thời, đại diện Việt Nam đề nghị các bên không tiến hành các hành động làm gia tăng căng thẳng; thúc đẩy pháp điển hóa và xây dựng luật pháp, quy định, thông lệ quốc tế liên quan vấn đề an ninh nguồn nước như thực hiện “Công ước của Liên Hợp quốc về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy”.