Hỏi đáp Giao dịch Hàng hóa (Số 17): Các loại tỷ giá và hạn mức giao dịch tại MXV
Công Thương và công luận 12/04/2023 15:32
Hỏi đáp Giao dịch Hàng hóa (Số 15): Các loại lệnh trong giao dịch hàng hóa Hỏi đáp Giao dịch Hàng hóa (Số 16): Vị thế mở trong giao dịch hàng hoá |
Tại thị trường toàn cầu như thị trường hàng hóa, việc nắm rõ các loại tỷ giá và hạn mức khi giao dịch là một điều rất cần thiết khi thanh toán liên thông với các Sở Giao dịch nước ngoài.
Tuần qua, Báo Công Thương đã nhận được rất nhiều câu hỏi của bạn đọc liên quan đến tỷ giá và hạn mức giao dịch tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV). Bạn Nguyễn Hồng Quân (Vũng Tàu) hỏi: “MXV đang áp dụng các loại tỷ giá nào trong giao dịch hàng hóa?” Bạn Đặng Văn Thiết (Đà Nẵng) hỏi: “Hạn mức giao dịch là gì và được MXV phân bổ như thế nào?”
Các loại tỷ giá đang được MXV áp dụng?
Tỷ giá quy đổi: Là tỷ giá được sử dụng để quy đổi tạm thời giá, giá trị hợp đồng, lãi lỗ vị thế của các loại hợp đồng bằng nguyên tệ sang VNĐ để tính toán trên hệ thống giao dịch trong phiên giao dịch.
Tỷ giá thanh toán mua: Là tỷ giá dùng để mua nguyên tệ từ khách hàng tất toán lãi vị thế và được áp dụng khi kết thúc phiên giao dịch.
Tỷ giá thanh toán bán: Là tỷ giá dùng để bán nguyên tệ cho khách hàng tất toán lỗ vị thế và được áp dụng khi kết thúc phiên giao dịch.
Hạn mức giao dịch là gì?
Hạn mức giao dịch là số lượng hợp đồng tối đa của một mặt hàng hoặc toàn bộ mặt hàng mà một tài khoản giao dịch hoặc một Thành viên Kinh doanh được phép nắm giữ tại một thời điểm.
Hạn mức giao dịch được các Sở quốc tế sử dụng để đảm bảo các thị trường phát triển một cách ổn định, tránh được các rủi ro và sự thao túng giá hàng hóa. Hạn mức giao dịch sẽ được nới rộng theo sự phát triển của thị trường nói chung và từng Thành viên nói riêng một cách bền vững và có kiểm soát.
MXV đang phân bổ hạn mức như thế nào?
Sau khi được các Sở Giao quốc tế liên thông cấp hạn mức, MXV sẽ phân bổ xuống các thành viên Kinh doanh dựa vào một số tiêu chí, trong đó: (i) đánh giá nhu cầu giao dịch thực tế từng mặt hàng của thành viên Kinh doanh; (ii) đánh giá năng lực tài chính của các thành viên Kinh doanh; (iii) khả năng đáp ứng và tuân thủ các quy định quản trị rủi ro của MXV; (iv) số năm kinh nghiệm giao dịch hàng hóa... Thành viên Kinh doanh căn cứ vào hạn mức MXV đã cấp để phân bổ hạn mức phù hợp cho từng hợp đồng của mỗi sản phẩm.
Khách hàng được thành viên Kinh doanh cấp hạn mức giao dịch, đồng thời được thông báo để chủ động các kế hoạch ký quỹ cũng như giao dịch trong phạm vi thỏa thuận giữa khách hàng và thành viên Kinh doanh, trên cơ sở tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành và quy định của MXV. MXV sẽ có thông báo nếu thành viên Kinh doanh vi phạm hạn mức được cấp và sẽ có các chế tài xử lý theo Bộ quy định xử lý vi phạm Thành viên.
Trong quý II/2023, MXV sẽ công bố Bộ tiêu chuẩn xếp hạng đánh giá Thành viên. Đây cũng sẽ là yếu tố tác động đến hạn mức cấp cho từng Thành viên khi tham gia thị trường.
Bạn đọc có câu hỏi liên quan đến vấn đề giao dịch hàng hóa vui lòng gửi về email: [email protected] hoặc [email protected]. |