Thủ tướng chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ cháy nhà dân ở Định Công (Hà Nội) và Bắc Giang Làm gì để bảo toàn tính mạng khi xảy ra các vụ cháy? |
Thảm kịch cháy nổ tại các ngôi nhà ống
Gần đây nhất, ngày 16/6, tại phố Định Công Hạ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã xảy ra vụ cháy tại một ngôi nhà ống cao 6 tầng, làm 4 người trong gia đình tử nạn. Ngọn lửa bùng phát tại tầng 4, nơi chứa nhiều hàng hóa dễ cháy như sơn, đồ điện, vật liệu xây dựng. Tầng 1 đến tầng 3 dùng để kinh doanh, còn tầng 4 trở lên dùng để ở, khiến đám cháy lan nhanh và gây hậu quả thảm khốc.
Hiện trường vụ cháy nhà ở kết hợp với kinh doanh tại Định Công Hạ (Hoàng Mai, Hà Nội làm 4 người tử nạn |
Cùng ngày, tại số nhà 43 đường Hoàng Hoa Thám, phường Đa Mai, TP. Bắc Giang cũng xảy ra vụ cháy làm 3 người tử vong. Ngọn lửa bắt nguồn từ tầng 1, nơi chứa nhiều vật liệu dễ cháy như giường, tủ, quần áo, khiến lửa lan nhanh và sinh ra nhiều khói khí độc.
Chưa đầy một tháng trước đó, vụ cháy trong ngõ sâu phố Trung Kính, quận Cầu Giấy cũng xảy ra tại khu nhà vừa kinh doanh cho thuê trọ, sửa chữa xe điện, vừa để gia chủ ở. Hậu quả là 14 người tử vong và 9 người bị thương. Tại TP. HCM, một vụ cháy nhà trong hẻm đường Cách Mạng Tháng 8, quận 10 đã làm 4 người tử vong hồi tháng 2. Căn nhà này cũng đồng thời làm kho bán hàng online chứa nhiều vật dụng dễ cháy.
Đặc điểm chung của các vụ cháy này là đều xảy ra tại các ngôi nhà ống kết hợp kinh doanh, chứa nhiều hàng hóa và vật dụng dễ cháy. Khi xảy ra sự cố, ngọn lửa lan nhanh vào vật liệu dễ cháy, gây hậu quả nghiêm trọng. Thêm vào đó, hàng hóa thường để tràn lan, chặn cửa thoát nạn, cầu thang thoát nạn, khiến người bị nạn gặp khó khăn trong việc thoát hiểm.
Các lối thoát nạn, lối ra khẩn cấp tại các tầng của ngôi nhà dạng ống thường bị bịt kín bởi "chuồng cọp" hoặc kính. Khi có cháy, cầu thang bộ trở thành một ống khói, nạn nhân khi ra khỏi phòng sẽ hít phải khói độc, rất khó thoát nạn.
Nhiều rủi ro bắt nguồn từ vi phạm PCCC
Theo thống kê, hiện nay toàn quốc có gần 24,5 triệu nhà ở riêng lẻ, trong đó có hơn 1,1 triệu nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Chỉ riêng, địa bàn Hà Nội có khoảng 31.200 nhà trọ và hơn 39.200 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy nổ cao. Còn tại TP.HCM, có gần 60.500 cơ sở nhà trọ, nhà ở nhiều căn hộ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh nguy cơ cháy nổ cao.
Từ năm 2019 đến 2023, Hà Nội đã xảy ra hơn 2.000 vụ cháy lớn nhỏ, trong đó 60% nguyên nhân là do sự cố điện. Các khu vực có nguy cơ cao nhất là các khu nhà trọ, chung cư mini và các khu dân cư đông đúc nơi mật độ xây dựng cao và hạ tầng PCCC còn nhiều hạn chế. Trong 5 tháng đầu năm 2024, TP. Hà Nội xảy ra 487 vụ cháy, trong đó 283 vụ cháy nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh, chiếm 58% tổng số vụ cháy.
Trước thực trạng này, Đại tá TS. Nguyễn Thành Long, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Trường Đại học PCCC đã phân tích về những nguyên nhân dẫn đến cháy nổ tại các nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Trong đó, nguyên nhân chính đến từ việc gia tăng dân số cơ học một cách nhanh chóng trong bối cảnh thiếu quy hoạch tốt và hệ thống pháp lý hiệu quả. Điều này tạo cơ hội xây dựng tràn lan các khu nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh đáp ứng nhu cầu của phân khúc khách hàng bình dân, thu nhập thấp. Các tòa nhà này thường không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn an toàn về PCCC, tạo ra những nguy cơ tiềm ẩn lớn.
Nhiều nhà ở kết hợp kinh doanh bịt kín bởi những “chuồng cọp” không lối thoát |
Do lo ngại về tình trạng trộm cắp, nhiều chủ nhà đã xây dựng ban công kín đáo bằng khung sắt kiên cố, hay còn gọi là "chuồng cọp", khiến khi xảy ra sự cố, không có lối thoát hiểm khẩn cấp hoặc dự phòng. Điều này làm tăng nguy cơ thiệt hại về người khi xảy ra hỏa hoạn.
Những yếu tố trên đã tạo ra một môi trường nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Khi xảy ra sự cố hỏa hoạn, việc thoát hiểm và cứu hộ gặp nhiều khó khăn, gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Kiểm soát chặt mô hình nhà ở kết hợp kinh doanh để phòng chống cháy nổ
Đề cập đến những giải pháp khắc phục vấn đề cháy nổ, Đại tá TS. Nguyễn Thành Long cho rằng giải pháp cấp bách lúc này, là cơ quan quản lý cần thường xuyên nghiêm túc tổng kiểm tra, rà soát các cơ sở nhà ở kết hợp kinh doanh trên địa bàn. Trường hợp vi phạm tiêu chuẩn phòng cháy, không có khả năng cải tạo để trở nên an toàn, cần có các chế tài xử lý nghiêm khắc mang tính răn đe. Và khi những tình huống cháy, nổ xảy ra phải xem xét đến trách nhiệm của người đứng đầu.
Tại kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV thảo luận tại tổ về dự án luật PCCC và cứu nạn, cứu hộ, đại biểu Thái Thị An Chung đề xuất giải pháp quy định điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy như với nhà ở và bổ sung thêm yêu cầu “phải có giải pháp ngăn cháy giữa khu vực để ở với khu vực kinh doanh”.
Đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu để xây dựng một điều riêng trong dự thảo luật quy định điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở kết hợp với kinh doanh; trong đó cần quy định rõ khu dân cư, loại nhà ở được kết hợp kinh doanh; dịch vụ nào được phép kết hợp kinh doanh trong nhà ở…
Từ góc độ cơ quan quản lý về xây dựng, ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng cho biết: Căn cứ tình hình thực tiễn, Bộ đã phối hợp với Bộ Công an, Cảnh sát PCCC&CNCH TP. Hà Nội, Cảnh sát PCCC&CNCH TP.HCM đã biên soạn “Tài liệu tham khảo Hướng dẫn nâng cao an toàn cháy đối với công trình hiện hữu”. Trong đó có một số giải pháp kỹ thuật được bổ sung liên quan đến đường thoát nạn, ngăn chặn cháy lan, báo cháy...
Trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ ban hành Tiêu chuẩn TCVN Nhà ở riêng lẻ - Yêu cầu chung về thiết kế do các cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng biên soạn (dự kiến công bố trong tháng 6/2024). Tiêu chuẩn này áp dụng cụ thể cho đối tượng là nhà ở riêng lẻ và nhà ở riêng lẻ kết hợp với mục đích kinh doanh có quy mô dưới 7 tầng (hoặc có chiều cao PCCC dưới 25m, hoặc có khối tích nhỏ hơn 5000m3).
Vấn đề cháy nhà ở kết hợp kinh doanh đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc tăng cường công tác phòng chống cháy nổ để đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, người dân và các tổ chức sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ và hậu quả của các vụ cháy nổ trong tương lai. Chỉ khi toàn xã hội cùng chung tay thực hiện các giải pháp trên, chúng ta mới có thể bảo vệ được tính mạng và tài sản của cộng đồng, tạo ra một môi trường sống an toàn và bền vững.