Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Chú trọng phát triển công nghiệp hạ nguồn Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội: Đẩy nhanh tốc độ phát triển |
Trước làn sóng dịch chuyển các nhà máy sản xuất của các doanh nghiệp về khu vực Đông Nam Á, việc tổ chức HSIF 2020 sẽ là cơ hội tốt các doanh nghiệp CNHT của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung nâng cao năng lực, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu trong sản xuất linh kiện, phụ tùng (bao gồm 3 ngành: linh kiện điện - điện tử, linh kiện lắp ráp ô tô, xe máy, xe cơ giới và linh kiện cơ khí chế tạo). Đồng thời, đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, kết nối kinh doanh, mở rộng thị trường, và đặc biệt có thể rút ngắn thời gian giao dịch đàm phán.
Năm 2020, HSIF 2020 kỳ vọng sẽ kết nối nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với giá trị giao dịch cao nhất từ trước đến nay |
Tại buổi họp báo về HSIF 2020 chiều ngày 23/10, ông Đàm Tiến Thắng – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội – cho biết: nhằm hỗ trợ doanh nghiệp có thể giao thương hiệu quả trong điều kiện mới do tác động của đại dịch Covid-19, HSIF 2020 sẽ được tổ chức theo hình thức offline kết hợp với online, trong đó, các doanh nghiệp tham gia hội chợ vừa có thể giao thương trực tiếp tại hội trường, vừa có thể giao thương qua công cụ họp trực tuyên với các doanh nghiệp nước ngoài tại Nhật Bản, Thái Lan … không thể sang Việt Nam trong dịp này.
Với hình thức tổ chức độc đáo, HISF 2020 đã thu hút được nhiều doanh nghiệp nước ngoài tham gia gian hàng online, tổng số doanh nghiệp đăng ký tham gia gian hàng theo cả 2 hình thức đến ngày 20/10/2020 là gần 190 doanh nghiệp, với 230 gian hàng, trong đó có nhiều nhà mua lớn đang có nhu cầu tìm kiếm đơn vị cung cấp tại Việt Nam.
Mỗi doanh nghiệp tham gia triển lãm có tối đa 20 cuộc giao thương chính thức, mỗi cuộc tối đa 30 phút, diễn ra liên tục trong 2 ngày. Ngoài ra, doanh nghiệp được đăng tải và gửi thông tin quảng bá tới hàng chục ngàn doanh nghiệp sản xuất chế tạo tại Nhật Bản, Việt Nam, Thái Lan.
Khách tham quan có thể đặt lịch hẹn và đến trực tiếp tại hội trường hoặc giao thương online hoàn toàn miễn phí. Đây là cơ hội hiếm có cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận trực tiếp với các ông lớn trong ngành chế tạo. Với hai hình thức: giao thương trực tiếp và qua công cụ họp trực tuyến, các doanh nghiệp nước ngoài không thể sang Việt Nam vẫn có thể tiến hành giao thương, trao đổi hợp tác kinh doanh. Các doanh nghiệp trong nước cũng có thể tiếp cận với các nhà mua Nhật Bản, Thái Lan… mà không cần phải ra nước ngoài.
Là sự kiện hội chợ, triển lãm công nghiệp mang tầm quốc tế lần đầu tiên do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức, HSIF 2020 nhận được sự quan tâm lớn của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), các sở, ngành của thành phố, các hội, hiệp hội cũng như các tổ chức, cơ quan chính quyền phía Nhật Bản như tỉnh Kanagawa, tỉnh Fukui, tỉnh Ibaraki, tỉnh Tochigi…
“Đây là quyết tâm lớn của thành phố Hà Nội, trong đó Sở Công Thương đóng vai trò chủ trì tổ chức, mong muốn đồng hành cùng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung vượt qua thách thức của đại dịch Covid-19, tăng cường năng lực, mở rộng thị trường, tham gia ngày càng sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu và là tiền đề để tổ chức Hội chợ quốc tế công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nội thường niên”- ông Đàm Tiến Thắng nhấn mạnh.
HSIF 2020 sẽ tổ chức từ ngày 28-29/10/2020 tại Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội). Các hội thảo quốc tế chuyên đề về phát triển CNHT cũng sẽ được tổ chức bên lề hội chợ.