Doanh nghiệp chờ đợi điều gì gói hỗ trợ lần 2 Đôi điều về thành phố Rostov-on-Don |
LTS: Nguyễn Đình Đầu (sinh năm 1920) là một học giả nghiêm túc, tận tụy trong lĩnh vực địa lý, lịch sử Việt Nam. Ông là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về lãnh thổ Việt Nam qua từng thời kỳ. Một điều khá thú vị, trong quá trình tìm lại lịch sử ra đời của Báo Công Thương từ thời điểm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chúng tôi đã may mắn được biết học giả Nguyễn Đình Đầu đã từng là bí thư (phụ tá) của ông Nguyễn Mạnh Hà, Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Kinh tế - tiền thân của Bộ Công Thương.
Những hồi ức, tư liệu quý giá do học giả Nguyễn Đình Đầu cung cấp đã giúp chúng tôi hình dung rõ nét về thuở lập quốc, kiến quốc từ mùa thu năm 1945, gắn liền với sự hình thành và phát triển của ngành Công Thương, trong đó có sự ra đời của tờ tin Kinh tế - tiền thân của Báo Công Thương ngày nay.
Học giả Nguyễn Đình Đầu còn là một nhà báo - như ông tự nhận là không chuyên. Các ấn phẩm báo chí ông tham gia đều dưới danh nghĩa phục vụ cho công giáo (Ki-tô giáo) và xuất bản khi đất nước còn chiến tranh, chia cắt. Nhưng ông và các cộng sự làm báo đã thể hiện quan điểm, khát vọng chấm dứt chiến tranh, thống nhất và hòa bình cho đất nước Việt Nam.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Tôi sinh năm 1920, lúc 13 tuổi làm tông đồ Nghĩa binh Thánh thể ở họ đạo Tân Lạc, ngoại thành Hà Nội. Quản hội là ông Đông Bích (Nguyễn Hưng Thi) - chủ bút báo Trung Hòa và linh mục coi như tuyên úy là cha Gastine - Bùi Đức Tín thuộc dòng Xuân Bích mới ở Pháp sang học tiếng Việt với ông Đông Bích. Đó là hai người thầy đầu đời của tôi.
Tổng Biên tập Báo Công Thương Nguyễn Văn Minh và học giả Nguyễn Đình Đầu |
Lũ nhỏ chúng tôi vừa học Bổn thuộc lòng với ông Quản giáo để thi lấy thưởng bánh dầy, vừa học giáo lý với ông Đông Bích bằng phương pháp giải thích Kinh thánh theo khoa học và đức tin. Tôi thân với em ông Đông Bích là Nguyễn Ngọc Thư hơn tôi độ 3 tuổi, nên ông Đông Bích “mở lớp” dạy riêng hai đứa cả về thời sự và tình hình đạo đời quốc gia quốc tế lúc ấy.
Năm 1940, tôi đang học ở trường Bách nghệ Hà Nội, bỗng một hôm cha Cras - Đỗ Minh Vọng OP được phép Giám đốc Combolive cho gặp những học sinh công giáo - cả 3 khóa chỉ khoảng 25 người, đa số là Tây, Tây lai. Cha Vọng nói chuyện rất vui bằng tiếng Pháp, gợi ý cho chúng tôi lập đoàn Thánh Lao Công và đặt tôi làm đoàn trưởng. Khi ấy tôi đã là tráng sinh của tráng đoàn Trần Khánh Dư do giáo sư toán Nguyễn Quang Hỗ lập ra trong trường Bách nghệ. Tôi phụ trách tờ bích báo của đoàn, lại có dịp tiếp xúc với huynh trưởng Hoàng Đạo Thúy mà tôi coi như thần tượng. Thời gian ấy tôi mới vỡ lẽ là Hướng đạo chủ yếu đào tạo ưu tú, còn Thanh Lao Công chủ yếu cải tạo môi trường và đào tạo thành phần gây ảnh hưởng như men trong bột - đó là quần chúng.
Năm 1941, tôi là học sinh duy nhất ra trường được làm việc tại Sở Vô tuyến điện Bạch Mai, rất gần gia đình, có lương tạm đủ nuôi mẹ và các em. Tôi gia nhập hội Truyền bá quốc ngữ và phụ trách các lớp i tờ của một trong 5 cửa ô Hà Nội, đó là cửa ô Cầu Dền và Bạch Mai. Tôi lại có nhiều dịp gặp gỡ học giả Nguyễn Văn Tố. Đồng thời tôi lập đoàn Thanh Lao Công Tân Lạc. Đang tìm linh mục làm tuyên úy, thì cha Gérard Gagon Nhân DCCT đến tìm tôi để trám chỗ huynh trưởng Hướng đạo công giáo. Tôi liền chia sẻ với cha: Huynh trưởng thì dễ tìm hơn tuyên úy và xin ngài làm tuyên úy cho đoàn Tân Lạc, ngài nhận lời.
Năm 1942, tôi được cử làm Tổng thư ký Thanh Lao Công Bắc Kỳ. Lúc đó, Nam Định có 5 đoàn, Hà Nội có 7 đoàn, Hải Phòng có 7 đoàn. Cha Vacquier Cao làm Tổng tuyên úy. Tôi còn phụ trách Thanh Lao Công khu vực Hà Nội, cha Trịnh Như Khuê làm tuyên úy, ngài cũng là cha linh hồn của tôi. Về truyền thông, chúng tôi có 3 tờ báo: Thư gửi các Tuyên úy (Lettre aux aumoniers) viết bằng tiếng Pháp do cha Courtois Lịch dòng Xuân Bích phụ trách. - Nguyệt san Chiến sĩ do tôi phụ trách, mỗi kỳ in ra 200 bản. - Hy vọng Lao động hướng về quần chúng đông đảo, mỗi kỳ in ra 2.000-5.000 số, do anh Nguyễn Mạnh Hà phụ trách. Tôi tự coi như làm báo từ đây và viết được mấy bài cho báo Thanh Niên Nam Định mà anh Phạm Đình Khiêm làm chủ bút. Anh Hà hơn tôi gần 10 tuổi, có bằng cử nhân, học xong chương trình tiến sĩ Khoa học chính trị, có vợ đầm, về nước năm 1938, làm Thanh tra Lao động miền Hải Phòng - Quảng Ninh. Anh sáng lập Thanh Lao Công Hải Phòng với cha Lopez Lề OP làm tuyên úy và luôn giữ liên lạc thân hữu với cha Cras Vọng. Từ hồi đó anh đặc biệt ưu ái tôi. Mỗi dịp cấm phòng chung cho các đoàn Bắc Kỳ, anh thường tìm cách gặp riêng tôi để trao đổi về tình hình chiến tranh thế giới và thời cơ giành độc lập cho tổ quốc.
Năm 1945, nạn đói khốc liệt gây tử vong cho hàng triệu sinh linh ở Bắc Kỳ. Anh Hà và Thanh Lao Công Hải Phòng lập được 5 quán cơm lao động. Tháng 3, Nhật đảo chính Pháp, Bảo Đại lập chính phủ Trần Trọng Kim. Sau thành công của Cách mạng Tháng Tám, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đưa nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do, dân chủ.
Ông Võ Nguyên Giáp đại diện Cách mạng mời anh Hà làm Bộ trưởng Bộ Kinh tế. Anh nhã nhặn mời tôi làm bí thư cho Bộ và mời được Vũ Đình Khoa làm chánh văn phòng, Vũ Văn Huyền làm đổng lý văn phòng. Hai vị này đều tốt nghiệp cử nhân luật gần đồng thời với ông Võ Nguyên Giáp. Các vị đều giỏi tiếng tây hơn tiếng ta nên anh Hà bảo tôi cố làm bản thuyết trình cho bộ để anh đi họp Chính phủ ngày 3/9/1945. Tôi hoảng sợ, may nhờ có cuốn sách nhỏ của Hồ Hữu Tường viết về tương lai kinh tế Việt Nam, tôi dựa vào đấy để nói lý thuyết, nhưng tôi đặc biệt nói đến trách nhiệm của Bộ Kinh tế phải khẩn trương đem gạo từ Nam ra Bắc cứu đói. Tôi không biết anh Hà có được đọc bản thuyết trình ấy không, nhưng nhận lệnh đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh về những việc cần làm ngay là trước hết phải chống giặc đói...
Tháng 3/1946, anh Hà đưa tôi ra Bắc bộ phủ gặp Thứ trưởng Bộ Nội vụ (Bộ trưởng là ông Võ Nguyên Giáp) để xin phép cho tôi đứng tên tờ báo Liên Đoàn, cơ quan của Liên đoàn Thanh niên Công giáo Việt Nam. Trong Việt Nam Dân Quốc Công báo năm thứ 2, số 14 ra thứ bảy ngày 6/4/1946, trang 180 có ghi: “Bộ Nội vụ - Theo Nghị định của Bộ Nội vụ ngày 26/3/1946: Ông Nguyễn Đình Đầu, Tổng Thư ký Liên đoàn Thanh niên Công giáo tiến hành được phép xuất bản tại Hà Nội, một tờ tuần báo bằng tiếng Việt Nam đặt tên là Liên Đoàn. Báo quán sẽ đặt ở trụ sở Liên đoàn Thanh niên Công giáo tiến hành”. Khi ấy anh Hà tưởng nhầm tôi có khả năng khá, anh cũng trông cậy vào sự hợp tác của giáo sư Nguyễn Huy Bảo, vào chủ bút Nguyễn Đức Lợi (báo Hy vọng Lao động ở Hải Phòng), báo chưa ra được số nào.
Học giả Nguyễn Đình Đầu cùng những bức ảnh đi cùng năm tháng |
Ngày 16/4/1946, một phái đoàn Quốc hội Việt Nam lên đường sang thăm Quốc hội và nhân dân Pháp. Anh Hà có chị Hà cùng đi. Sắc lệnh ngày 29/5/1946 cử nhân viên sung vào phái đoàn điều đình tại Fontainebleau cũng có tên anh Hà. Anh chị nhờ tôi trông nom ba con nhỏ ở Hà Nội.
Khoảng cuối tháng 6/1946, Đức cha Chaize Thịnh giáo phận Hà Nội, cử các anh Đỗ Tri Lễ, Mai Văn Hàm và tôi đi Huế để tổ chức Liên đoàn Công giáo Việt Nam. Chúng tôi qua Phát Diệm, Đức cha Lê Hữu Từ nhắn nhủ mấy điều cần thiết và cùng một anh đại diện Phát Diệm, một anh đại diện Bùi Chu, giáo sư Nguyễn Huy Bảo không là đại diện nhưng cùng đi cho vui. Tới Huế đã có đầy đủ đại diện Trung bộ và Nam bộ. Trước hết chúng tôi đến kính viếng Đức Khâm sứ Drapier. Ngài tiếp thân mật và nói rõ nguyên tắc của Tòa thánh là ủng hộ Liên đoàn hoạt động theo Công giáo Tiến hành, không lệ thuộc đảng phái chính trị. Chúng tôi cũng đi thăm bà Nam Phương, anh Mai Văn Hàm đưa tin tức tốt đẹp của ông Vĩnh Thụy (Bảo Đại) đang phục vụ ở Hà Nội. Bà vui mừng được góp phần vào việc nước và vẫn theo dõi tình hình công giáo.
Hội nghị dự thảo điều lệ cho Liên đoàn theo Hệ thống Công giáo Tiến hành “ở trên và ngoài các đảng phái”, thuần túy tôn giáo, dưới sự chỉ đạo của các đấng bản quyền, chia ra các đơn vị giáo phận giáo hạt giáo xứ, nam nữ, tuổi tác, chuyên biệt hoặc đạo đức...v.v. Tôi nhớ một cha thuộc DCCT chỉ đạo tinh thần, một nữ thư ký (quên tên), một thư ký nam (Lê Văn Vịnh), tất cả gồm khoảng gần 30 đại biểu, sau ngày hội thảo gay go (12-17/7/1946) thì dự thảo điều lệ Liên đoàn hoàn thành sẽ đệ trình Đức Khâm sứ và xin phép Chính phủ cho thi hành.
Việt Nam Dân quốc Công báo số 35 ra ngày 11/8/1946 ghi: “Theo Nghị định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ngày 6/8/1946: Hội Liên đoàn Công giáo Việt Nam, trụ sở ở Hà Nội, số 3 Nhà Chung, được phép thành lập và hoạt động theo thể lệ đã ấn định trong Sắc lệnh số 52 ngày 22/4/1946 và theo điều lệ đính theo Nghị định này”. Cụ Huỳnh Thúc Kháng ký tên. Có điều trớ trêu là tôi được phép ra báo Liên đoàn trước khi Liên đoàn có phép hoạt động. Nguyễn Mạnh Hà vẫn được làm Chủ tịch Liên đoàn nhưng không còn ảnh hưởng mấy, vì suốt thời gan đó anh có mặt ở hội nghị Fontainebleau.
Tháng 9/1946, anh Hà mới từ Pháp về Hà Nội, mang theo nhiều báo chí công giáo và dàn âm thanh khuếch đại khá lớn. Anh đề nghị tôi phiên dịch tin tức tôn giáo và nói trước cửa Nhà thờ Lớn và Nhà thờ Hàm Long. Nay tôi cũng chưa hiểu vì sao chính quyền để cho chúng tôi làm báo nói tự do như vậy.
Ngày 19/12/1946, nổ ra cuộc toàn quốc kháng chiến chống Pháp. Tôi tản cư vào dòng Châu Sơn (Ninh Bình) dạy học. Anh Hà cùng Hoàng Xuân Hãn và luật sư Vũ Văn Huyền lập thành nhóm 3 ông H (Les 3 H) thân Kháng chiến và ra báo Thông luận ở Hà Nội. Năm 1947, có Đại hội Thanh Lao Công thế giới, Việt Nam được cử một đại diện đi tham dự. Đức Khâm sứ Drapier từ chối cả hai ứng viên Nguyễn Mạnh Hà và Trương Công Cừu và bảo đi tìm Nguyễn Đình Đầu. Giữa năm 1950 tôi mới về Hà Nội. Thanh Lao Công Pháp mời tôi đi tham dự Đại hội Thanh niên Thế giới (WAY) tại Mỹ (Đại học Cornell ở thành phố Ithaca). Hè năm 1951, tôi dự Đại hội (cùng với Trương Công Cừu, Nguyễn Văn Thơ, Phan Thị Nguyệt Minh), rồi ở lại 3 tháng tham quan miền đông nước Mỹ, chủ yếu là Washington và New York. Tôi được các gia đình Mỹ thân mật tiếp rước và có dịp đi tham quan các cơ sở chính quyền, báo chí, xí nghiệp công nghệ lớn.
Mùa đông năm 1951, tôi từ Mỹ về Paris. Cha Nguyễn Quang Lãm làm tuyên úy Liên đoàn Công giáo Việt Nam tại Pháp. Cha Phạm Hân Quynh phụ trách báo Liên Đoàn, cha liền mời tôi làm thư ký tòa soạn. Thật là ngẫu nhiên, tôi đã được phép ra báo Liên Đoàn ở Hà Nội năm 1946, không ra được số nào, mà nay làm thư ký báo cùng tên Liên Đoàn ở Paris. Cha Quynh đang học Ngữ văn ở Sorbone, có lập trường tiến bộ, chống chiến tranh do Pháp tiến hành ở Việt Nam. Tôi lập được một đoàn nhỏ Thanh Lao Công Việt kiều. Cha Quynh và đoàn chúng tôi tiếp xúc với các tổ chức lao động và trí thức công giáo Pháp để tuyên truyền cho hòa bình ở Việt Nam (Paix au Việt Nam). Thành quả khả quan. Chính quyền Pháp cho cha Quynh và tên tôi vào sổ đen. Mật thám Pháp theo dõi chúng tôi chặt chẽ và gây khó khăn cho chúng tôi ở nơi cư ngụ và sinh hoạt. Từ giữa năm 1951, Nguyễn Mạnh Hà bị Delattre de Tassigny trục xuất về Pháp, Hoàng Xuân Hãn cũng bị cưỡng ép sang Pháp. Cha Quynh liên lạc với họ và các nhân vật khác về hoạt động yêu nước, nhưng vẫn giữ sắc thái của một linh mục thuần thành.
Tháng 5/1954, Pháp bại trận ở Điện Biên Phủ. Chính phủ Pháp vội vàng ký Hiệp định Geneve để có thể rút hết quân về. Tôi theo các anh lớn Nguyễn Mạnh Hà, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Ngọc Bích (cựu sinh viên Bách khoa Pháp, người Cao Đài, Bến Tre) đi Geneve gặp Trưởng phái đoàn Phạm Văn Đồng là người từng thân quen để tỏ thái độ công khai đứng về phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trở về Paris sau khi hiệp định Geneve ký kết, Nguyễn Mạnh Hà và Hoàng Xuân Hãn cho ra báo Thống Nhất. Vô tình đa số “ký giả” là người Công giáo. Các anh chỉ định tôi làm Tổng biên tập. Mười số báo đã gây được tiếng vang.
Một số anh em chúng tôi về miền Nam, hy vọng hai năm sau hiệp thương thống nhất. Nhưng Ngô Đình Diệm đã được Bảo Đại cử làm thủ tướng, lại chỉ 6 tháng sau phế truất Bảo Đại để thiết lập chế độ Việt Nam Cộng hòa.
Kho tư liệu quý của học giả Nguyễn Đình Đầu |
Về tới Sài Gòn giữa năm 1955, tôi tìm chỗ dạy học tư để sinh sống và liên lạc ngay với đoàn viên Thanh Lao Công cả nam lẫn nữ để hoạt động. Khi ấy Sài Gòn đã có đoàn Thanh Lao Công cả nam lẫn nữ do cha Triêu làm tuyên úy. Cha Nguyễn Đắc Cầu chánh sứ họ đạo Phú Nhuận làm tuyên úy chung. Tôi cũng phối hợp hoạt động khiêm tốn với sinh viên và trí thức qua các cha Nguyễn Huy Lịch OP, Nguyễn Bình An OFM. Năm 1960 cha Cầu và tôi cùng anh Mai Như Thịnh (Chủ tịch Thanh Lao Công Sài Gòn) giúp thành lập đoàn Thanh Lao Công Tân Mai, Biên Hòa.
Đầu năm 1960, đại tá Nguyễn Chánh Thi nổi dậy đảo chính hạ Ngô Đình Diệm song bất thành. Ngày 20/12/1960, Đại hội thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam tại Tây Ninh. Miền Nam nổi dậy chống Mỹ - Diệm cả về quân sự, thành lập các vùng giải phóng ngày càng rộng.
Đầu năm 1962, cha Claude Larre SJ đề nghị tôi có thể làm gì giúp Trung tâm Truyền hình Đắc Lộ hoặc viết sách báo. Tôi thú thực không có khả năng làm truyền thông bằng hình hoặc nói, nếu ra báo trình độ phổ thông thì may ra tôi cáng đáng nổi. Tôi đề nghị xin giúp cho giáo dân ra một tuần báo thông tin và nghị luận chủ yếu nhằm theo dõi Công đồng Vatican II. Cha Larre tán thành. Dòng Tên cho biết sẽ xin Công giáo Đức ủng hộ 10.000 USD. Chúng tôi vui mừng, liền triệu tập các anh chị: Nguyễn Đức Phong, Trần Hữu Quảng, Lý Chánh Trung, Trần Văn Toàn, Nguyễn Văn Trung, cha Trần Viết Thọ, cha Nguyễn Quang Lãm, cha Nguyễn Huy Lịch, cha Parel, chị Nguyễn Thị Oanh, chị Henriette Servais... Anh Nguyễn Đức Phong đứng tên chủ nhiệm, cha Trần Viết Thọ đứng tên cố vấn. Tuy tôi là sáng lập viên nhưng vì không có thiện cảm của chính quyền (Sài Gòn) nên phải giấu tên. Chúng tôi lấy tên là Tuần báo Sống Đạo, làm thử nghiệm một số 0 (không). Anh Phong và tôi mang số báo in thử lên trình và xin phép Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình. Ngài vui mừng tán thành, liền cho Imprimatur (được phép in). Số báo ấy thành số 1 ra ngày 24/6/1962. Lúc đầu định in 5.000 bản, sau phải in tới 23.000 bản mới đủ phát hành. Báo ra được vài số thì linh mục Nguyễn Văn Hòa nhận làm phóng viên tại Roma chuyên trao đổi tin tức sốt dẻo về Công đồn, linh mục Nguyễn Ngọc Lan DCCT nhận dịch một số bài sang tiếng Pháp và in một ấn bản tại Paris, cha Trần Tam Tỉnh nhận làm đại diện Sống Đạo tại Bắc Mỹ. Sau lại có thêm Hoàng Minh Thức (thư ký tòa soạn), Lê Đức Hạnh, Anh Tôn Trang, Trần Thái Đỉnh, Nguyễn Khắc Xuyên, Châu Tâm Luân, cha Trương Bá Cần, cha Trương Đình Hòe, Trần Tuấn Nhậm, Nguyễn Quốc Thái, Lê Đình Bảng, Nguyễn Phúc Khánh...v.v. Sống Đạo gây được tiếng vang đáng kể vì sống theo tinh thần Công đồng canh tân Giáo hội và kêu gọi hòa bình ở Việt Nam.
Lãnh đạo, cán bộ Báo Công Thương trong một lần thăm học giả Nguyễn Đình Đầu |
Ngày 31/10/1963, Mỹ bật đèn xanh cho quân đội (Sài Gòn) đảo chính chấm dứt chế độ Ngô Đình Diệm, sát hại Diệm - Nhu. Tiếp đến là giai đoạn tranh chấp quyền lực. Chiến tranh leo thang khốc liệt, Mỹ đổ quân vào miền Nam Việt Nam. Tới năm 1967, Nguyễn Văn Thiệu lập ra Việt Nam đệ nhị Cộng hòa.
Năm 1973, Hội nghị bốn bên họp tại Paris, kết quả Mỹ phải rút quân, còn Nam Việt Nam sẽ được giải quyết chính trị bằng một Ủy ban Hòa hợp Hòa giải Dân tộc gồm 3 thành phần. Song thực tế, ngày 30/4/1975, Quân đội nhân dân Việt Nam mở đợt tiến công cuối cùng, tiến thẳng vào trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm Dinh Độc Lập, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Thật sự tôi không phải người viết báo công giáo chuyên nghiệp. Tôi chỉ cố tập viết những bài do nhu cầu của đoàn thể mà tôi tham gia. Hầu như không có bài đăng ở các báo chí công giáo khác, dù tôi rất kính trọng và lấy nhiều bài trong đó làm gương. Tôi cũng không được đào tạo về văn chương, nên bài viết rất giản dị và mộc mạc như nghĩ sao nói vậy. Từ năm 1942 đến năm 1951, tôi kể lại chuyện làm báo theo trí nhớ tuy căn cứ vào Lịch sử Thanh Lao Công và Việt Nam dân quốc Công báo năm 1946.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, ơn trên đã cho sống luống tuổi và không ngờ đã “lãng đãng 70 năm trong báo chí công giáo” của kẻ viết báo không chuyên.