Xin chào bà, đến thời điểm hiện tại, Nghị định số 40 đã được triển khai hơn 1 năm dưới sự giám sát của Bộ Công Thương. Bà có thể chia sẻ những thuận lợi và cả khó khăn mà doanh nghiệp bán hàng đa cấp gặp phải trong quá trình đáp ứng những quy định mới của Nghị định?
Bà Trương Thị Nhi - Chủ tịch Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam |
Nghị định 40 có hiệu lực vào ngày 2/5/2018. Cho đến nay chỉ cón có 23 doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện theo quy định và được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp sửa đổi, bổ sung, 5 doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận do không đáp ứng đủ điều kiện của nghị định.
Theo chúng tôi, về mặt thuận lợi, Nghị định 40 ra đời đã góp phần thắt chặt và minh bạch hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, bảo vệ doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chân chính.
Cụ thể, những quy định mới trong Nghị định 40 đòi hỏi doanh nghiệp xây dựng hệ thống mới. Doanh nghiệp đáp ứng nhiều tiêu chuẩn cao và khắt khe từ quá trình cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, đến quá trình hoạt động tại địa phương.
Đặc biệt, một điểm mới được quy định tại Nghị định 40 được xem là phù hợp và bắt kịp xu hướng thế giới đó là việc doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, kiểm soát mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp, giúp cho việc kinh doanh và quản lý, giám sát chính xác, minh bạch, hiệu quả.
Tại địa phương, doanh nghiệp cũng phải duy trì chế độ báo cáo thường xuyên để nâng cao khả năng quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước.
Nghị định 40 vừa qua cho thấy sự cải thiện trong công tác quản lý, giám sát góp phần làm lành mạnh thị trường kinh doanh đa cấp |
Như vậy, quá trình thực thi Nghị định 40 vừa qua cho thấy sự cải thiện trong công tác quản lý, giám sát góp phần làm lành mạnh thị trường. Đây thực sự là một tín hiệu tốt cho việc đầu tư lâu dài, phát triển bền vững trong ngành bán hàng đa cấp Việt Nam.
Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại một số vướng mắc trong quá trình thực thi nghị định. Còn những khó khăn khi thực hiện chủ yếu do việc chưa thống nhất thực hiện thủ tục hành chính giữa các Sở Công Thương trong các hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh đa cấp tại địa phương như đăng ký hoạt động tại địa phương, tổ chức hội nghị, hội thảo, báo cáo hàng tháng, báo cáo định kỳ… Về vấn đề này, phía hiệp hội đã có những ý kiến đóng góp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, hi vọng trong thời gian tới, các Sở Công Thương sẽ có phương án triển khai đồng bộ hơn.
Xin bà cho biết, hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam hiện nay đã có những bước chuyển mình như thế nào so với những năm trước kia, đặc biệt là trước khi có Nghị định 40?
Thực tế, ngành bán hàng đa cấp tại Việt Nam sau khi Nghị định 40 có hiệu lực đã có những thay đổi rõ rệt. Có thể thấy rõ nhất là số lượng doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp giảm đáng kể.
Trong ba giai đoạn từ khi Luật Cạnh tranh, Nghị định 110/2005/NĐ-CP có hiệu lực đến giai đoạn Nghị định 42/2014/NĐ-CP và hiện tại là Nghị định 40/2018/NĐ-CP, số lượng doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp giảm từ 102 xuống còn 23 công ty. Nhưng đáng chú ý là, dù số lượng doanh nghiệp giảm nhưng số lượng người tham gia bán hàng đa cấp và doanh thu bán hàng đa cấp tăng.
Cụ thể, số lượng người tham gia bán hàng đa cấp và doanh thu năm 2018 tăng lần lượt là 43% và 30% so với năm 2017. Số liệu 6 tháng đầu năm 2019 cũng rất khả quan. Điều này dễ hiểu bởi việc siết chặt quản lý của Bộ Công Thương đã làm người dân yên tâm hơn khi muốn tham gia hoạt động bán hàng đa cấp.
Tuần qua, tại kỳ họp Quốc hội, đại biểu Dương Tấn Quân của Bà Rịa - Vũng Tàu đã có ý kiến: “Thời gian qua, hoạt động bán hàng đa cấp biến tướng không phép có biểu hiện gia tăng và diễn biến phức tạp, gây nguy cơ ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người dân”, bà đánh giá như thế nào về hiện tượng này? Hiệp hội đã có những biện pháp nào chủ động phát hiện và đấu tranh với những hình thức bán hàng đa cấp bất chính gây tổn hại đến môi trường kinh doanh chung của ngành, thưa bà?
Hoạt động bán hàng đa cấp biến tướng không phép đang là một mối quan tâm đối với toàn xã hội. Nó không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp được cấp phép. Thời gian qua, cơ quan quản lý nhà nước cũng đã triệt phá một số doanh nghiệp kinh doanh lừa đảo như về bất động sản, tiền ảo, công nghệ sinh học… đó không phải là kinh doanh đa cấp. Sự biến tướng này đã gây ảnh hưởng rất lớn tới ngành đa cấp chân chính tại Việt Nam.
Ở góc độ hiệp hội, chúng tôi không có quyền hạn tham gia xử lý, đấu tranh nhưng chúng tôi đã đang và luôn tích cực phối hợp, thông tin đa chiều với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng và Sở Công Thương các tỉnh thành đối với các hiện tượng, đối tượng có những thủ đoạn biến tướng để các cơ quan chức năng có biện pháp điều tra, xử lý.
Là đại diện tiếng nói của những doanh nghiệp bán hàng đa cấp chân chính, theo Hiệp hội thời gian tới, các cơ quan chức năng liên quan cần có thêm biện pháp nào để ngăn chặn tình trạng bán hàng đa cấp biến tướng, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành, thưa bà?
Hiệp hội kiến nghị cần có cơ chế rõ ràng hơn cho các cơ quan quản lý trong việc phối hợp phát hiện, điều tra và xử lý các thủ đoạn biến tướng bán hàng đa cấp trái phép. Đồng thời tăng cường phối hợp với cơ quan quản lý địa phương, thống nhất việc thực thi các quy định về bán hàng đa cấp để vừa nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước vừa tạo điều kiện cho hoạt động bánh hàng đa cấp chân chính phát triển bền vững.
Hiệp hội cũng rất mong Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền với các cơ quan quản lý có liên quan và người dân để nâng cao nhận thức pháp luật và thực trạng của hoạt động bán hàng đa cấp.
Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!