Hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế tiếp tục củng cố,nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế Hoạt động đối ngoại đa phương đã nâng tầm vị thế Việt Nam trên trường quốc tế |
50 chuyến thăm cả trong và ngoài nước, 70 văn kiện hợp tác với bộ, ngành các nước và gần 100 thỏa thuận hợp tác địa phương... là những con số ấn tượng trong thành quả công tác đối ngoại của Việt Nam trong năm 2023.
Điểm sáng ấn tượng
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: “Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”. Không chỉ gây ấn tượng bởi số lượng chuyến công du nước ngoài của lãnh đạo chủ chốt cũng như số chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao các nước đến Việt Nam, công tác đối ngoại năm 2023 còn thể hiện thành quả qua chỉ số thu hút FDI, xuất nhập khẩu, tổng các văn kiện hợp tác được ký kết với bộ, ngành, địa phương các nước...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden |
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, trong năm 2023, công tác đối ngoại thành công khi tổ chức tốt 22 chuyến thăm nước ngoài của lãnh đạo chủ chốt và 28 chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao các nước đến Việt Nam. Các sự kiện khẳng định tầm vóc và vị thế mới của Việt Nam trên thế giới. “Năm 2023 ghi dấu ấn sôi động trong các hoạt động đối ngoại. Đây được đánh giá là một điểm sáng nổi bật. Đặc biệt, nhiều sự kiện có ý nghĩa lịch sử, góp phần khẳng định chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế như ngày nay” - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.
Những thành công đó cũng bắt nguồn từ đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, trường phái đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam" và sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Quan hệ đối ngoại trên bình diện song phương và đa phương trong năm 2023 tiếp tục được mở rộng và sâu sắc hơn, trong đó, quan hệ với nhiều đối tác quan trọng đã được nâng lên tầm cao mới với những bước phát triển mới về chất, nổi bật là quan hệ với các nước lớn như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và nhiều đối tác khác.
Trong năm 2023, Việt Nam và Trung Quốc đồng ý xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc”; nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện” với Hoa Kỳ và Nhật Bản; nâng quan hệ lên đối tác toàn diện, đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện với 30 nước, trong đó, có 5 Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Phát biểu trong chuyến thăm tới Việt Nam mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khẳng định, mối tình hữu nghị Trung Quốc - Việt Nam có nền tảng nằm ở nhân dân và tương lai ở thanh niên. Trung Quốc và Việt Nam ngày nay đang hướng tới mục tiêu rõ rệt, sự phát triển kinh tế - xã hội chứng minh cho thế giới rằng, con đường phát triển mà hai nước lựa chọn là hoàn toàn đúng đắn. Hai nước tăng cường đoàn kết, hợp tác có lợi cho sự phát triển sự nghiệp xã hội chủ nghĩa của mỗi nước.
Với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trong cuộc họp báo chung với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau cuộc hội đàm trong chuyến thăm chính thức hồi tháng 9 vừa qua nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững đã khẳng định: “Chúng ta nâng cấp quan hệ hai nước lên mức quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và chúng tôi rất vui vì điều này. Đây là một bước đi vô cùng quan trọng cho cả hai quốc gia bởi nó thể hiện sức mạnh của bản thân mối quan hệ đó khi chúng ta đang phải đương đầu với những thách thức có tác động to lớn đối với tương lai của khu vực và cả thế giới”.
Trên bình diện đa phương, Việt Nam đã có nhiều đóng góp hiệu quả và đảm nhiệm thành công vai trò chủ chốt tại các tổ chức, diễn đàn quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc, ASEAN. Chủ động đưa ra nhiều ý tưởng sáng tạo ở hầu hết tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, nhất là ASEAN, ASEM, APEC, Liên hợp quốc, nhóm các nước G7, G20... Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu.
Trong bối cảnh ASEAN đang phải đối mặt với những thách thức lớn cả trong và ngoài khu vực, vai trò và vị thế của Việt Nam ngày càng được coi trọng và đánh giá cao. Nhiều nước kỳ vọng Việt Nam đóng vai trò lớn hơn trong ASEAN, trở thành cầu nối giữa ASEAN với các quốc gia đối tác đối thoại. Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhấn mạnh, những đóng góp của Việt Nam trong 28 năm qua đồng hành cùng ASEAN, với tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam không chỉ nghiêm túc hoàn thành các cam kết và nghĩa vụ của một nước thành viên, mà còn có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển và lớn mạnh của ASEAN.
Đóng gớp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế
Thực hiện chủ trương “xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm”, bám sát tư duy mới về ngoại giao kinh tế theo tinh thần Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư và Chương trình hành động của Chính phủ, công tác ngoại giao kinh tế đã triển khai đồng bộ, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, trong bối cảnh thế giới nhiều bất ổn, cộng đồng quốc tế coi Việt Nam là điểm sáng để đầu tư, làm ăn kinh doanh.
Trước hết, hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia các liên kết kinh tế quốc tế đã chủ động, tích cực và hiệu quả hơn. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, “bên cạnh thực hiện hiệu quả các FTA đã ký, năm 2023, Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với Israel và đang tích cực đàm phán FTA với các đối tác khác; ký trên 70 văn kiện hợp tác của các bộ, ngành và gần 100 thỏa thuận hợp tác của các địa phương và hàng trăm thỏa thuận của doanh nghiệp...”
Kết quả, các hoạt động ngoại giao kinh tế đã đóng góp quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xuất nhập khẩu năm 2023 đạt gần 700 tỷ USD, trên 30 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, thu hút FDI tăng 14,8%, tiếp cận nhiều nguồn vốn mới có chất lượng trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn. Với sự kiện lần đầu tiên GDP vượt 400 tỷ USD, Việt Nam đang đứng thứ 3 trong ASEAN và thuộc nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài.
Trước thành tựu này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá lĩnh vực ngoại giao kinh tế đã đổi mới tư duy, thay đổi nhận thức, nắm chắc tình hình khu vực, thế giới, tiếp tục tham mưu cho Đảng, Nhà nước, xây dựng chính sách và thực hiện chính sách về ngoại giao kinh tế. Ngoại giao kinh tế cũng kết hợp nhuần nhuyễn giữa sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy mạnh mẽ mối quan hệ giữa lấy nguồn lực bên trong với nguồn lực bên ngoài, từ đó, huy động nguồn lực để phát triển đất nước.
Năm 2023, công tác đối ngoại của Việt Nam đã được triển khai tích cực, chủ động và toàn diện trên cả 3 trụ cột: Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. |