Công đoàn Công Thương Việt Nam: Lan toả những mô hình vì người lao động, thi đua sáng tạo Khai mạc Phiên trọng thể Đại hội Công đoàn Công Thương Việt Nam lần thứ IV, nhiệm kỳ 2023 - 2028 |
Hoạt động đối ngoại tại Công đoàn Công Thương Việt Nam được đánh có giá hiệu quả, bài bản, mang tính chuyên nghiệp cao. Báo cáo của Công đoàn Công Thương Việt Nam cho thấy, tính riêng trong giai đoạn 2015 - 2018, công đoàn ngành đã tổ chức 57 đoàn ra (144 lượt cán bộ), đón 81 đoàn vào (690 khách quốc tế), đăng cai tổ chức 69 hội nghị, hội thảo quốc tế; cử 116 lượt cán bộ tham dự 37 hội nghị, hội thảo ngoài nước, 1.909 cán bộ tham dự 27 hội nghị, hội thảo, tập huấn trong nước…
Hoạt động đối ngoại đã góp phần củng cố tình đoàn kết, hữu nghị với người lao động và nhân dân các nước |
Giai đoạn 2018 - 2020: Công đoàn Công Thương Việt Nam đã tổ chức 36 đoàn ra, riêng năm 2020 và 2021 có 11 đoàn đoàn ra dưới dạng trực tuyến (92 lượt cán bộ), đón 13 đoàn vào (68 khách quốc tế), đăng cai tổ chức 25 hội nghị, hội thảo quốc tế; cử hàng trăm lượt cán bộ tham dự hội nghị, hội thảo ngoài nước, hội nghị, hội thảo, tập huấn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các đối tác tổ chức. Tranh thủ sự hỗ trợ, tài trợ thông qua các dự án, chương trình, lớp tập huấn của các công đoàn ngành: Kim khí Đức (IG Metall), Mỏ Hóa chất và Năng lượng Đức (IG BCE), Kim khí Phlen-đơ Bỉ (ABVV-Metaal)… các tổ chức phi Chính phủ như: Tổ chức nhân dân Úc vì Y tế, Giáo dục và Phát triển hải ngoại (APHEDA), Viện Friedrich Ebert (FES) Đức.
Trong hai năm 2020 và 2021, hoạt động đối ngoại phải tạm ngừng do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, song Công đoàn Công Thương Việt Nam đã kịp thời chia sẻ và hỗ trợ đoàn viên, người lao động; đổi mới hình thức, phương pháp hợp tác, tiếp tục phát huy hiệu quả trong ổn định quan hệ song phương, góp phần xây dựng hình ảnh và giữ vững sự hiện diện của Công đoàn Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế theo hình thức trực tuyến.
Ngay sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế của tổ chức công đoàn được tăng cường, linh hoạt, thích ứng với tình hình mới, theo đúng chủ trương, đường lối đối ngoại, chính sách của Đảng, Nhà nước. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý hoạt động đối ngoại được thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống theo quy chế quản lý hoạt động đối ngoại.
Trao giấy chứng nhận khóa tập huấn nâng cao cho cán bộ Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào |
Theo đó, ngay trong tháng 6/2022, đoàn đại biểu Công Thương Việt Nam đã sang thăm, làm việc và hỗ trợ tập huấn khóa cơ bản (Khóa VII bước 1) cho cán bộ công đoàn Lào tại tỉnh Viêng Chăn. Tháng 10/2022, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã hoàn thành khóa tập huấn nâng cao (Khóa VI bước 2) và phát chứng chỉ cho 34 học viên Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào tại TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.
Báo cáo của Công đoàn Công Thương Việt Nam cho thấy, tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, công đoàn ngành đã tổ chức nhiều hoạt động đối ngoại, như: Phối hợp với chuyên gia của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức tập huấn về Chuyển dịch công bằng cho cán bộ công đoàn ngành hóa chất tại khu vực phía Nam và Hội thảo “Các giải pháp cân bằng căng thẳng tại nơi làm việc, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cho người lao động”; tham gia tọa đàm và hướng dẫn các đơn vị ngành hóa chất triển khai Bộ hướng dẫn Chuyển dịch công bằng của Tổ chức ILO; đón đoàn đại biểu Ban Chấp hành Công đoàn Kim khí Phlenđơ Bỉ; phối hợp với chuyên gia Công đoàn Kim khí Phlenđơ Bỉ tổ chức khóa tập huấn cơ bản về các kỹ năng thương lượng đàm phán và ký kết thoả ước lao động tập thể cho cán bộ công đoàn ngành Công Thương…
Bên cạnh đó, Công đoàn ngành Công Thương còn đón đoàn đại biểu Công đoàn Công nghiệp và Sản xuất Toàn cầu; phối hợp tổ chức Hội nghị Ban Chỉ đạo khối Điện, điện tử, tin học và Công nghệ thông tin tại Hà Nội; đón Công đoàn Hiệp hội ô tô Nhật Bản sang thăm và làm việc tại Việt Nam; đón tiếp các đoàn Lãnh đạo trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào và Ban Chủ nhiệm Chương trình đào tạo giảng viên của Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào sang thăm và làm việc về công tác đào tạo; phối hợp tổ chức các khóa tập huấn cho cán bộ công đoàn kiêm nhiệm làm công tác giảng viên của Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào...
Qua các chuyến thăm làm việc, trao đổi kinh nghiệm, khóa tập huấn, lớp tập huấn với chuyên gia nước ngoài, cán bộ công đoàn ngành Công Thương có thêm sự hiểu biết về mô hình tổ chức và hoạt động công đoàn các nước; được giao lưu, học hỏi về giao tiếp, kỹ năng đàm phán, thương lượng tập thể, toàn cầu hóa và vai trò của công đoàn; phương pháp đào tạo, an toàn vệ sinh lao động, công tác nữ công, tài chính, tuyên truyền kết nạp đoàn viên…
Theo ông Phan Văn Bản – Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam: Những kết quả của hoạt động đối ngoại đã góp phần củng cố tình đoàn kết, hữu nghị với người lao động và nhân dân các nước; tranh thủ sự ủng hộ về vật chất, tinh thần của các công đoàn ngành, tổ chức quốc tế, tăng cường hiểu biết, nâng cao uy tín của Công đoàn Việt Nam nói chung và Công đoàn Công Thương Việt Nam nói riêng.
Thời gian tới, Công đoàn Công Thương Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với công đoàn các nước trong khu vực. Qua đó, tiếp tục góp phần phát huy tinh thần đoàn kết đối với công đoàn bạn theo sự chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. |