Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII
Góp phần quan trọng trong nền quản trị quốc gia
Một cách ngắn gọn, ông có thể đánh giá về vai trò của báo chí trong hoạt động của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội?
Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Ngắn gọn thì khó đánh giá hết, nhưng có thể nói thế này, trong mô hình quản trị quốc gia của nước ta, các cơ quan hành chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ; Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Quốc hội chịu trách nhiệm trước cử tri.
Cử tri muốn áp đặt chế độ trách nhiệm đối với Quốc hội, các đại biểu Quốc hội thì họ phải biết Quốc hội, các đại biểu Quốc hội hoạt động như thế nào. Để làm được việc này cử tri có thể tiếp nhận thông tin trực tiếp từ đại biểu Quốc hội mình bầu lên.
Ông Nguyễn Sĩ Dũng |
Tuy nhiên, ở nước ta, trung bình một đại biểu do khoảng 300-400 nghìn cử tri bầu ra. Trong khi đó, mỗi lần tiếp xúc cử tri, đại biểu chỉ có thể gặp gỡ số lượng cử tri rất hạn chế. Khi đó, để chuyển tải thông tin về hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đến cử tri thì báo chí là kênh nhanh, phổ cập rộng và hiệu quả nhất. Trên thực tế, ngay cả hiệu ứng từ các cuộc tiếp xúc cử tri có được cũng nhờ một phần quan trọng của các cơ quan báo chí.
Hơn nữa, một vị đại biểu dù có tích cực thâm nhập thực tế thì cũng khó nắm bắt được hết ý kiến của cử tri và dư luận, trong khi báo chí có thể đến từng góc khuất của cuộc sống, gặp gỡ những người thậm chí chưa bao giờ tham gia các cuộc tiếp xúc cử tri để phản ánh tâm tư, nguyện vọng của họ.
Đảm bảo quyền được tham gia của cử tri và nhân dân
Điều 6, Hiến pháp năm 2013 quy định: "Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước". Ông có thể chỉ ra vai trò của báo chí trong tiến trình dân chủ mà Điều 6 hàm chứa?
Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung đầy đủ hơn các hình thức thực hiện quyền lực Nhà nước của nhân dân. Theo đó, với dân chủ trực tiếp, người dân tự mình quyết định các luật lệ và chính sách quan trọng của cộng đồng và đất nước. Tuy nhiên, sẽ không dễ có điều kiện để hàng vạn người cùng tham gia tranh luận, quyết định. Trong khi, dân chủ đại diện cũng có thể xảy ra trường hợp người đại diện dễ xa dời, thay đổi sau khi được cử tri bầu. Và khi đó, người ta nói đến dân chủ tham gia với vai trò hết sức quan trọng của các cơ quan báo chí, truyền thông.
Một cách đơn giản, qua thông tin của báo chí, cử tri và nhân dân có thể tham gia vào quá trình thảo luận các chính sách của Quốc hội, thậm chí là tác động lên cả nghị trình của Quốc hội.
Trên thực tế nhiều trường hợp, khi được thông tin cử tri mới có điều kiện để nắm bắt vấn đề gì Quốc hội đang thảo luận, có “đụng chạm” đến quyền, lợi ích của mình để có ý kiến. Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 là một ví dụ. Từ phản ứng của công nhân, qua phản ánh của báo chí, đã trở thành hiệu ứng lan tỏa và tạo ra yêu cầu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội phải xem xét lại.
Không chỉ đảm bảo quyền tham gia của cử tri và nhân dân, báo chí còn cung cấp nguồn phản biện rất quan trọng trước những vấn đề Quốc hội, đại biểu Quốc hội đang bàn thảo thông qua ý kiến của bản thân nhà báo, của các chuyên gia hoặc cử tri, người dân.
Đặc biệt, báo chí còn tạo ra động lực, sự khuyến khích cần thiết để các đại biểu Quốc hội hoạt động tích cực hơn và ở một chừng mực nào đó, báo chí được xem là cơ quan giám sát đối với Quốc hội và đại biểu Quốc hội.
Giảm đưa tin kiểu "Máy ảnh số"!
Chúng ta đã nói nhiều về ưu điểm, còn nhược điểm của báo chí khi đưa thông tin về hoạt động của Quốc hội và đại biểu Quốc hội, thưa ông?
Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Không nên gọi là nhược điểm vì phải khẳng định, báo chí đã và đang thực hiện rất tốt vai trò, trách nhiệm của mình.
Tuy nhiên, để làm tốt hơn, tôi cho rằng, phóng viên đưa tin Quốc hội nên bớt đưa tin kiểu “máy ảnh số”. Thực tế, vẫn khá phổ biến cách đưa tin sự kiện, chớp được những ý kiến mới, sắc sảo của đại biểu Quốc hội để phản ánh hơn là việc phân tích sâu, đụng chạm đến sự được, mất, đến hệ lụy của các chính sách, quyết định đang được Quốc hội thảo luận.
Bên cạnh đó, cũng cần tìm hiểu sâu về chế định nghị viện, chế định Quốc hội. Ngay như hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Có ý kiến cho rằng, đó là hoạt động giám sát và Quốc hội cần có chế tài xử lý trong khi chế tài cao nhất của Quốc hội là bất tín nhiệm.
Tôi cho rằng, việc phóng viên đưa tin Quốc hội chưa thực sự dành thời gian, tâm sức tìm hiểu thì Văn phòng Quốc hội cũng chưa có nhiều các lớp tập huấn, hoặc truyền đạt thông tin đến phóng viên là nguyên nhân của vấn đề nói trên.
Hiện tại, hoạt động báo chí ở nghị trường đã tốt, nhưng cần tốt hơn nữa.
Văn phòng Quốc hội là nơi cung cấp thông tin báo chí
Để công tác thông tin về hoạt động của Quốc hội cũng như các đại biểu Quốc hội ngày càng tốt hơn, ông nhắn nhủ gì tới báo giới?
Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Xin khẳng định, Văn phòng Quốc hội không quản lý báo chí mà luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ quan báo chí, phóng viên tác nghiệp cũng như đảm bảo điều kiện hoạt động cho các đại biểu Quốc hội.
Cũng trong nỗ lực này, hiện Văn phòng Quốc hội đang thúc đẩy thành lập Câu lạc bộ các phóng viên đưa tin về Quốc hội. Tôi hy vọng, trong khuôn khổ hoạt động của Câu lạc bộ, việc tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, cung cấp thông tin hai chiều giữa báo chí và Văn phòng Quốc hội, Quốc hội và đại biểu Quốc hội sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn.
Trân trọng cảm ơn ông!